Quản lý bền vững rừng phòng hộ: Hướng phát triển, thu hút nguồn lực
Phấn đấu đến năm 2025, có khoảng 50% các khu rừng phòng hộ sẽ tổ chức hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí, hàng năm thu hút tối thiểu từ 15-20% lượng khách du lịch tại Việt Nam.
Rừng phòng hộ đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tăng cường khả năng chống chịu của hệ thống tự nhiên, đảm bảo an ninh môi trường quốc gia, đồng thời cung cấp các sản phẩm, dịch vụ cho phát triển kinh tế-xã hội địa phương và cộng đồng dân cư sống gần rừng.
Trong bối cảnh xã hội và ngành lâm nghiệp hiện nay, chúng ta rất cần một định hướng phát triển rừng phòng hộ rõ ràng để quyết tâm thực hiện.
Xây dựng phương án quản lý rừng bền vững
Ông Ngô Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn quản lý tài nguyên (CORENARM), cho rằng xây dựng phương án quản lý rừng bền vững là việc bắt buộc ở các chủ rừng lớn, tuy nhiên phải theo nhiều tiến độ thực hiện và lộ trình.
Ví dụ, tại Thanh Hóa, hầu hết các Ban quản lý rừng phòng hộ đều chỉ mới chuẩn bị khung và bản thảo của phương án; riêng Ban quản lý rừng phòng hộ Lang Chánh đã có phương án phê duyệt và được cấp chứng chỉ FSC/FM (2019). Tại Nghệ An chưa có phương án quản lý rừng bền vững do đang vướng mắc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hà Tĩnh đang triển khai điều tra và xây dựng phương án, nhận hỗ trợ tư vấn. Tại Quảng Bình một số đơn vị đã có phương án quản lý rừng bền vững theo Thông tư 38/2014/TT-BNNPTNT Hướng dẫn về Phương án quản lý rừng bền vững, hiện đang điều chỉnh theo Thông tư 28…
Ông Ngô Trí Dũng nhận định: “Xây dựng phương án quản lý rừng bền vững tùy vào đặc thù của từng tỉnh, theo dự án hỗ trợ tư vấn, kinh phí, lộ trình. Phần lớn các Ban quản lý rừng bền vững hoạt động dựa vào nguồn thu từ chi trả dịch vụ môi trường rừng, do vậy kinh phí xây dựng phương án còn hạn hẹp, dẫn đến chậm triển khai xây dựng phương án. Ngoài ra, tính chủ động từ các Ban quản lý trong xây dựng phương án chưa cao, do thiếu động lực triển khai.”
Ông Trần Quốc Cảnh, Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết: Để thực hiện việc quản lý rừng bền vững đòi hỏi những điều kiện cần và đủ. Trước hết là các Ban Quản lý rừng phòng hộ phải biết được các giá trị của rừng do mình quản lý chứ không phải quản lý diện tích như hiện tại. Bên cạnh đó, cần phải xây dựng chính sách và quản lý rừng phòng hộ. Trong đó, có việc xây dựng nội dung Chiến lược phát triển rừng phòng hộ giai đoạn 2020-2030 và tầm nhìn đến 2040; xác lập quyền sở hữu cho chủ rừng; thực hiện giao đất, giao rừng cho các ban quản lý rừng phòng hộ; xác định rõ ranh giới trên bản đồ, cắm mốc ngoài thực địa để phục vụ công tác quản lý rừng, theo dõi, thống kê, kiểm kê và lập hồ sơ quản lý rừng theo lô, khoảnh, tiểu khu rừng.
Xã hội hóa để thu hút nguồn lực đầu tư
Ông Nguyễn Quốc Dựng (Viện Điều tra Quy hoạch rừng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng trong thời gian tới nhằm quản lý hiệu quả hệ thống rừng phòng hộ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị cần thực hiện chủ trương xã hội hóa để thu hút, huy động hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực bảo vệ, phát triển rừng, sử dụng rừng để phát triển kinh tế bền vững. Tuy nhiên, việc thu hút này cần theo đúng quy định của pháp luật, không làm tổn hại sinh thái rừng; bảo vệ môi trường sinh thái; không đánh đổi hiệu quả kinh tế với an ninh môi trường và thực hiện nghiêm công tác kiểm soát việc chuyển mục đích sử dụng rừng theo quy định của Luật Lâm nghiệp.
Ngoài ra, cần rà soát, điều chỉnh đơn giá dịch vụ môi trường rừng, mở rộng các hoạt động dịch vụ theo từng giai đoạn hợp lý để tăng nguồn thu cho các Ban quản lý rừng phòng hộ; xây dựng các dự án ưu tiên đầu tư cho hệ thống rừng phòng hộ: dự án quản lý bảo vệ rừng; dự án đầu tư hạ tầng, cắm mốc ranh giới; dự án đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ và đầu tư thiết bị quản lý bảo vệ rừng...
Đồng tình với ý kiến trên, đại diện Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Thanh Chương (Nghệ An) cho rằng các Ban quản lý rừng phòng hộ phải được trao quyền tự chủ theo đúng nghĩa, theo đó cần xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật phục vụ rừng phòng hộ bởi đây là vấn đề quan trọng nhằm hỗ trợ các Ban quản lý và hệ thống quản lý nhà nước thực hiện các hoạt động công ích.
Hiện tại, các Ban quản lý không được tự chủ về nhân sự, về số hợp đồng bảo vệ rừng. Đối với việc khoán bảo vệ rừng, hiện Ban quản lý không được quyền chọn các đối tượng giao khoán mà phải ưu tiên khoán cho các hộ nghèo, trong khi các hộ nghèo thường thiếu nhân lực lao động nên thiếu khả năng bảo vệ rừng.
Cùng với đó, cần tập trung các dự án đầu tư phát triển, bảo vệ và phục hồi hệ thống rừng phòng hộ đầu nguồn ở khu vực miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và toàn bộ diện tích rừng phòng hộ chắn sóng, chắn cát ven biển. Đối với những khu vực rừng phòng hộ ngập mặn có nguồn lợi thủy sản là sinh kế của cư dân trong vùng thì cần xác định cụ thể các khu vực, nơi cộng đồng cư dân địa phương được phép khai thác, nuôi trồng thuỷ sản để kết hợp phát triển kinh tế.
Đặc biệt, cần chú trọng thực hiện việc quản lý, sử dụng môi trường rừng phòng hộ theo tiêu chí quản lý rừng bền vững của Việt Nam và quốc tế. Các Ban quản lý rừng phòng hộ cần từng bước tự chủ được về tài chính, thông qua tăng nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng và phát triển du lịch sinh thái. Phấn đấu đến năm 2025, có khoảng 50% các khu rừng phòng hộ sẽ tổ chức hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí, hàng năm thu hút tối thiểu từ 15-20% lượng khách du lịch tại Việt Nam.
Đối với các rừng phòng hộ có tiềm năng thì cần thúc đẩy nghiên cứu, thực hiện các giải pháp khai thác tiềm năng của rừng, phát triển lâm đặc sản, dược liệu dưới tán rừng; phát triển sản xuất, kinh doanh dịch vụ, tạo các nguồn thu đầu tư trở lại để bảo vệ rừng.
Bên cạnh đó, các địa phương nên ưu tiên bố trí nguồn nhân lực bảo vệ rừng chuyên trách cho các Ban quản lý rừng để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ. Nhà nước cần ưu tiên đầu tư nâng cao năng lực, xây dựng cơ sở hạ tầng, áp dụng công nghệ tiên tiến trong công tác quản lý, giám sát đa dạng sinh học đối với các Ban quản lý rừng phòng hộ.
Lý Thanh Hương