Phục hồi và tăng trưởng ‘xanh’ hậu Covid-19
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho rằng, cần đặt môi trường, khí hậu ở vị trí ưu tiên cao nhất trong chương trình nghị sự, kế hoạch phát triển và thu hút đầu tư trong năm 2022.
Đây là thông điệp và cũng là những băn khoăn, trăn trở của Bộ trưởng Trần Hồng Hà với cương vị người đứng đầu ngành tài nguyên và môi trường (TNMT). Sau một năm với nhiều sự kiện đáng nhớ, Bộ trưởng chia sẻ về những điểm nhấn nổi bật của ngành trong năm 2021 về phát triển kinh tế xanh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) và những định hướng của ngành trong năm Nhâm Dần.
Cam kết mạnh mẽ về giảm phát thải
Chia sẻ về một năm hết sức đặc biệt, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhận định, thiên tai dưới tác động của BĐKH và sự bùng phát dịch Covid-19 đã ảnh hưởng sâu sắc đến phát triển kinh tế-xã hội, làm ngưng trệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong bối cảnh đó, ngành TNMT đã quyết tâm cao nhất để thực hiện 3 mục tiêu: Phòng, chống dịch hiệu quả; phát huy được các tiềm lực về tài nguyên đóng góp cho tăng trưởng, phục hồi phát triển kinh tế-xã hội; xây dựng các nền tảng cho một thập kỷ phát triển bền vững dựa trên các hệ sinh thái.
Một trong những điểm nhấn của ngành TNMT trong năm 2021 chính là những nỗ lực, sáng kiến khi tham gia Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về BĐKH (COP26).
Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định, tại COP26, cam kết mạnh mẽ được Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra là đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 rất phù hợp với xu hướng phục hồi xanh hậu Covid-19 và nền kinh tế nhân văn lấy con người làm trung tâm, như Nghị quyết Đại hội Đảng XIII đã thông qua.
"Đây là những cam kết rất mạnh mẽ của Việt Nam, hoà cùng xu thế chung của nhân loại, xu thế hành động mạnh mẽ về phát triển ít phát thải. Các cam kết của Việt Nam đã được các nhà lãnh đạo các nước, các tập đoàn lớn trên thế giới đánh giá cao", Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết.
Trên thực tế, để đưa ra cam kết trên, ngay trước thời điểm chính thức tham dự COP26, Việt Nam đã có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng, trong đó có việc đưa vấn đề ứng phó với BĐKH, các cam kết của Việt Nam thực hiện Thoả thuận Paris vào Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020, Nghị định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone; xây dựng các quy định thực hiện giảm nhẹ, thích ứng với BĐKH đáp ứng yêu cầu minh bạch…
Với vai trò Trưởng Ban công tác đàm phán về BĐKH của Việt Nam, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng: Thỏa thuận đạt được tại COP26 mang lợi ích kép cho Việt Nam. Trước hết, là quốc gia chịu tác động của BĐKH, chúng ta có lợi ích rất lớn từ cam kết giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C giảm nhẹ thiệt hại đối với các đồng bằng ven biển; phát huy được tiềm năng về các nguồn năng lượng tái tạo.
Thứ hai là chúng ta có thể tiếp cận được với sự dịch chuyển các dòng vốn tín dụng, đầu tư toàn cầu, cũng như đáp ứng được sự thay đổi về "luật chơi" mới về thương mại, kinh tế toàn cầu, qua đó, mở ra nhiều cơ hội chuyển dịch mô hình tăng trưởng, tiếp cận tri thức, công nghệ, tài chính cho ứng phó với BĐKH, đặc biệt là các dòng tín dụng, đầu tư cho hạ tầng ứng phó với BĐKH, chuyển đổi năng lượng.
Bộ TN&MT cũng đã rất khẩn trương triển khai thực hiện cam kết với việc trình Thủ tướng Phạm Minh Chính thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 và xây dựng đề án để triển khai thỏa thuận.
Theo Tư lệnh ngành TNMT, để thực hiện được những cam kết trên còn có rất nhiều việc phải làm. Trước hết là phải rà soát lại các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đã và đang được xây dựng của các bộ, ngành, địa phương để điều chỉnh phù hợp với lộ trình đưa phát thải ròng của Việt Nam về "0" vào năm 2050.
Đồng thời, để nắm bắt được các cơ hội từ sự dịch chuyển các dòng vốn tín dụng, đầu tư phát triển của thế giới, nhất là từ các định chế tài chính, các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp đa quốc gia, chúng ta cần phải rà soát, có những giải pháp đột phá trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư rất thuận lợi để hợp tác phát triển và thực hiện các dự án về chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính cùng với các nước phát triển có tiềm năng về kinh tế, công nghệ.
Phát triển kinh tế tuần hoàn là tất yếu
Một trong những nội dung rất quan trọng của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là phát triển theo mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Chia sẻ về nội dung này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhận định, trên thế giới hiện nay, bên cạnh các mô hình như kinh tế xanh, kinh tế phát thải carbon thấp thì kinh tế tuần hoàn được coi là chìa khóa để giải quyết yêu cầu về sử dụng tiết kiệm các nguồn tài nguyên, giải quyết ô nhiễm môi trường, ứng phó với BĐKH, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.
Vấn đề môi trường, khí hậu được đặt ở vị trí ưu tiên cao nhất trong chương trình nghị sự, kế hoạch phát triển của đất nước với mục tiêu bảo vệ sức khoẻ nhân dân, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường. Năm 2021, năm đánh dấu bước chuyển biến với hệ thống pháp luật được xây dựng đồng bộ, các chỉ tiêu về môi trường hoàn thành vượt mục tiêu. Bài toán về rác thải đã có lời giải với các dự án đã, đang triển khai sẽ xử lý 30% rác thải sinh hoạt theo hình thức đốt rác phát điện đạt 157 MW. Kinh tế tuần hoàn bước đầu đã được phát triển công nghiệp tái chế, xử lý rác thải, nước thải tăng 3%.
Đây là mô hình kinh tế, trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất, loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường. Kinh tế tuần hoàn giúp tận dụng được nguồn nguyên vật liệu đã qua sử dụng thay vì tiêu tốn chi phí xử lý; giảm thiểu khai thác tài nguyên thiên nhiên, tận dụng tối đa giá trị tài nguyên; hạn chế tối đa chất thải, khí thải ra môi trường.
Phát triển kinh tế tuần hoàn đang trở thành một trong những xu thế chủ đạo. Bài học thành công tại các nước tiên tiến trên thế giới là kinh nghiệm để Việt Nam phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn.
Để thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, Việt Nam đã hoàn thiện thể chế với việc ban hành Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà thông tin, giải pháp mạnh mẽ nhất để phát triển kinh tế tuần hoàn là quy định trách nhiệm cụ thể của nhà sản xuất trong việc thu hồi, tái chế hoặc chi trả chi phí xử lý các sản phẩm thải bỏ dựa trên số lượng sản phẩm bán ra trên thị trường; phát triển công nghiệp môi trường, thị trường hàng hóa và dịch vụ môi trường, sản phẩm thân thiện môi trường… Cùng với đó, quản lý dự án theo vòng đời, thiết lập lộ trình xây dựng và áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường (phát thải và công nghệ) tương đương với nhóm các quốc gia tiên tiến trong khu vực.
Bộ trưởng cũng lưu ý, ngay từ khâu quy hoạch, kế hoạch, thiết kế sản xuất, thiết kế sản phẩm cần triển khai bài bản để tăng cường kết nối chuỗi sản xuất tuần hoàn. Đặc biệt, cần lựa chọn một số ngành, lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ thực hiện theo mô hình kinh tế tuần hoàn như: công nghiệp giấy, sản xuất sắt, thép, nhiệt điện, quản lý nước theo chu trình.
Hậu Covid-19: Phục hồi và tăng trưởng "xanh"
Nhận định rằng, phục hồi xanh sau đại dịch Covid-19, thực hiện mục tiêu trung hòa carbon, chuyển đổi năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo đã trở thành xu thế tất yếu của thời đại, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, ngành TNMT sẽ tạo ra những thay đổi cơ bản trong tư duy và hành động, nắm bắt xu thế của thời đại, đổi mới đột phá về thể chế, thực hiện các cam kết quốc tế về môi trường và khí hậu.
Trước hết, tập trung hoàn thiện đồng bộ thể chế, trong đó trọng tâm là hoàn thành tổng kết Nghị quyết số 19 về đất đai trình Ban Chấp hành Trung ương ban hành nghị quyết mới; tổng kết Nghị quyết số 24 về tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với BĐKH…
Bên cạnh việc quản lý, sử dụng khai thác tiết kiệm, hiệu của các nguồn tài nguyên thiên nhiên vốn hữu hạn, ngành TNMT sẽ tiếp tục xây dựng tạo lập tài nguyên số từ các dữ liệu lớn về đất đai, thông tin địa lý, quan trắc, viễn thám, dữ liệu khí hậu để thực hiện mục tiêu kinh tế hóa tài nguyên, môi trường và phát triển kinh tế số.
Cùng với đó, triển khai Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; tập trung rà soát tình trạng lãng phí đất đai, đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường, các dự án có vướng mắc sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán…
Xác định rõ xu thế của thế giới hậu Covid-19 sẽ là tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, giảm khai thác tài nguyên thiên nhiên; bảo vệ, khôi phục hệ sinh thái tự nhiên, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, cần đặt môi trường, khí hậu ở vị trí ưu tiên cao nhất trong chương trình nghị sự, kế hoạch phát triển và thu hút đầu tư. Năm 2022, ngành TNMT sẽ triển khai hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường, chặn đà và từng bước đảo ngược xu thế suy thoái về môi trường, các hệ sinh thái; thút nguồn lực xã hộ trong xử lý chất thải, rác thải theo mô hình đốt rác, phát điện, tái chế thay cho chôn lấp.
Cuối cùng, toàn ngành sẽ thực hiện giải pháp chiến lược, đột phá triển khai kết quả Hội nghị COP26; hoàn thiện thể chế, chính sách; thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi, chủ động tận dụng các cơ hội hợp tác, tiếp cận công nghệ, và đón đầu các dòng vốn đầu tư xanh vào hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng phục vụ chuyển đổi mô hình phát triển.
Theo Báo Chính Phủ