VIASEE và Tạp chí Kinh tế Môi trường: 10 sự kiện nổi bật 2021
Năm 2021 với nhiều biến động về kinh tế xã hội và sự phức tạp của đại dịch Covid-19. Vượt lên những khó khăn, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (VIASEE) và Tạp chí Kinh tế Môi trường đã có nhiều hoạt động thiết thực.
- Dâng hương ở Đền Hùng, trồng cây xanh ở Hoa Lư
Chiều 19/3/2021, nhân chuyến đi khai Xuân đầu năm 2021, đoàn TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Tạp chí Kinh tế Môi trường do PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Chủ tịch TW Hội dẫn đầu đã đến dâng hương Đền Hùng (tỉnh Phú Thọ). Đoàn đã thăm lại cây Bồ Đề mà Hòa thượng Thích Huyền Diệu chủ trương trồng tại khuôn viên Đền Hạ (thuộc Đền Hùng) cách đây hơn 20 năm.
Hưởng ứng Chương trình trồng 1 tỉ cây xanh mới đây của Chính phủ và Chương trình Quỹ 1 triệu cây xanh cho Việt Nam do Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai từ năm 2012, nhân dịp lễ Giỗ tổ Hùng Vương 2021 (10/3 Âm lịch tức ngày 21/4), TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đã tổ chức trồng cây xanh tại nhà thờ họ Trương Việt Nam tại huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.
- Trồng cây Bồ Đề tại chùa Yên Phú - Thanh Trì
Cũng trong ngày 21/4, Hội Hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ Thành phố Hà Nội phối hợp với Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức lễ trồng cây Bồ Đề tại chùa Yên Phú - ngôi chùa có lịch sử lâu đời tại xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, Thành phố Hà Nội.
Đây là cây Bồ Đề được thỉnh từ đất Phật do TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam tặng cho Hội Hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ Thành phố Hà Nội. Hoạt động này nhằm hưởng ứng chương trình trồng 1 tỉ cây xanh của Chính phủ, đồng thời lan tỏa tình yêu đạo Phật đối với các tăng ni phật tử trên địa bàn Thành phố.
- Kiến nghị Thủ tướng về tình trạng khai thác khoáng sản tận diệt
Tạp chí Kinh tế Môi trường, cơ quan ngôn luận của VIASEE đã liên tiếp đăng tải loạt bài viết gồm 11 kỳ về đường dây khai thác đá bạc (đá thạch anh) trái phép tại huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. VIASEE đã có văn bản số 06/TN-BCH kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường giám sát, xử lý sai phạm trong khai thác khoáng sản. Sau khi nhận được kiến nghị của VIASEE về việc tăng cường giám sát, xử lý sai phạm trong khai thác khoáng sản, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo xử lý thực trạng này.
Trong tháng 6/2021, Tạp chí Kinh tế Môi trường tiếp tục đăng tải loạt bài viết liên quan đến việc khai thác tài nguyên khoáng nóng tại huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ. Ngay sau đó, VIASEE đã có văn bản số 11/TN-BCH gửi Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường giám sát, xử lý sai phạm trong khai thác khoáng sản, trong đó có tài nguyên khoáng nóng. Văn bản này được xem là ý kiến chung của các nhà khoa học trong lĩnh vực bảo vệ tài nguyên, môi trường.
- Ra mắt Quỹ Gieo mầm Xanh hạnh phúc
Được sự phối hợp của Bộ Tài nguyên và Môi trường, TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (VIASEE) ra mắt Quỹ Gieo mầm Xanh hạnh phúc. Theo đó, sứ mệnh của Quỹ là các hoạt động hướng đến việc bảo vệ môi trường, phát triển bền vững và chương trình thiện nguyện nhân văn sâu sắc.
Được biết, ngay sau lễ ra mắt, một số tổ chức thiện nguyện đã ủng hộ Quỹ với số tiền ban đầu là 1,5 tỉ đồng. Quỹ Gieo mầm Xanh hạnh phúc phối hợp với Quỹ Y tế 9295 trao tặng 20 nghìn khẩu trang y tế cùng một số nhu yếu phẩm y tế cho Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Quỹ cũng đã trao 25 nghìn khẩu trang y tế 4 lớp ủng hộ tỉnh Bắc Giang thông qua Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh Bắc Giang.
- Thành lập Viện Chính sách Kinh tế Môi trường – EEPI
Sáng 5/6, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ ra mắt Viện Chính sách Kinh tế Môi trường (EEPI) trực thuộc TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (VIASEE) cùng Hội đồng Quản lý của Viện. Viện Chính sách Kinh tế Môi trường (tên quốc tế: Environmental Economic Policy Institute - EEPI) là đơn vị thành viên trực thuộc VIASEE được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp phép số A-2385, ngày 28/5/2021.
Theo đó, EEPI là nơi tập hợp các nhà khoa học để nghiên cứu, tư vấn, đào tạo và cung cấp thông tin trong lĩnh vực kinh tế môi trường cho các tổ chức trong và ngoài nước. Viện có nhiệm vụ nghiên cứu cơ chế chính sách trong lĩnh vực kinh tế môi trường; Nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, thực hiện các chương trình, đề tài, dự án trong lĩnh vực kinh tế môi trường, bảo vệ môi trường, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững.
- Gặp mặt các thành viên Khối Môi trường và Biến đổi khí hậu của VUSTA
Tại Quyết định số 146/QĐ-LHHVN về việc phân công nhiệm vụ Ủy viên Đoàn chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) khóa VIII nhiệm kỳ 2020-2025, đồng chí Trương Mạnh Tiến, Ủy viên Đoàn Chủ tịch VUSTA, Chủ tịch TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam được giao phụ trách Khối Môi trường và Biến đổi khí hậu của VUSTA, gồm 11 hội thành viên.
Sáng 2/7, thực hiện Quyết định trên, PGS.TS Trương Mạnh Tiến đã chủ trì buổi gặp mặt các thành viên trong Khối. Thông qua buổi gặp mặt lần này, các thành viên hiểu nhau hơn, nắm bắt được các thế mạnh của từng hội thành viên và đoàn kết thành một khối thống nhất đưa Khối Môi trường và Biến đổi khí hậu là điểm nhấn của VUSTA trong nhiệm kỳ này.
- Tham dự Hội nghị triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII của VUSTA
Ngày 15/9, Hội nghị “Đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng” do VUSTA tổ chức chính thức khai mạc tại Hà Nội. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự, chủ trì và có bài phát biểu quan trọng chỉ đạo Hội nghị. PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Ủy viên Đoàn Chủ tịch VUSTA, Chủ tịch VIASEE cũng đã tham dự Hội nghị.
Tại Hội nghị, đội ngũ trí thức KH&CN Việt Nam, Liên hiệp Hội Việt Nam từ Trung ương tới địa phương, các hội ngành toàn quốc, tổ chức KH&CN trực thuộc đã được nghe ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. để từ đó cụ thể hóa chương trình hành động, triển khai Nghị quyết của Đảng vào đời sống, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường và thịnh vượng.
- Tổ chức hội thảo “Nâng cao hiệu quả công cụ kinh tế bảo vệ môi trường”
VIASEE là tổ chức có bề dày hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, được VUSTA tín nhiệm giao nhiệm vụ tổ chức hội thảo: “Nâng cao hiệu quả công cụ kinh tế bảo vệ môi trường”.
Hội thảo được tổ chức nhằm lấy ý kiến đóng góp tư vấn, phản biện của các nhà khoa học, các chuyên gia đối với các cơ quan quản lý nhà nước để tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, cụ thể là các công cụ kinh tế áp dụng trong quản lý môi trường.
- Tọa đàm "Việt Nam và những cam kết tại COP26 - Góc nhìn Kinh tế Môi trường"
Tại Hội nghị COP26, dư luận quốc tế đánh giá cao cam kết của Việt Nam thực hiện mục tiêu Net Zero vào năm 20250 được tuyên bố bởi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Nhìn thấy rõ nguy cơ biến đổi khí hậu gây nước biển dâng có thể khiến một số quốc đảo biến mất và các đồng bằng ven biển Việt Nam cũng hứng chịu chung nguy cơ ấy, Việt Nam đã có những hành động kịp thời, nỗ lực tìm kiếm các giải pháp để đẩy lùi nguy cơ đó, đồng thời cam kết giảm sử dụng điện than, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch.
- Trao quà từ thiện tại Nghệ An và Làng trẻ em Birla
Trong hai ngày 25 và 26 tháng 11/2021, Tạp chí Kinh tế Môi trường cùng Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đã trao quà từ thiện, trồng cây xanh tại nhiều địa điểm của xã Phong Thịnh, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Tại đây, đoàn đã trao tặng 5 cuốn sổ tiết kiệm cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương; trao tặng 5 bộ máy tính cho trường THCS Phong Thịnh; trao tặng 5 bộ máy tính, 50 thùng sữa và trồng cây tạo bóng mát cho các trường mầm non, tiểu học, THCS xã Phong Thịnh (Thanh Chương, Nghệ An).
Ngày 11/12/2021, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam tiếp tục thực hiện hoạt động thiện nguyện tại Làng trẻ em Birla Hà Nội. Tại đây, VIASEE tặng làng trẻ nhiều sản phẩm thiết thực phục vụ cho cuộc sống hàng ngày của các em có hoàn cảnh khó khăn như: Trao tặng cây xanh, lò đốt rác thải, bình nóng lạnh, dầu ăn và sữa tươi…
Ban Biên Tập