Thứ bảy, 23/11/2024 03:33 (GMT+7)
Thứ ba, 04/01/2022 16:00 (GMT+7)

10 sự kiện thiên văn kỳ thú, nhất định phải ‘chiêm ngưỡng’ trong năm 2022

Theo dõi KTMT trên

Năm 2022 mang đến nhiều điều thú vị cho những người yêu thiên văn, bao gồm siêu trăng tròn, mưa sao băng, nhật thực một phần, nguyệt thực toàn phần và nhiều cuộc gặp gỡ giữa các hành tinh.

Theo đó, năm 2022 cũng hứa hẹn xuất hiện nhiều hiện tượng thiên văn đáng chú ý có thể quan sát tại Việt Nam. Trong đó, hiện tượng thiên văn đáng chú ý nhất của năm 2022 đối với người quan sát tại Việt Nam là nguyệt thực toàn phần xảy ra vào ngày 8/11.

Sao Kim, Sao Hỏa và Sao Thổ trong vũ hội hành tinh

Sao Hỏa, sao Thổ và sao Kim sẽ xuất hiện cực kỳ gần nhau trước khi Mặt Trời mọc trong 2 tuần cuối cùng của tháng 3. Bộ 3 gần nhau đến mức chúng sẽ ở trong cùng một trường quan sát của một số kính thiên văn và ống nhòm. Hiện tượng này sẽ tiếp tục sau khi lịch chuyển sang tháng Tư với sao Hỏa và sao Thổ xuất hiện cực gần vào các buổi sáng ngày 4/4 và 5/4, gần như trùng nhau trong khi sao Kim chiếu sáng gần đó.

10 sự kiện thiên văn kỳ thú, nhất định phải ‘chiêm ngưỡng’ trong năm 2022 - Ảnh 1
Sao Hỏa, sao Thổ và sao Kim sẽ xuất hiện cực kỳ gần nhau trong hai tuần cuối cùng của tháng 3. (Ảnh: NASA)

Mưa sao băng Lyrids (4-5/4)

Tháng 4 là tháng thiên văn toàn cầu và hầu hết mọi người trên thế giới sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng mưa sao băng Lyrids đạt cực đại vào đêm 21/4, rạng sáng 22/4. Đây sẽ là trận mưa sao băng đầu tiên đạt cực đại trong hơn ba tháng, chấm dứt đợt hạn hán mưa sao băng kéo dài và tạo ra khoảng 15 ngôi sao băng mỗi giờ.

Sau Lyrid chưa đầy hai tuần sau đó sẽ là mưa sao băng Aquarid - trận mưa sao băng có thể xuất hiện từ 20 đến 40 sao băng mỗi giờ vào đêm 4/5, rạng sáng 5/5. Đây cũng là trận mưa sao băng đẹp nhất trong năm ở Nam bán cầu.

Trăng đen (30/4)

Sự kiện thiên văn lớn thứ 4 trong năm là sự kiện duy nhất không thể được nhìn thấy, ngay cả khi có sự trợ giúp của kính thiên văn.

10 sự kiện thiên văn kỳ thú, nhất định phải ‘chiêm ngưỡng’ trong năm 2022 - Ảnh 2
Trăng đen là sự kiện duy nhất không thể được nhìn thấy, ngay cả khi có sự trợ giúp của kính thiên văn.

Trăng đen của tháng 4 là bản sao của Trăng xanh, được sử dụng để mô tả trăng non thứ hai trong tháng. Không thể quan sát được Trăng đen vì đó là thời điểm phần được chiếu sáng của Mặt Trăng hướng ra xa Trái Đất.

Mặc dù không thể nhìn thấy Trăng đen trên bầu trời, nhưng đây là thời điểm tốt trong tháng để ngắm sao vì không có ô nhiễm ánh sáng tự nhiên từ Mặt Trăng.

Nhật thực một phần (30/4 và 25/10)

Năm 2022 không có nhật thực toàn phần nhưng sẽ xảy ra 2 lần Nhật thực một phần, khi Mặt Trăng che một phần Mặt Trời.

Lần đầu tiên là ngày 30/4, Nhật thực một phần sẽ xuất hiện ở miền nam Nam Mỹ, một phần của Nam Cực và trên các phần của Thái Bình Dương và Nam Đại Dương. Mặt Trăng sẽ đi qua giữa Trái Đất và Mặt Trời, và Nhật thực cực đại là lúc 64 % Mặt Trời sẽ bị Mặt Trăng che phủ. Để xem được mức độ lớn nhất của nhật thực, người xem phải ở Nam Đại Dương, phía tây Bán đảo Nam Cực. Tuy nhiên, những người theo dõi nhật thực ở các vùng cực Nam của Chile và Argentina cũng sẽ có thể nhìn thấy khoảng 60% Mặt Trời bị Mặt Trăng che khuất.

Lần thứ hai sẽ diễn ra vào ngày 25/10. Trong lần nhật thực này, bóng của Mặt Trăng chủ yếu rơi xuống các vùng cực Bắc của Trái Đất. Nó sẽ được nhìn thấy từ một phần phía Đông của Greenland và toàn bộ Iceland, cũng như hầu hết châu Âu (ngoại trừ Bồ Đào Nha và các phần phía Tây và Nam của Tây Ban Nha), Đông Bắc châu Phi và ở mức độ khác nhau trên phần lớn miền Tây và Trung Á.

Nhật thực lớn nhất - với gần 7/8 đường kính của Mặt Trời bị che khuất - xảy ra vào lúc hoàng hôn trên Đồng bằng Tây Siberi gần thành phố Nizhosystemtovsk, một trong những thành phố giàu có nhất ở Nga.

Nguyệt thực toàn phần (15-16/5 và 8/11)

Mặt Trăng sẽ chuyển sang màu đỏ trong đêm từ ngày 15/5 đến ngày 16/5. Đây là nguyệt thực toàn phần đầu tiên trong năm 2022. Hiện tượng có thể được quan sát thấy tại một số nơi ở Bắc Mỹ, Nam Mỹ, châu Âu, châu Phi và châu Á.

10 sự kiện thiên văn kỳ thú, nhất định phải ‘chiêm ngưỡng’ trong năm 2022 - Ảnh 3
Nguyệt thực toàn phần năm 2022 sẽ diễn ra vào 2 đợt, ngày 15-16/5 và 8/11.

Nguyệt thực toàn phần thứ 2 và là lần cuối cùng trong năm sẽ diễn ra trước khi Mặt Trời mọc vào ngày 8/11. Một số khu vực của Canada và Mỹ, bao gồm cả Alaska và Hawaii, sẽ có cơ hội quan sát hiện tượng này nếu thời tiết cho phép. Người dân ở Bờ Đông sẽ bỏ lỡ giai đoạn nguyệt thực toàn phần vì Mặt Trăng sẽ lặn trước khi đến đỉnh Nguyệt thực.

Sau nguyệt thực cuối cùng của năm 2022, người dân ở Bắc Mỹ sẽ phải chờ tới tháng 3/2025 mới có cơ hội chiêm ngưỡng Nguyệt thực toàn phần tiếp theo.

Siêu trăng (14/6, 13/7 và 12/8)

Năm 2022 sẽ có ba siêu trăng và lần lượt vào ngày 14/6, 13/7 và 12/8. Hiện tượng siêu trăng xảy ra khi Mặt Trăng vào thời kì trăng tròn hoặc trăng non trùng vào điểm cận địa, tức là điểm trên quỹ đạo của nó mà có khoảng cách gần nhất so với Trái Đất, làm cho kích thước biểu kiến của nó to hơn bình thường khi quan sát từ Trái Đất.

5 hành tinh thẳng hàng (24/6)

Sao Thủy, sao Kim, sao Hỏa, sao Mộc và sao Thổ sẽ sắp xếp thẳng hàng theo thứ tự và đều đủ sáng để có thể nhìn thấy bằng mắt thường trước khi Mặt Trời mọc vào ngày 24/6 trên bầu trời phía Đông. Mặt Trăng hình lưỡi liềm thậm chí cũng nằm trên đường thẳng này, giữa sao Kim và sao Hỏa.

Vị trí thẳng hàng trên chỉ xuất hiện dưới góc nhìn từ Trái Đất. Trên thực tế, các thiên thể không thực sự thẳng hàng trong hệ Mặt Trời.

5 hành tinh bằng mắt thường sẽ có thể nhìn thấy đồng thời, xếp thành một đường trải dài trên bầu trời chạng vạng buổi sáng phía Đông và Đông Nam trong hai tuần cuối cùng của tháng 6.

Mưa sao băng Perseids (12-13/8)

Perseids là một trong những trận mưa sao băng đáng chú ý nhất trong năm. Đợt mưa sao băng này được hình thành bởi những mảnh vụn của sao chổi Swift-Tuttle.

10 sự kiện thiên văn kỳ thú, nhất định phải ‘chiêm ngưỡng’ trong năm 2022 - Ảnh 4
Nếu điều kiện thời tiết tốt, mưa sao băng Perseids có thể mang tới 100 vệt sao băng lúc cực điểm. (Ảnh: Aref Fathi/WikiCommons)

Mưa sao băng diễn ra từ giữa tháng 7 đến cuối tháng với cực điểm rơi vào đêm 12, rạng sáng 13/8. Nếu điều kiện thời tiết tốt, mưa sao băng Perseids có thể mang tới 100 vệt sao băng lúc cực điểm.

Tuy nhiên, màn trình diễn mùa hè hàng năm của mưa sao băng Perseid thường bị cản trở bởi ánh sáng của trăng tròn.

Sao Hỏa sáng cực đại (8/12)

Hành tinh "láng giềng" của chúng ta sẽ đạt độ sáng cực đại vào ngày 8/12 khi nó nằm đối diện với Mặt Trời theo góc nhìn của Trái Đất. Khi đó, nó sáng hơn hầu hết các ngôi sao trên bầu trời và có thể được nhìn thấy suốt đêm.

Đây là cơ hội tốt nhất để các cơ quan vũ trụ như NASA nghiên cứu hành tinh đỏ. Phải chờ đến ngày 15/1/2025, sự kiện tương tự mới xảy ra lần nữa.

Mặt Trăng gần sao Hỏa và mưa sao băng Geminids (13-14/12)

Tối 7/12 được gọi là đêm "M&M", đó là lúc trăng tròn sẽ đi qua cực kỳ gần phía trên sao Hỏa khiến người quan sát ở khu vực của Bắc Mỹ gần như thấy chúng ẩn vào nhau.

Trận mưa sao băng được mong chờ nhất năm 2022 sẽ đạt đỉnh vào tuần thứ hai của tháng 12. Trong điều kiện lý tưởng, mưa sao băng Geminids cho 100-150 vệt sáng mỗi giờ, nhưng một lần nữa, màn trình diễn ánh sáng ngoạn mục này sẽ bị cản trở bởi trăng tròn. Điều tương tự cũng xảy ra vào năm 2021 với trăng sáng làm giảm tỷ lệ nhìn thấy sao băng xuống chỉ còn 30-40 vệt mỗi giờ.

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết 10 sự kiện thiên văn kỳ thú, nhất định phải ‘chiêm ngưỡng’ trong năm 2022. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới