10 sự kiện khí hậu toàn cầu nổi bật năm 2021
Năm 2021, cuộc khủng hoảng khí hậu đã gây ra những thiệt hại kinh hoàng trên toàn cầu. Trong đó, nhiều nơi trên thế giới đã chứng kiến các kiểu thời tiết khác nhau do biến đổi khí hậu, gây thiệt hại lớn.
Từ Bắc Cực đến bang Louisiana (Mỹ) hay tỉnh Hà Nam (Trung Quốc), các dấu hiệu cho thấy biến đổi khí hậu đã và đang làm thay đổi các kiểu thời tiết ở khắp mọi nơi.
Trận mưa lịch sử trên đỉnh Greenland
Đảo Greenland chứa khối lượng băng tầng khổng lồ, đủ làm nước biển dâng lên 6 m nếu tan chảy hoàn toàn. Trong ít nhất 40 năm qua, các sự kiện băng tan tại đây đã xảy ra với tần suất ngày càng nhanh hơn. Các nhà nghiên cứu cho biết, lượng nước băng tan của Greenland đã tăng 21% trong 4 thập kỉ qua.
Đỉnh Greenland vốn có tuyết phủ quanh năm đã đón mưa rơi lần đầu tiên vào tháng 8/2021. Nhiệt độ tại đỉnh Greenland - cao khoảng 2 dặm so với mực nước biển - đã tăng lên trên mức đóng băng lần thứ 3 trong vòng chưa đầy một thập kỷ vào khoảng giữa tháng đó, với lượng mưa đổ xuống 7 tỷ tấn nước.
Theo Trung tâm Dữ liệu Băng tuyết Quốc gia Mỹ (NSIDC), đây là lượng mưa lớn nhất ở đây kể từ khi dữ liệu bắt đầu được ghi nhận từ năm 1950. Các nhà khoa học cho rằng, hiện tượng này sẽ xảy ra thường xuyên hơn, với dự báo khu vực Bắc Cực sẽ hứng chịu nhiều mưa hơn tuyết trong khoảng thời gian từ năm 2060-2070, đánh dấu một sự chuyển đổi lớn trong mô hình lượng mưa khi hành tinh nóng lên.
Cũng theo dữ liệu của Ủy ban liên Chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC), băng đang tan ở đảo Greenland nhanh hơn 7 lần so với những năm 1990. Quy mô và tốc độ băng tan cao hơn nhiều so với dự báo của các nghiên cứu toàn diện về khoa học khí hậu toàn cầu.
Texas tê liệt vì băng tuyết
Vào tháng 2/2021, một cơn bão mùa đông đã càn quét miền Trung nước Mỹ và đổ bộ Texas - 1 bang vốn được biết tới với những sa mạc và nắng nóng khắc nghiệt, không được trang bị đủ để đối phó với tình trạng đóng băng kéo dài nhiều ngày. Khoảng 4 triệu người tại bang này đã bị mất điện luân phiên trong thời tiết lạnh giá.
Theo đó, Miền Nam Mỹ đã phải gồng mình vì đợt lạnh rét hiếm hoi, cụ thể như nhiệt độ ở Houston, tiểu bang Texas vào đêm ngày 15/2 là -10,5 độ C, trong khi thủ phủ của Oklahoma vào ngày 16/2 đã trải qua buổi sáng lạnh nhất kể từ năm 1899. Cũng trong ngày 16/2, cơn bão tuyết kèm theo mưa đã gây ra thời tiết lạnh giá cũng như phủ tuyết hết gần 3/4 lục địa Mỹ, đây là mức kỷ lục được ghi nhận kể từ khi NWS thu thập dữ liệu vào năm 2003.
Cuộc khủng hoảng bất thường này cũng cho thấy những thách thức mà các nhà hoạch định năng lượng phải đối mặt. Các sự kiện thời tiết cực đoan ngày càng xảy ra thường xuyên, làm tăng nhu cầu sử dụng điện, gây căng thẳng cho lưới điện đồng thời làm giảm khả năng sản xuất điện do đường ống dẫn khí đốt và các cơ sở hạ tầng năng lượng khác bị ảnh hưởng. Thêm nữa, giống như hai lần mất điện ở Texas năm 2019 và 2021, những sự kiện thời tiết cực đoan sẽ rất khác nhau và khó dự đoán.
Cơn bão trên cũng gây tác động kinh tế thảm khốc, với thiệt hại vào khoảng 130 tỷ USD.
Lũ lụt càn quét ba lục địa trên thế giới
Lũ lụt đã tàn phá và gây tử vong ở nhiều khu vực của Tây Âu, tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) và bang Tennessee (Mỹ). Theo đó, khu vực Tây và Trung Âu sẽ phải hứng chịu tình trạng mưa lớn cực đoan và lũ lụt ngày càng tăng do biến đổi khí hậu.
Biến đổi khí hậu đã khiến các hiện tượng mưa lớn cực đoan, tương tự như những trận lũ lụt tháng trước ở Đức, Bỉ, Hà Lan và Luxembourg, có khả năng xảy ra cao hơn từ 1,2-9 lần. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng, những trận mưa như vậy trong khu vực hiện lớn hơn 3-19% do sự ấm lên của trái đất do con người gây ra.
Trong tháng 7 vừa qua, một đợt lũ lụt kinh hoàng tàn phá nhiều khu vực của châu Âu, ảnh hưởng đến các khu vực của Đức, Bỉ, Hà Lan, Luxembourg, Thụy Sĩ và Áo khiến số người chết trên toàn khu vực tăng lên 188 người. Chỉ riêng ở Đức có hơn 120 người bị thiệt mạng và hàng trăm người vẫn mất tích.
Trong khi đó, tại Trung Quốc, lũ lụt ở tỉnh Hà Nam cũng cướp đi mạng sống của 300 người. Lũ quét cũng xảy ra ở Tennessee, Mỹ, phá hủy hơn 270 ngôi nhà và làm chết hơn 20 người. Sau trận mưa kỷ lục khiến nước lũ dâng cao làm đổ nhiều cây to, phá hủy nhiều tuyến đường và nhà cửa, cuốn trôi cầu và xe cộ. Mất điện trên diện rộng ảnh hưởng tới hàng nghìn người.
Theo nhận định của Tổng Thư ký WMO Petteri Taalas, các hiểm họa liên quan đến thời tiết, khí hậu và nước đang gia tăng về tần suất và cường độ do biến đổi khí hậu. Thiệt hại về người và kinh tế được nhấn mạnh với hậu quả bi thảm bởi lượng mưa xối xả và lũ lụt tàn phá, gây thiệt hại về người ở Trung Âu và Trung Quốc trong tháng trước.
Mỹ tái gia nhập Hiệp định Khí hậu Paris
Ngay sau khi nhậm chức, tức ngày 20/1, Tổng thống Joe Biden đã ký sắc lệnh hành pháp, cam kết đưa Mỹ tái gia nhập Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu. Theo ông Biden, biến đổi khí hậu là một cuộc khủng hoảng toàn cầu và mang tính sống còn, do đó Mỹ sẽ không chậm chễ trong việc tham gia giải quyết vấn đề này.
Đến tháng 4, Tổng thống Biden cam kết cắt giảm một nửa lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của Mỹ vào năm 2030, nhằm đáp ứng các mục tiêu của hiệp định. “Không quốc gia nào có thể tự giải quyết cuộc khủng hoảng này. Tất cả chúng ta, đặc biệt là các nền kinh tế lớn nhất thế giới, cần hành động. Các nước có hành động và tăng cường đầu tư cho người dân và năng lượng sạch sẽ mang lại cơ hội nhiều việc làm tốt trong tương lai và nền kinh tế có thể phục hồi mạnh mẽ và có sức cạnh tranh” - Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh.
Ấm lên toàn cầu ngày càng trầm trọng là “mã đỏ đối với nhân loại”
Trái Đất đang trở nên nóng tới mức nhiệt độ trung bình trong khoảng một thập kỉ có thể sẽ vượt qua mức độ mà các nhà lãnh đạo thế giới đã tìm cách ngăn chặn. Theo Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, báo cáo được coi là “mã đỏ đối với nhân loại”.
Báo cáo mới nhất về tình hình nghiên cứu khí hậu của Ủy ban liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu của LHQ được đưa ra hồi tháng 8 kết luận rằng “rõ ràng” con người đã gây ra khủng hoảng khí hậu, với “những biến đổi trên diện rộng và nhanh chóng” đã xảy ra, trong đó có những thứ không thể đảo ngược.
Mỗi kịch bản trong số 5 kịch bản cho tương lai, dựa trên lượng khí thải carbon được cắt giảm, đều vượt qua hai ngưỡng nghiêm ngặt hơn được đặt ra trong thỏa thuận khí hậu Paris năm 2015. Các nhà lãnh đạo thế giới sau đó đã thỏa thuận cố gắng hạn chế sự nóng lên ở mức 1,5 độ C (2,7 độ F) trên mức vào cuối thế kỉ 19 vì các vấn đề gia tăng nhanh chóng sau đó. Thế giới đã ấm lên gần 1,1 độ C (2 độ F) kể từ đó.
Hội nghị thượng đỉnh biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP26)
Tháng 11/2021, các nhà lãnh đạo thế giới đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP26).
Sau gần 2 tuần đàm phán về các biện pháp hạn chế sự nóng lên toàn cầu, gần 200 quốc gia đã ký Hiệp ước Khí hậu Glasgow, trong đó lần đầu tiên thừa nhận vai trò của nhiên liệu hóa thạch trong khủng hoảng khí hậu và kêu gọi giảm dần sử dụng than và giảm trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch.
Theo đó khẳng định lại mục tiêu khống chế gia tăng nhiệt độ trung bình trên toàn cầu ở ngưỡng dưới 2 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp và quyết tâm theo đuổi các nỗ lực để đạt mục tiêu tăng ở mức 1,5 độ C nhằm tránh những tác động xấu nhất của biến đổi khí hậu. Mục tiêu này đòi hỏi phải cắt giảm lớn lượng khí thải CO2 một cách nhanh chóng và bền vững, bao gồm giảm 45% lượng phát thải CO2 vào năm 2030 so với mức năm 2010 và về 0 vào khoảng giữa thế kỷ, cũng như giảm sâu phát thải các khí nhà kính khác.
Siêu bão Ida
Vào cuối tháng 8, cơn bão cấp 4 Ida đã phá hủy nhà cửa, bật gốc cây cối và gây mất điện cho hơn 1 triệu người dân ở Mississippi và Louisiana, Mỹ.
Theo các nhà khoa học, siêu bão Ida là minh chứng cho thấy biến đổi khí hậu đang khiến các cơn bão trở nên nguy hiểm hơn đến mức nào: Chúng tạo ra nhiều mưa hơn, di chuyển chậm hơn khi đổ bộ vào đất liền và tạo ra các đợt bão lớn hơn.
Mưa, lũ và lốc xoáy do cơn bão Ida gây ra đã cướp đi sinh mạng của hàng chục người trên khắp vùng Đông Bắc nước Mỹ.
Tổ chức Khí tượng thế giới của Liên Hợp Quốc cho biết, cơn bão này có thể trở thành thiên tai gây thiệt hại nặng nề nhất từ trước tới nay. Theo ước tính của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia, bão Ida đã gây thiệt hại ít nhất 60 tỷ USD, cao hơn cả tổng chi phí của 7 cơn bão nhiệt đới gây thiệt hại nặng nề nhất trong năm 2020.
Thảm họa lốc xoáy tại Mỹ
Vào tháng cuối cùng của năm 2021, Mỹ đã phải hứng chịu các kiểu thời tiết khắc nghiệt, hơn 30 trận lốc xoáy đã “xé toạc” miền Trung Tây và Đông Nam nước Mỹ trong hai ngày 12-13/12/2021, gây thiệt hại nặng nề cả về con người và nhà cửa, với trên dưới 100 người thiệt mạng.
Ở Kentucky, lốc xoáy làm bật gốc cây cối, san bằng nhà cửa và giết chết hàng chục người. Theo Thống đốc bang Andy Beshear, loạt lốc xoáy này đã đạt đến “mức độ tàn phá không giống bất cứ thứ gì từng thấy trước đây”. Với sức mạnh khủng khiếp được xem là chưa từng có, đã tàn phá nhiều vùng thuộc 6 bang, khiến hàng chục người thiệt mạng. Đây có thể là một trong những đợt lốc xoáy lớn nhất lịch sử nước này.
Nắng nóng ở Tây Bắc Thái Bình Dương
Một đợt nắng nóng chưa từng có vào cuối tháng 6 đã giết chết hàng trăm người ở Tây Bắc Thái Bình Dương và British Columbia. Nhiệt độ kỷ lục mọi thời đại được thiết lập trên toàn khu vực và các nhà khoa học nói rằng đợt nắng nóng sẽ “gần như không thể xảy ra” nếu không có sự biến đổi khí hậu do con người gây ra.
Theo các chuyên gia, khu vực ôn đới thường không được chuẩn bị cho các hiện tượng nắng nóng khắc nghiệt, nhiều người dân không sở hữu máy điều hòa không khí, do đó hàng trăm người đã chết vì nhiệt. Các quan chức sau đó gọi đợt nắng nóng này là một sự kiện “gây thương vong hàng loạt”.
Tại British Columbia, đợt nắng nóng tương tự đã “châm ngòi” cho một đám cháy rừng, thiêu rụi thị trấn Lytton chỉ một ngày sau khi nhiệt độ tăng vọt lên 121 độ và phá vỡ kỷ lục nhiệt độ mọi thời đại của Canada.
Hạn hán, cháy rừng và thiếu nước
Giữa những thảm họa nghiêm trọng, miền Tây nước Mỹ lại phải hứng chịu một đợt hạn hán kéo dài lịch sử, mà các nhà khoa học cho rằng, đó là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy cuộc khủng hoảng khí hậu đang ảnh hưởng không chỉ đến thời tiết mà còn tác động đến việc cung cấp nước, sản xuất lương thực và điện năng.
Tại California, hạn hán vào mùa hè năm nay là khắc nghiệt nhất trong kỷ lục 126 năm của bang, với tháng 7/2021 là tháng khô hạn nhất kể từ khi dữ liệu bắt đầu được thu thập vào năm 1895.
Hồ Mead và Hồ Powell - 2 trong số những hồ chứa lớn nhất của Mỹ - đã khô cạn ở mức báo động, buộc Chính phủ liên bang phải lần đầu tiên tuyên bố tình trạng thiếu nước trên sông Colorado vào tháng 8, dẫn đến việc bắt buộc cắt giảm tiêu thụ nước đối với các bang ở Tây Nam bắt đầu từ năm 2022.
Trận siêu hạn hán cũng là nền tảng cho những trận cháy rừng nguy hiểm. Ba đám cháy lớn nhất năm 2021 - Bootleg, Dixie và Caldor Fires - đã thiêu rụi khoảng 1,6 triệu mẫu Anh.
Lan Anh (T/h)