Thứ sáu, 19/04/2024 21:44 (GMT+7)
Thứ tư, 03/03/2021 17:15 (GMT+7)

Phú Yên chuyển đổi gần 12 ha đất rừng làm dự án điện gió

Theo dõi KTMT trên

Theo quyết định này, phần diện tích rừng chuyển mục đích sử dụng trong dự án là 11,55 ha thuộc các xã Xuân Cảnh, Xuân Hải và Xuân Bình, TX. Sông Cầu. Loại rừng chuyển mục đích là rừng trồng.

Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế vừa ban hành quyết định chuyển mục đích sử dụng đất rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án nhà máy điện gió xanh Sông Cầu - giai đoạn 1. Theo quyết định này, phần diện tích rừng chuyển mục đích sử dụng của dự án là 11,55 ha thuộc các xã Xuân Cảnh, Xuân Hải và Xuân Bình, TX. Sông Cầu. Loại rừng chuyển mục đích là rừng trồng.

Nhà máy điện gió xanh Sông Cầu, giai đoạn 1 với công suất 49,94 MW, sản lượng điện dự kiến trung bình hàng năm 131 GWh, xây dựng tại hai xã Xuân Hải và Xuân Cảnh, thị xã Sông Cầu.

Dự án bao gồm các hạng mục: nhà điều hành, 11 trụ tuabin gió, công suất mỗi trụ là 4,54 MW; trạm biến áp nâng áp 22/110 kV; đường dây 110 kV với 2 mạch có công suất phù hợp để đấu nối, truyền tải công suất vào lưới điện và các hạng mục phụ trợ khác.

Đến nay, tại Phú Yên đã có 2 dự án điện gió với tổng công suất 350 MW được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia là nhà máy điện gió xanh Sông Cầu do Công ty TNHH Năng lượng xanh Sông Cầu làm chủ đầu tư và Dự án Trang trại phong điện HBRE An Thọ do HBRE Group làm chủ đầu tư. Ngoài ra, còn nhiều dự án khác được UBND tỉnh Phú Yên cho phép nhà đầu tư tiếp cận nghiên cứu, khảo sát đo gió.

Phú Yên chuyển đổi gần 12 ha đất rừng làm dự án điện gió - Ảnh 1

Thời gian qua, không ít dự án nhà máy điện gió đã được các tỉnh đề xuất thực hiện trên đất rừng.

Trước đó, tỉnh Cà Mau cũng đề xuất chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác năm 2021 với tổng diện tích 17,496 ha. Trong đó rừng phòng hộ là 13,85 ha và rừng sản xuất 3,646 ha. Hầu hết diện tích đất rừng xin chủ trương chuyển mục đích khác là nhằm thực hiện xây dựng các công trình điện gió với diện tích 16,498 ha, gồm: Giai đoạn 1 của Nhà máy điện gió Tân Ân, Nhà máy điện gió Cà Mau 1A, Nhà máy điện gió Cà Mau 1C, Nhà máy điện gió Cà Mau 1D. Trong đó, Nhà máy điện gió Viên An có diện tích chuyển mục đích sử dụng đất rừng lớn nhất, với 10,37 ha.

Phát triển năng lượng tái tạo là một trong những hướng đầu tư được các tỉnh đặt nhiều kỳ vọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thực tế trong thời gian qua, sau sự thành công của nhiều dự án điện gió và điện mặt trời, có nhiều công ty năng lượng đã đến đăng ký khảo sát và xin cấp phép xây dựng dự án năng lượng điện tái tạo. Đó là tín hiệu đáng mừng trong thu hút đầu tư phát triển điện lực nhằm khai thác tốt tiềm năng và thế mạnh của nước ta. Tuy nhiên, vấn đề mà chính phủ cũng như nhân dân quan tâm là chuyển đổi mục đích rừng và đất lâm nghiệp để thực hiện dự án sao cho phù hợp.

Dự án chỉ nên làm trên đất nghèo kiệt

Trước thông tin nhiều địa phương đã từng hoặc đang muốn chuyển đổi đất rừng để phục vụ làm điện tái tạo, ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh (Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), cho rằng cần hết sức thận trọng vì không phù hợp với quan điểm phát triển bền vững.

Dẫn Bộ Tiêu chuẩn của Công ty Tài chính quốc tế (IFC) về đánh giá hiệu quả dự án theo tiêu chí bền vững về môi trường và xã hội, ông Sơn nêu rõ đối với các vấn đề chuyển đổi sử dụng đất và tái định cư không tự nguyện, nhà đầu tư cần tránh hoặc hạn chế tối đa việc xây dựng dự án trên cơ sở phải chuyển đổi sử dụng đất sinh hoạt, đất sinh kế, cũng như các loại đất bảo tồn (đất rừng, đất của các khu bảo tồn đa dạng sinh học...).

"Với các dự án điện gió, mặt trời, việc lựa chọn địa điểm thường linh hoạt hơn so với các nguồn tập trung truyền thống, nên việc xem xét các yếu tố về bền vững môi trường và xã hội lại càng cần phải quan tâm trong quá trình nghiên cứu lựa chọn địa điểm, phê duyệt. Theo tôi, chỉ nên ưu tiên tận dụng các nguồn đất cằn, đồi trọc không có hiệu quả cho hoạt động sản xuất nông - lâm nghiệp hoặc sinh kế" - ông Sơn kiến nghị.

Phú Yên chuyển đổi gần 12 ha đất rừng làm dự án điện gió - Ảnh 2
Ảnh minh họa.

Theo Bộ NN & PTNT, thời gian qua, biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan, thiên tai diễn ra ngày càng phổ biển, gây ra lũ lụt, sạt lở đất nghiêm trọng ở một số địa phương, cướp đi sinh mạng của nhiều người. Dù chưa có kết luận chính thức về nguyên nhân, nhưng dư luận, các chuyên gia đang đặt vấn đề có ảnh hưởng của việc giảm diện tích đất rừng tự nhiên do chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện các dự án đã làm thay đổi đặc tính tự nhiên, tính bền vững của tự nhiên. Do vậy, Bộ NN & PTN đề nghị UBND tỉnh cân nhắc, cẩn trọng trong việc đề xuất chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên, đặc biệt, đối với rừng đặc dụng là rừng tự nhiên cũng như các hoạt động tác động vào làm thay đổi cân bằng sinh thái tự nhiên của địa phương.

Trước đó, tại Phú Yên, ông Trần Hữu Thế, khi đó còn giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đã thừa nhận thời điểm triển khai dự án điện mặt trời Xuân Thọ, do tỉnh thiếu kinh nghiệm nên dẫn tới việc để mất 50 ha đất rừng trồng, đặc biệt là rừng trồng ở xã Xuân Thọ 2.

"Còn bây giờ thì không thể được. Tỉnh Phú Yên chỉ ưu tiên làm điện mặt trời áp mái (nhà dân và công sở), cũng như chỉ sử dụng mặt nước hồ thủy lợi, thủy điện để làm điện mặt trời. Nếu sử dụng diện tích đất thì chỉ xây dựng trên diện tích đất đá cuội, cằn cỗi, đồi núi trọc, trồng cây không lên, kiên quyết không sử dụng vào mục đích phát triển điện mặt trời với diện tích có thể trồng rừng hoặc diện tích đã có rừng", ông Thế nói.

Thanh Thúy

Bạn đang đọc bài viết Phú Yên chuyển đổi gần 12 ha đất rừng làm dự án điện gió. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội sắp đón mưa lớn
Theo Dự báo của Trung tâm khí tượng thuỷ văn quốc gia, đêm nay (17/4) Hà Nội sẽ đón mưa rào rải rác và có nơi có dông.

Tin mới