Điện gió, điện mặt trời là tương lai của ngành năng lượng Việt Nam
Những năm gần đây, cơn sốt năng lượng tái tạo đang lan rộng khắp Việt Nam, đặc biệt là các địa phương có tiềm năng lớn về điện gió, điện mặt trời.
Phát triển mạnh mẽ năng lượng tái tạo thay thế tối đa cho năng lượng hoá thạch không chỉ góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia mà còn giảm phát thải khí nhà kính. Do đó, các quyết định đối với việc phát triển hệ thống năng lượng của Việt Nam hiện tại sẽ có tác động mạnh mẽ đến cuộc sống con người và các vấn đề môi trường trong tương lai.
Việt Nam có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo
Nước ta có khí hậu nhiệt đới gió mùa, với lợi thế đường bờ biển dài hơn 3.200 km, gió biển quanh năm, số giờ nắng trong ngày lớn. Đây chính là điều kiện thuận lợi để Việt Nam có thể khai thác và phát triển nguồn năng lượng tái tạo trong tương lai.
Theo Bộ Công Thương, giai đoạn 2011-2020, xét đến 2030, đã đặt ra mục tiêu và định hướng phát triển năng lượng tái tạo. Với tổng số giờ nắng cao lên đến hơn 2.500 giờ/năm, tổng lượng bức xạ trung bình hằng năm vào khoảng 230-250 kcal/cm2 theo hướng tăng dần về phía Nam là điều kiện tốt để phát triển công nghệ năng lượng mặt trời.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của năng lượng tái tạo đối với nền kinh tế, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách chú trọng phát triển năng lượng tái tạo. Gần đây nhất, Nghị quyết số 55 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Bộ Chính trị ban hành đầu năm 2020 đã có nhiều đột phá trong phát triển năng lượng quốc gia. Trong đó, Việt Nam khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng.
Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (Green ID) cho biết: “Việc chuyển dịch năng lượng theo hướng phát triển năng lượng sạch tại Việt Nam góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và đón dòng đầu tư mới để phát triển kinh tế xã hội… Có thể nói, chuyển dịch năng lượng nhưng cũng là sự chuyển dịch của cả nền kinh tế”.
Là một trong số ít các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu, việc chuyển dịch sang năng lượng xanh là rất quan trọng và cần thiết đối với Việt Nam. Tuy nhiên, chủ trương nhất quán của nhà nước ta trong thời gian qua cũng như trong tương lai là phát triển nhanh nhưng phải bền vững, hay nói một cách khác phát triển nhưng phải đi đôi với bảo vệ môi trường.
Mô hình nông nghiệp kết hợp điện mặt trời kỳ vọng phát triển mạnh
Theo GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam: Kết hợp năng lượng mặt trời trong sản xuất nông nghiệp là mô hình sử dụng đất kết hợp có chủ đích đối với hoạt động phát điện mặt trời và sản xuất nông nghiệp (bao gồm cả trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản), nhằm giảm nhẹ xung đột sử dụng tài nguyên đất và mang lại lợi ích kinh tế xã hội lớn hơn so với ứng dụng đơn lẻ.
Ngoài ra, hệ thống pin mặt trời sẽ tạo bóng râm giúp giảm bức xạ mặt trời, giảm tốc độ bốc hơi nước và tiết kiệm được khoảng 14-29% nước tưới cho cây trồng. Do đó, hệ thống pin mặt trời rất thích hợp đối với nhiều loại cây ưa ánh nắng tán xạ.
Hiện nay, ở vùng đồng bằng sông Cửu Long có rất nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp điện mặt trời đem lại hiệu quả kinh tế cao. Bạc Liêu là một trong những vùng nuôi tôm trọng điểm của cả nước. Đầu tư điện cho nuôi tôm rất tốn kém, do vậy, thời gian gần đây, nhiều mô hình ao nuôi tôm tại Bạc Liêu đã và đang lắp đặt hệ thống điện mặt trời để đảm bảo nguồn năng lượng phục vụ cho nuôi trồng thuỷ sản. Điển hình phải kể đến dự án cánh đồng nuôi tôm rộng 5,6 ha của Công ty Cổ phần Solan Việt Nam ở ấp Thống Nhất, xã Vĩnh Hậu (huyện Hoà Bình, Bạc Liêu) được phủ kín bởi những tấm pin năng lượng mặt trời.
Anh Vũ Văn Thành – người trực tiếp quản lý dự án trên cho biết: “Để lắp điện mặt trời cho 1 ha ao nuôi tôm tốn khoảng 13 tỉ đồng, với giá bán điện hiện nay tính cả chi phí quản lý thì mất khoảng 5,5 – 6 năm sẽ thu hồi vốn đầu tư”. Như vậy, việc lắp tấm pin năng lượng mặt trời không chỉ đảm bảo năng lượng điện cho ao nuôi tôm mà còn có thể bán điện, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho mô hình.
Là một tỉnh thuần nông với nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp, Hậu Giang xác định nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng nền nông nghiệp bền vững theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao. Bên cạnh đó, việc phát triển điện mặt trời cũng được xác định là thế mạnh của tỉnh.
Ông Nguyễn Quốc Toàn, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang cho biết: “Mô hình kết hợp nông nghiệp công nghệ cao và điện mặt trời áp mái là mô hình phù hợp với tỉnh Hậu Giang. Hệ thống điện mặt trời có thể đấu nối vào đường dây 22 kV có ở khắp mọi nơi, vừa giúp giảm thiếu hụt nguồn điện tại chỗ, vừa tạo thêm việc làm và phát triển nông nghiệp địa phương”.
Điện mặt trời kết hợp sản xuất nông nghiệp công nghệ cao sẽ tạo ra lợi ích kép. Theo đó, với diện tích đất bình quân 1,2 ha có thể đầu tư 1 MWp trên nhà kính hoặc mái nhà trang trại để làm nông nghiệp bên dưới như trồng nấm, trồng rau hoặc các loại cây phù hợp, nuôi bò cao sản, gà, heo, dế…
Có thể thấy, việc kết hợp sản xuất nông nghiệp với điện mặt trời không chỉ giúp tăng giá trị sử dụng đất mà còn tạo cơ hội cho người nông dân có thêm thu nhập, tiếp cận được nguồn năng lượng sạch và bền vững, từ đó góp phần bảo vệ môi trường.
Để phát triển rộng rãi mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp điện mặt trời áp mái không phải điều dễ dàng, đòi hỏi phải áp dụng công nghệ cao, giá thành đắt, tuy nhiên, sẽ hạn chế tối đa những hệ lụy về môi trường, bệnh tật... Do đó, cần phải có chính sách cụ thể, phù hợp, linh hoạt với từng địa phương để điện mặt trời áp mái được phát triển đồng bộ, bền vững và tương xứng với tiềm năng sẵn có.
“Ấp xanh trên núi” 100% dùng điện mặt trời ở An Giang
Nằm ở độ cao hơn 400m trên núi Cấm, mặc dù chưa có điện lưới quốc gia nhưng ấp Vồ Bà thuộc xã An Hảo (Tịnh Biên, An Giang) đã có 100% hộ dân sử dụng điện năng lượng mặt trời. Ánh sáng đèn điện phủ khắp ấp Vồ Bà đã giúp người dân thuận tiện hơn trong sinh hoạt, trẻ em có điện để học bài, cuộc sống nơi ấp nghèo ngày càng đổi thay.
Theo ông Chau Khonh, Phó Chủ tịch UBND xã An Hảo: “Xã có 3 ấp ở trên núi, trong đó, ấp Vồ Bà gặp khó khăn nhất về điện sinh hoạt. Do ấp nằm trên núi có địa hình phức tạp nên chưa được kéo điện lưới quốc gia”. Cuối năm 2018, tất cả 85 hộ dân của ấp Vồ Bà đều sử dụng điện mặt trời. Tuy nhiên, đến tháng 7/2020, sáp nhập thêm 120 hộ của ấp Rau Tần với nhiều hộ chưa có điện nên bây giờ ấp Vồ Bà có nhiều hộ chưa có điện sinh hoạt.
Trước đó, năm 2018, Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID) đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang thực hiện Dự án Năng lượng xanh nhằm hỗ trợ người dân lắp điện mặt trời trên mái nhà. Nhờ đó, 100% hộ dân ở ấp Vồ Bà đã có điện từ năng lượng mặt trời để sử dụng. Bên cạnh đó, con đường dài 2,9 km từ ấp xuống chân núi được GreenID tài trợ 52 cây đèn đường thuận tiện đi lại ban đêm.
Anh Bé Ba (28 tuổi), người dân thuộc xã An Hảo cho biết: “Ấp Vồ Bà này giờ nhà nào cũng dùng điện mặt trời, nhiều nhà lắp cả chục tấm pin trên mái”. Cũng theo anh Bé Ba, kể từ ngày có điện mặt trời, con đường nhỏ dẫn lên ấp trên núi được thắp đèn sáng thì dân xe ôm như anh mới dám chạy đêm.
Nằm ngay dưới chân Chùa Phật Nhỏ, ở lưng chừng núi Cấm, gia đình ông Đoàn Văn Tiền là một trong những hộ dân lắp nhiều tấm pin năng lượng mặt trời nhất ở ấp Vồ Bà. Trước đây, khi chưa có điện mặt trời, mỗi ngày ông phải chạy xe máy hơn 3 km xuống chân núi để sạc bình ác-quy, rồi chiều lại xuống lấy mang về nhà để mỗi tối có thể thắp đèn. Hiện nay, nhà ông Tiền có 20 tấm pin, mỗi ngày tích được hơn 2.000W.
Nhờ có điện mặt trời, gia đình ông Tiền đã mở rộng quy mô kinh doanh để phục vụ khách du lịch đến chùa và giúp tăng thêm thu nhập. Theo đó, thay vì phải chạy máy dầu phục vụ nước sinh hoạt cho du khách ghé nghỉ trưa như trước đây, nhờ dùng điện mặt trời mà hiện nay mỗi ngày ông tiết kiệm được hơn 100.000 đồng”.
Gần nhà ông Tiền là gia đình ông Đặng Văn Phước (52 tuổi) trên dốc núi. Ông Phước cho biết, trước đây, lưới điện quốc gia không thể kéo lên sườn núi nên mọi sinh hoạt của gia đình ông rất khó khăn, phải dùng đèn dầu mỗi tối. Kể từ khi có điện mặt trời, nhà ông xài 13 bóng đèn led, tivi, quạt điện thoải mái cả ngày lẫn đêm. Những ngày nắng tích điện cho những ngày mưa, nhưng nếu mưa kéo dài thì thiếu điện.
Để khuyến khích và đảm bảo cho các công trình điện mặt trời của những hộ dân trong xã, đội thợ địa phương đã được thành lập, đào tạo trở thành những người lắp đặt, bảo dưỡng điện mặt trời và sẵn sàng hỗ trợ bà con.
Anh Trần Đức Anh – nhóm đội thợ địa phương cho biết: “Đội thợ hiện có 6 người, không chỉ thực hiện việc lắp đặt, chúng tôi luôn sẵn sàng giúp người dân sửa chữa hệ thống điện nếu có lỗi và hướng dẫn bà con trong quá trình sử dụng điện mặt trời để đảm bảo hiệu quả và an toàn”.
Ông Chau Khonh, Phó Chủ tịch UBND xã An Hảo chia sẻ thêm: “Kể từ khi có điện mặt trời, cuộc sống của người dân ấp Vồ Bà đã ổn định hơn rất nhiều, các em nhỏ có đèn điện để học bài mỗi tối, bà con biết sử dụng điện vào sinh hoạt, sản xuất giúp tăng thu nhập và bảo vệ môi trường. Do không có điện lưới quốc gia, điện mặt trời vừa thay đổi đời sống người dân, vừa góp phần phát triển Khu du lịch Lâm Viên núi Cấm của địa phương”.
Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới chỉ ra rằng, Việt Nam là nước có tiềm năng gió lớn nhất trong 4 nước của khu vực (bao gồm Việt Nam, Campuchia, Lào và Thái Lan) với hơn 39% tổng diện tích đất nước có tốc độ gió trung bình hàng năm lớn hơn 6 m/s, ở độ cao 65 m, tương đương với tổng công suất khoảng 512 GW. Đặc biệt, hơn 8% diện tích Việt Nam được xếp hạng có tiềm năng gió rất tốt (tốc độ gió 7-8 m/s, ở độ cao 65 m), có thể tạo ra hơn 110 GW.
Nguyễn Luận