Thứ hai, 25/11/2024 14:07 (GMT+7)
Thứ ba, 26/01/2021 14:28 (GMT+7)

Tận dụng mặt hồ làm điện mặt trời nổi

Theo dõi KTMT trên

Theo ý kiến các chuyên gia, theo tính toán thì công suất điện mặt trời nổi trên hồ lớn hơn rất nhiều so với công suất nhà máy thủy điện.

Việt Nam là một trong những quốc gia có ánh nắng mặt trời nhiều nhất trong bản đồ bức xạ mặt trời thế giới. Quy hoạch Điện VII điều chỉnh đã đưa ra triển vọng và đặt kế hoạch sản xuất điện mặt trời khoảng 12.000 MW vào năm 2030.

Tuy nhiên, điện mặt trời cần diện tích để chứa các tấm pin tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Các tấm pin đặt trên mặt đất chiếm diện tích lớn, gây khó khăn trong đầu tư phát triển điện mặt trời bởi chi phí giải phóng mặt bằng, chiếm quỹ đất tại các địa phương. Để khắc phục khó khăn, thế giới đã nghiên cứu tận dụng hồ thủy điện, thủy lợi để đặt nhà máy. Một ưu điểm nữa là đặt các tấm pin trên mặt nước hiệu suất cao hơn trên mặt đất do nước bốc hơi làm mát.

Theo thống kê, đến nay, cả nước đã có khoảng hơn 30 dự án điện mặt trời nổi được các nhà đầu tư trong và ngoài nước xúc tiến, lập dự án với công suất từ 20 - trên 300 MW, tập trung chủ yếu ở miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam. Trong các dự án điện mặt trời nổi, hệ thống phao nổi đỡ các tấm pin và hệ thống phụ trợ chiếm tỉ trọng khoảng 40% giá trị thiết bị dự án.

Theo khảo sát của Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam, hiện nay với hệ thống khoảng 7.000 hồ thủy lợi và 3.400 km đường bờ biển thì tiềm năng phát triển các dự án điện mặt trời nổi của nước ta là khá lớn.

Tận dụng mặt hồ làm điện mặt trời nổi - Ảnh 1
Việt Nam có tiềm năng lớn về thủy điện mặt trời nổi. (Ảnh: Internet)

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng phản biện Tạp chí Năng lượng Việt Nam thì không phải tất cả các hồ, đập đều có thể lắp đặt các nhà máy điện nổi. Bởi các yếu tố như chế độ dòng chảy, hoạt động quản lý mặt nước; các lợi ích về nông nghiệp, đa dạng sinh học, giao thông thủy và sinh kế ảnh hưởng rất lớn đến suất đầu tư.

Khảo sát ở nhiều dự án điện mặt trời nổi đã được xây dựng tại các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, ông Tuấn cho rằng chi phí đầu tư thực tế của một dự án nhà máy điện mặt trời nổi trên mặt nước cũng tương đương với dự án được xây dựng trên mặt đất. Thậm chí tùy theo độ sâu và kích thước hệ thống chi phí đầu tư các mảng phao, neo và các thiết bị điện có thể lớn hơn.

Vì vậy, giá bán điện đối với các nhà máy điện xây dựng trên mặt hồ sẽ là bài toán mà các nhà đầu tư cần tính toán kỹ lưỡng. Trong khi đó, đối với các dự án xây dựng trên mặt biển thì các yếu tố liên quan đến phòng ngừa rủi ro sóng to bão lớn, thiết kế hệ thống theo dòng chảy và thủy triều, tính toán tác động của nước mặn đến độ bền kết cấu… là những yếu tố cần phải quan tâm đầu tiên vì chi phí rất lớn và rủi ro mất vốn rất cao.

TS Trần Đình Sính - Trung tâm Phát triển và Sáng tạo Xanh (GreenID), cho biết, phát triển điện mặt trời đang là xu hướng trên thế giới. Việt Nam không nên nằm ngoài xu thế đó. Việt Nam có khoảng gần 7.000 hồ thủy lợi và thủy điện. Phát triển điện mặt trời cần một diện tích đất lớn. Nó gây ra những xung đột trong việc sử dụng đất.

Thế nhưng, phát triển điện mặt trời nổi trên nước là một giải pháp tránh được mâu thuẫn. Bởi nó giải quyết được nhu cầu đất cho phát triển điện mặt trời mà vẫn khai thác được dạng năng lượng này cho phát triển. Ngoài ra, lắp đặt điện mặt trời trên hồ chứa cũng giảm tổn thất nước hồ do bốc hơi và hiệu suất tấm quang năng cũng tăng do được làm mát.

Hiện nay đã có một số dự án điện mặt trời nổi được xây dựng và đang phát lên lưới ở Việt Nam như Đa Mi công suất 47,5 MWp. Hệ thống điện mặt trời trên vùng bán ngập của hồ Dầu Tiếng với tổng công suất 500 MWp. Tỉnh Đồng Nai cũng đã trình Bộ Công Thương 8 dự án điện mặt trời nổi trên hồ Trị An với tổng công suất 5.400 MWp với tổng diện tích 7.100 ha, chiếm 22% diện tích hồ Trị An.

TS Trần Đình Sính phân tích, đối với dự án ban đầu có suất đầu tư 1kW điện mặt trời ở vùng ngập hiện nay là 1.370 USD và vùng bán ngập khoảng 1.100 USD. Với suất đầu tư như vậy, tiềm năng kinh tế của 11 hệ thống sông được ước tính là khoảng 31 GW và điện lượng là 47 tỉ kWh, chiếm khoảng 46% tiềm năng kỹ thuật. Trong đó, 2 hệ thống sông Hồng chiếm 16% và hệ thống sông Đồng Nai khoảng 53%.

TS Trần Đình Sính cho biết, theo tính toán thì công suất điện mặt trời nổi trên hồ lớn hơn rất nhiều so với công suất nhà máy thủy điện. Theo kinh nghiệm quốc tế, điện mặt trời nổi được phát triển theo 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 là xây dựng điện mặt trời công suất bằng công suất của nhà máy thủy điện nhằm tận dụng cơ sở hạ tầng truyền tải hiện có của nhà máy thủy điện.

Giai đoạn 2 xây dựng điện mặt trời nổi lớn hơn công suất nhà máy thủy điện. Trong giai đoạn này, do công suất của hệ thống truyền tải nhỏ hơn công suất của điện mặt trời nên cần làm hệ thống truyền tải riêng để truyền tải điện mặt trời.

Tiềm năng điện mặt trời nổi của Việt Nam khá lớn. Tuy nhiên cho đến nay, chúng ta còn thiếu rất nhiều chính sách cũng như luật lệ và các quy trình, quy phạm, các hướng dẫn kỹ thuật và các quy chuẩn liên quan.

Chúng ta cũng chưa có quy hoạch và đánh giá chi tiết về tiềm năng điện mặt trời nổi. Vì vậy, chúng ta cần hoàn thiện những chính sách cũng như đánh giá chi tiết tiềm năng điện mặt trời nổi để có cơ sở khai thác tiềm năng này trong thời gian tới.

Hà My

Bạn đang đọc bài viết Tận dụng mặt hồ làm điện mặt trời nổi. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới