Phú Thọ: Nhức nhối nạn khai thác khoáng sản trái phép trước khi bị kiểm tra
Bộ TN&MT đã ban hành văn bản số 1009/BTNMT-TTr về việc chấp thuận kế hoạch kiểm tra năm 2021 về khai thác nước khoáng và bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản.
Thanh tra việc khai thác khoáng sản
Theo đề nghị của Chánh Thanh tra Bộ về Kế hoạch kiểm tra năm 2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã ban hành văn bản số 1009/BTNMT-TTr. Theo đó, chấp thuận kế hoạch kiểm tra năm 2021 của các đơn vị trực thuộc Bộ.
Tại tỉnh Phú Thọ, các đơn vị trực thuộc Bộ sẽ kiểm tra công tác thực thi về đa dạng sinh học, chuyên đề thăm dò, khai thác nước khoáng và bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản.
Cụ thể, Tổng cục Môi trường sẽ phối hợp với Thanh tra Bộ, Phòng Cảnh sát Môi trường - Công an tỉnh và các sở, ngành liên quan kiểm tra công tác thực thi pháp luật về đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường tại các khu bảo tồn thiên nhiên. Thời gian thực hiện là vào quý I và quý III năm nay.
Tổng cục Địa chất và Khoảng sản phối hợp với Thanh tra Bộ, Sở TN&MT kiểm tra chuyên đề thăm dò, khai thác nước khoáng; việc chấp hành pháp luật về khoáng sản và bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản. Thời gian thực hiện vào quý II và quý III.
Văn bản cũng nêu rõ, các đơn vị phải lồng ghép các nội dung thanh tra, kiểm tra của đơn vị mình để tránh chồng chéo giữa các đoàn thanh tra, kiểm tra trên địa bàn một tỉnh, thành phố khi triển khai thực hiện.
Hàng loạt vụ khai thác trái phép ở Phú Thọ
Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép ở Phú Thọ đang diễn ra phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến vấn đề bảo vệ môi trường. Hoạt động khai thác một cách ồ ạt đã khiến nhiều cánh rừng bị xóa sổ, những dòng sông bị ô nhiễm nặng...
Gần đây nhất, vào ngày 22/2, Công an huyện Thanh Sơn phát hiện 4 xe ô tô tải đang chở đá (loại đá mỹ nghệ) với thể tích khoảng 5 m3. Tại thời điểm kiểm tra, các lái xe đều không xuất trình được các giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ số đá trên. Mở rộng kiểm tra tại khu vực đồi Bà Chuyền thuộc khu Chúa, xã Thượng Cửu, huyện Thanh Sơn, cơ quan Công an phát hiện 2 điểm có dấu hiệu đào bới, với tổng diện tích trên 1.000 m2. Công an huyện Thanh Sơn đã lập biên bản, tạm giữ phương tiện và số lượng đá nói trên để tiếp tục điều tra, củng cố hồ sơ để xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, nạn khai thác cao lanh trái phép cũng đang hoành hành ngang nhiên ở Thanh Thủy, Phú Thọ vào cuối năm 2020. Cao lanh ở đây được ví như “vàng trắng” bởi chất lượng cao lanh vùng Thanh Sơn được đánh giá tốt nhất khu vực Đông Nam Á, hàm lượng tạp chất chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Những nhóm khai thác trái phép này thường hợp đồng với chủ khu đất có cao lanh theo dạng “mua trắng” cả quả đồi có thời hạn, thường một vài năm, với giá vài trăm triệu đồng, tùy theo chất lượng, số lượng cao lanh bên dưới. Tại hiện trường, các khu đất rộng vài ngàn m2 đã bị đánh thành một hố sâu khổng lồ. Những đống đất khổng lồ chất thành đống vây xung quanh miệng hố, là lớp đất mặt phủ lên lớp cao lanh.
Theo ông Lê Anh Đoàn, Chủ tịch xã Đào Xá cho biết tất cả các hoạt động khai thác, san gạt… đang diễn ra đều là trái phép, vì huyện, xã không cấp phép cho bất cứ trường hợp nào trong thời gian này. Từ những quả đồi trồng cây lâu năm đã bị các đối tượng chọc thủng để múc cao lanh biến thành ao sâu hun hút, tận diệt nguồn tài nguyên để khai thác trái phép.
Cũng trên địa bàn huyện Thanh Thủy (tỉnh Phú Thọ), tình trạng khai thác đất trái phép đã diễn ra giữa “thanh thiên bạch nhật”. Hàng loạt xe quá khổ, quá tải chở đất chạy bạt mạng qua khu vực đông dân, gây ô nhiễm môi trường nhưng không bị cơ quan chức năng xử lý. Việc khai thác ồ ạt này đã ảnh hưởng lớn đến đời sống bà con nhân dân trong khu vực, nhất là vấn đề ô nhiễm môi trường. Với tần suất khai thác lớn, xe tải nườm nượp ra vào chở tài nguyên đi nhưng không được che chắn kỹ, làm bụi rơi vãi dày đặc trên đường. Đáng chú ý, hàng loạt xe quá khổ quá tải vô tự vận chuyển đất chạy bạt mạng qua khu vực đông dân, gây ô nhiễm môi trường, thất thoát tài nguyên nhưng không bị cơ quan có thẩm quyền huyện Thanh Thủy ngăn chặn, xử lý.
Tiến sĩ Lê Ái Thụ, Chủ tịch Hội Địa chất Kinh tế Việt Nam cho rằng, các văn bản xử lý vi hành chính trong các luật chuyên ngành cũng đã có ở mức phạt khá cao nhưng không đủ tính răn đe. Không khó để phát hiện hoạt động khai thác khoáng sản, nhưng có thể có sự đi đêm với nhau giữa cơ quan quản lý và các đối tượng hoạt động trái phép, cho nên việc quản lý khoáng sản cần tập trung vào một đầu mối.
Theo PGS.TS Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng trao đổi, về đánh giá trực diện, các hành vi khai thác trái phép khoáng sản gây tổn hại về kinh tế. Đồng thời, làm ảnh hưởng xấu đến môi trường và xã hội. Các hành vi khai thác trái phép đều vi luật (vi phạm pháp luật - PV) và không hề tuân thủ các quy định, chưa đáp ứng các điều kiện về môi trường tự nhiên và xã hội. Sự lộng hành của các đơn vị này làm người dân hoang mang, mất lòng tin, đồng thời có khả năng hình thành các tụ điểm nguy hiểm, sa đà vào các tệ nạn xã hội nhờ nguồn lợi lớn từ hoạt động khai thác trái phép.
Ngọc Ánh