Thái Nguyên: Ngang nhiên khai thác khoáng sản khi chưa có giấy phép
Hoạt động khai thác khoáng sản luôn được Nhà nước kiểm soát chặt chẽ và phải đáp ứng được những điều kiện nhất định mới có thể khai thác. Tuy nhiên đã có doanh nghiệp không tuân thủ các quy định của pháp luật, cố ý vi phạm hoạt động khai thác khoáng sản.
Quản lý của Nhà nước trong hoạt động khai thác khoáng sản thể hiện qua việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản và sự thống kê trữ lượng khai thác khoáng sản. Nếu có hành vi vi phạm, thông thường biện pháp xử phạt bổ sung sẽ là thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản và xử phạt hành chính.
Trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày giấy phép thăm dò khoáng sản hết hạn mà tổ chức, cá nhân được phép thăm dò không nộp đơn xin giấy phép khai thác khoáng sản đối với khu vực đã thăm dò, thì giấy phép thăm dò mới hoặc giấy phép khai thác khoáng sản có thể được cấp đối với khu vực đó cho tổ chức, cá nhân khác.
Quy định là vậy nhưng nhiều tháng qua, tình trạng khai thác than trái phép tại mỏ than Phấn Mễ (xã Phục Linh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) vẫn được tiến hành dù mỏ đã hết thời hạn, được yêu cầu dừng sản xuất, đóng cửa để thực hiện thủ tục cấp giấy phép khai thác mới.
Dù chưa được cấp lại giấy phép khai thác, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên đã xây dựng kế hoạch sản xuất, khai thác than trong quý 1/2021 là 37.500 tấn, trong đó 17.500 tấn than nguyên khai; 20.000 tấn than tuyển, chủ yếu bằng phương pháp khai thác hầm lò.
Buông lỏng quản lý tài nguyên
Mỏ than Phấn Mễ, tỉnh Thái Nguyên có trữ lượng than mỡ 1.400.000 tấn. Hiện nay, mỏ than Phấn Mễ trở thành nguồn cung cấp than phục vụ việc luyện gang thép cho Nhà máy Gang thép Thái Nguyên. Hiện nay, mỏ đang áp dụng cả công nghệ khai thác lộ thiên và hầm lò.
Thái Nguyên là địa phương có trữ lượng than lớn thứ hai cả nước (sau tỉnh Quảng Ninh) với khoảng 15 triệu tấn than mỡ, 90 triệu tấn than đá (với các mỏ điển hình như Khánh Hòa, Núi Hồng, Phấn Mễ…). Tỉnh cũng có nhiều loại kim loại màu và quặng đa kim (chì, kẽm, thiếc, vonfram, vàng, titan…), các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng có trữ lượng lớn và phân bố rộng rãi.
Trước nguồn tài nguyên phong phú, tỉnh Thái Nguyên đã hỗ trợ tích cực cho nhiều doanh nghiệp phát triển ngành khoáng sản như: Công ty Cổ Phần Gang thép Thái Nguyên, Công ty TNHH Khai thác và Chế biến khoáng sản Núi Pháo, Công ty CP Luyện kim đen Thái Nguyên, Công ty CP Kim loại màu Thái Nguyên... Khi tỉnh trao quyền quản lí mỏ cho doanh nghiệp thì doanh nghiệp cùng chính quyền địa phương cần bảo vệ, khai thác nguồn tài nguyên có kế hoạch, có sự chia sẻ, đóng góp xây dựng đường sá, hạ tầng cơ sở nông thôn, đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết việc làm cho lao động dôi dư của địa phương. Tuy nhiên, điều này cũng đang xẩy ra nhiều bất cập trong công tác quản lý tài nguyên.
Cần làm rõ sai phạm
Việc một khối lượng lớn than mỗi ngày vẫn rời khỏi mỏ than Phấn Mễ (xã Phục Linh, huyện Đại Từ, Thái Nguyên) dù đơn vị này đã hết thời hạn khai thác, được yêu cầu dừng hoạt động.
Để khai thác hầm lò phải sử dụng vật liệu nổ và phải có giấy phép sử dụng vật liệu nổ của Bộ Công Thương. Đây là quy định chặt chẽ mang tính bắt buộc.
Công ty Cổ Phần Gang thép Thái Nguyên đã nhiều lần gửi văn bản xin ý kiến của Bộ Công Thương, Sở Công thương tỉnh Thái Nguyên được sử dụng vật liệu nổ để khai thác, sản xuất nhưng chưa được chấp thuận.
Cụ thể, ngày 22/5/2020, Sở Công Thương Thái Nguyên nhận được Thông báo số 580 về việc sử dụng vật liệu nổ tại moog lộ thiên Bắc Làng Cẩm, mỏ than Phấn Mễ.
Ngày 29/5/2020, Sở Công Thương ra văn bản số 974 không chấp thuận vì lý do, mỏ than Phấn Mễ đã hết thời hạn khai thác của giấy phép cũ, đang trong quá trình tiến hành thủ tục xin cấp giấy phép mới; chỉ đủ điều kiện sử dụng vật liệu nổ vào khai thác khi đã có giấy phép mới được cấp.
Tiếp theo, ngày 5/8/2020, Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp (Cục ATMT - Bộ Công Thương) có văn bản yêu cầu về công tác quản lý vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN) tại mỏ than Phấn Mễ, không cho phép mỏ than Phấn Mễ sử dụng VLN để khai thác khoáng sản khi chưa có Giấy phép mới.
Trường hợp sử dụng VLN để tạo mặt bằng xây dựng công trình hoặc đào mương thoát nước, chống xén, củng cố các đường lò hiện hữu để phục vụ cho công tác khai thác sau này thì có thể được sử dụng cho mục đích đó (nhưng chỉ giới hạn trong thời gian chờ Bộ TN-MT cấp phép).
Hồ sơ dự án đầu tư cải tạo, mở rộng khai thác lộ thiên moong Bắc Làng Cẩm (mỏ than Phấn Mễ) được Công ty CP Gang thép Thái Nguyên phê duyệt từ tháng 12/2012; thiết kế bản vẽ thi công, dự toán đầu tư cải tạo, mở rộng khai thác moong lộ thiên Bắc Cẩm Giàng được phê duyệt từ tháng 3/2014 với thời gian khai thác 6 năm, đã hết thời gian khai thác mỏ từ năm 2020.
Làm rõ khối lượng khai thác trái phép
Từ thông báo hướng dẫn trên của Bộ Công Thương, ngày 25/9/2020, Công ty Cổ Phần Gang thép Thái Nguyên có văn bản gửi Sở Công Thương báo cáo về việc sử dụng VLN nổ để củng cố, chống xén, sửa chữa các đường lò, cải tạo bờ tầng mỏ than Phấn Mễ.
Sở Công thương Thái Nguyên chấp thuận căn cứ trên công văn hướng dẫn của Cục ATMT.
Tuy nhiên, Sở này yêu cầu, Công ty Cổ Phần Gang thép Thái Nguyên, mỏ than Phấn Mễ chỉ được sử dụng VLN nổ vào mục đích gia cố mỏ, củng cố, chống xén sửa các đường lò đã thi công; phải bảo đảm an toàn kỹ thuật và phải thông báo với chính quyền địa phương, các hộ dân xung quanh… khi tiến hành gây nổ.
Như vậy, việc gia cố các đường lò để phục vụ việc khai thác sau khi được Tổng cục Địa chất Khoáng sản cấp phép mới, không thể ra khối lượng than lớn mỗi ngày.
Ngoài ra, đơn vị này cũng tự ý chuyển hình thức khai thác từ khai thác lộ thiên sang khai thác hầm lò khi chưa được các cơ quan chức năng phê duyệt. Phương pháp khai thác này đe dọa tới an toàn lao động.
Giải thích nội dung này, Trưởng phòng kỹ thuật an toàn môi trường (Sở Công Thương Thái Nguyên) Đỗ Huy Cương xác nhận, đến thời điểm hiện tại, đơn vị này vẫn chưa hoàn tất thủ tục cấp phép mới theo yêu cầu.
Vì sao vẫn số lượng lớn than được đưa ra bãi tập kết mỗi ngày, ông Cương giải thích: Trong quá trình gia cố, xén sửa các đường lò thì có than tận thu. Tuy nhiên, khối lượng than là bao nhiêu chưa có số liệu cụ thể.
"Số than tận thu này doanh nghiệp không được sử dụng, mà phải bảo vệ, bàn giao cho nhà nước quản lý. Sở cũng đã kiểm tra thực địa, có biên bản kết luận" - ông Cương khẳng định.
Đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã khai thác khoáng sản mà không có Giấy phép khai thác khoáng sản, thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Khoản 1 Điều 37 Nghị định 142/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản:
Phạt tiền đối với hành vi khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường không sử dụng vật liệu nổ công nghiệp mà không có Giấy phép khai thác khoáng sản, cụ thể như sau:
- a) Từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng khi khai thác với khối lượng khoáng sản khai thác đến 5 m3/ngày;
- b) Từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng khi khai thác với khối lượng khoáng sản khai thác từ 5 m3đến dưới 10 m3/ngày;
- c) Từ 12.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng khi khai thác với khối lượng khoáng sản khai thác từ 10 m3đến dưới 15 m3/ngày;
- d) Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng khi khai thác với khối lượng khoáng sản khai thác từ 15 m3đến dưới 20 m3/ngày
Thanh Thúy