Phụ nữ Thanh Hóa 'từ thiện' nhờ rác thải
Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Nưa đã phát động phong trào gom được các vỏ lon, chai nhựa bán lấy tiền tặng quà cho phụ nữ và trẻ em nghèo. Đây thực sự là mô hình thực sự rất ý nghĩa và hiệu quả.
Từ những ngày đầu xuân đến nay, du khách về dâng hương, thăm quan tại Khu di tích lịch sử - văn hóa quốc gia Đền Nưa – Am Tiên thuộc thị trấn Nưa, huyện Triệu Sơn không khỏi bất ngờ khi thấy những thùng đựng rác với khẩu hiệu “Biến rác thải thành tiền”, “Hãy cho tôi rác thay vì bạn bỏ ra ngoài môi trường”.
Bên cạnh khẩu hiệu đó là những chiếc thùng lưới cao khoảng hơn 1m - nơi chứa đựng những vỏ lon, chai nhựa, thùng giấy… mà chính du khách đến dâng hương tự tay bỏ vào.
Anh Lê Văn Sơn, một du khách ở TP Thanh Hóa chia sẻ, mỗi dịp đầu xuân gia đình anh đều tới Đền Nưa – Am Tiên dâng hương, vãn cảnh. Trước đây, không có những chiếc thùng này thì rác vứt tràn lan từ chân núi lên tới đền. Năm nay có mô hình này quả thật rất ý nghĩa, du khách đã ý thức bỏ rác vào trong các những chiếc thùng này nên khung cảnh nơi đây rất sạch sẽ.
Bà Lê Thị Yến, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (HLHPN) thị trấn Nưa cho biết, đây là mô do HLHPN thị trấn phối hợp với Ban quản lý di tích Đền Nưa – Am Tiên triển khai.
Theo chị Yến, xuất phát từ việc cuối tháng 12/2021, HLHPN huyện Triệu Sơn có kế hoạch phát động thi đua đặc biệt lập thành tích chào mừng Đại hội Đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ VIII. Từ kế hoạch trên, nhận thấy việc hàng năm du khách đến dâng hương và thăm quan tại khu di tích lịch sử Đền Nưa – Am Tiên rất đông, nhưng vấn đề môi trường lại là bài toán nhức nhối.
Ngoài việc cảnh quan, môi trường nhếch nhác còn có thực trạng nhiều người đi nhặt đồng nát đến gom, lượm tranh dành nhau mất đi hình ảnh tôn nghiêm, linh thiêng nơi của đền.
Từ suy nghĩ đó, HLHN thị trấn Nưa đã nảy ra ý tưởng làm thùng rác cùng khẩu hiệu để vừa thay đổi nhận thức người dân, vừa gom được các vỏ lon, chai nhựa bán lấy tiền tặng quà cho phụ nữ và trẻ em nghèo. Hiện quanh khu vực Đền Nưa – Am Tiên, hội đã có 8 điểm đặt thùng rác để thu gom rác thải.
“Mô hình trên thực sự rất ý nghĩa và hiệu quả, tuy nhiên cũng rất khó khăn trong quá trình thực hiện. Bởi đền cách UBND thị trấn hơn 7km, từ bãi gửi xe lên đền đường núi quanh co, dốc cao và dài khoảng 4km nên việc vận chuyển xuống đưới là rất khó khăn, đã nhiều lần các hội viên bị ngã xe. Hiện đang có 10 hội viên tự nguyện tham gia phân loại rác”, chị Yến chia sẻ.
Cũng theo chị Yến, từ đầu xuân đến nay các chị đã thu gom được hơn 30 bì vỏ lon, chai các loại, ước tính bán đi cũng được khoảng 1,5 triệu đồng. Với số tiền trên, dự kiến ngày 8/3 tới đây hội sẽ trao 5 suất quà (mỗi xuất 300 nghìn đồng) cho chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn.
Ông Lê Đình Tâm, Chủ tịch UBND thị trấn Nưa cho biết, ông đánh giá cao về mô hình “Biến rác thải thành tiền” của HLHPN thị trấn. Đây là một mô hình mang ý nghĩa thiết thực trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường “xanh - sạch - đẹp”. Không những thế còn giúp người dân, du khách thay đổi thói quen bỏ rác vào thùng đúng nơi quy định, cảnh đền cũng sạch, đẹp hơn.
Thông qua các phong trào, công tác bảo đảm vệ sinh môi trường trong xây dựng nông thôn mới đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã xây dựng gần 1.000 km đường hoa thay thế cỏ dại ven đường, vận động di dời 5.692 chuồng trại chăn nuôi khỏi nơi ở, hỗ trợ xây dựng 24.086 nhà tiêu hợp vệ sinh. Tỉnh đoàn đã tổ chức 76.600 buổi dọn vệ sinh môi trường; đào 10.500 hố rác gia đình và 1.908 hố rác tập trung tại thôn bản, hỗ trợ hơn 1.000 thùng đựng rác; huy động hàng chục ngàn ngày công của đoàn viên, thanh niên tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường. Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng 1.046 mô hình hội nông dân BVMT. Trên địa bàn tỉnh, hiện có 23 khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh, 14 dự án xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ đốt, với tổng cộng 21 lò đốt.
Ngoài ra, tại hầu hết các xã đều đã có bãi tập kết rác thải sinh hoạt để vận chuyển về khu xử lý tập trung, 88,1% hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh, 96,7% hộ gia đình được sử dụng nước hợp vệ sinh, tỷ lệ hộ có chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh đạt 52,7%; tỷ lệ thu gom rác thải khu vực nông thôn đạt 70%. Toàn tỉnh Thanh Hóa hiện có hơn 80% số xã đạt tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm trong xây dựng NTM.
Nguyễn Linh (T/h)