Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế phân bổ vaccine theo đề nghị của TP.HCM
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có văn bản gửi Bộ Y tế, yêu cầu đơn vị phân bổ vaccine đảm bảo tiến độ tiêm theo đề nghị của UBND TP.HCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An.
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Bộ Y tế, UBND TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 về việc phân bổ, tổ chức tiêm vaccine phòng Covid-19.
Để tổ chức tiêm vaccine phòng Covid-19 đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng trong thời gian sớm nhất đối với khu vực TP.HCM (bao gồm TPHCM và một số địa bàn giáp ranh thuộc các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An), Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chỉ đạo: UBND TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An chủ động phối hợp với Bộ Y tế để điều chỉnh quy trình tiêm vaccine cho phù hợp với yêu cầu và tình hình thực tiễn dịch bệnh trên địa bàn; Xây dựng kế hoạch tiêm và thông báo cho Bộ Y tế nhu cầu vaccine theo kế hoạch tiêm.
Các địa phương trên xây dựng phương án tổ chức các hoạt động sản xuất kinh doanh, đi lại của các tổ chức, doanh nghiệp, người dân sau khi người dân được tiêm vaccine.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế phân bổ vaccine đảm bảo tiến độ tiêm theo đề nghị của UBND TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An. Trường hợp cần thiết báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Trước đó, tại buổi họp báo trực tuyến cung cấp thông tin, tuyên truyền về tình hình dịch bệnh trên địa bàn ngày 30/7, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết,thành phố đặt mục tiêu trong tháng 8/2021 cơ bản phủ được 2/3 đối tượng trên 18 tuổi tại thành phố.
Để làm được điều nay, TP.HCM cần khoảng 5 triệu liều vaccine trong tháng 8. Nguồn vaccine sẽ do Bộ Y tế cung cấp và đến từ các nhà tài trợ.
Về trình tự tiêm, các quận huyện và TP.Thủ Đức sẽ thực hiện một các phù hợp, có quy củ và kết thúc nhanh chóng. TP.HCM sẽ huy động tối đa lực lượng tham gia tiêm chủng, toàn bộ lực lượng y tế công và tư, tổ chức tiêm một cách linh động, tại các điểm vừa cố định vừa lưu động để tiếp cận được hết các đối tượng.
Ngoài ra, việc quy định thời gian đợi sau tiêm cũng có thay đổi, đối với người trên 65 tuổi và có bệnh lý nền, cần phải theo dõi sau tiêm 30 phút, còn đối với các trường hợp bình thường thì rút ngắn thời gian theo dõi còn 15 phút. Các quy trình tiêm chủng trong lúc tiêm, sau tiêm, cấp cứu vẫn thực hiện đúng theo quy định Bộ y tế để đảm bảo an toàn.
Nguyễn Thật