Thứ tư, 04/12/2024 06:09 (GMT+7)
Thứ tư, 16/12/2020 15:33 (GMT+7)

Phát triển nông nghiệp bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu ĐBSCL

Theo dõi KTMT trên

Sản xuất theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu là hướng đi tất yếu của các địa phương vùng đồng bằng Sông Cửu Long.

Sản xuất nông nghiệp vẫn được coi là lĩnh vực kinh tế trọng điểm của vùng, cần được tập trung phát triển, điều này đòi hỏi cần phải có những giải pháp căn cơ ứng phó với hạn mặn ở đồng bằng Sông Cửu Long diễn ra hằng năm.

Theo thống kê, toàn vùng Đồng bằng Sông Cửu Long có gần 7000 ha cây ăn quả, 8000 ha thủy sản bị thiệt hại do hạn mặn, so với đợt hạn mặn năm 2016, thì hạn mặn năm nay kéo dài hơn nhưng ít gây thiệt hay hơn. Trong đó vụ lúa đông xuân thiệt hại chưa đến 3% so với tổng diện tích gieo sạ.

Phát triển nông nghiệp bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu ĐBSCL - Ảnh 1
Hạn hán đang đe dọa mùa màng.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng những giải pháp được các địa phương trong vùng triển khai như: thay đổi thời gian gieo sạ lúa theo hướng né mặn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng thích ứng hạn mặn… đã phát huy hiệu quả. Bên cạnh các giải pháp công trình, như xây dựng, hoàn thiện các công trình thủy lợi để kiểm soát mặn - ngọt đã giúp giảm thiểu thiệt hại do hạn mặn gây ra.

Theo nhận định của các cơ quan chuyên môn, trong thời gian tới, do tác động của thượng nguồn sông Mekong, tình hình khô hạn, nước mặn xâm nhập sâu có nguy cơ sẽ tái diễn. Thời gian tới, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp của đồng bằng Sông Cửu Long sẽ tiếp tục đứng trước những thách thức do hạn mặn gây ra.

Ông Cao Văn Trọng, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, cho biết: Để giúp sản xuất nông nghiệp ứng phó với hạn mặn diễn ra hằng năm, tỉnh đang định hướng phát triển nông nghiệp lâu dài phù hợp với cả ba vùng sinh thái: Ngọt – Lợ - Mặn: "Phát triển nông nghiệp thì phải phù hợp với cả 3 vùng sinh thái: Ngọt – Lợ - Mặn. Theo đó thì đối với sinh thái ngọt thì chủ yếu vào kinh tế vườn tập trung phát triển thành vùng chuyên canh cây ăn trái đặc sản, có thế mạnh của vùng như: Bưởi da xanh, sầu riêng, măng cụt, chôm chôm… và đồng thời kết hợp với thủy sản nước ngọt. Còn đối với vùng nước lợ thì tỉnh chủ yếu khuyến khích mọi người trồng dừa chuyên canh, dừa sen, cây ăn trái kết hợp với nuôi trồng thủy sản và đặc biệt là con tôm càng xanh trên đuông dừa. Đối với vùng mặn thì chủ yếu khai thác thủy sản như Tôm biển, ngêu, sò và khai thác thủy sản đánh bắt để tạo cả 3 vùng sinh thái bền vững, đó là một định hướng đúng và chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện." - Ông Cao Văn Trọng cho biết thêm.

Tại đồng bằng Sông Cửu Long, vào mỗi đợt hạn mặn, nguồn nước sử dụng cho sản xuất và sinh hoạt là vấn đề rất quan trọng. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu về Biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ, hạn mặn diễn ra hằng năm và diễn biến phức tạp, đòi hỏi nông nghiệp cần phải phát triển theo hướng thích ứng lâu dài. Cần đẩy mạnh các biện pháp tưới nước tiết kiệm, dự trữ nước trong các ao hồ, chủ động cất chứa nước mưa để sử dụng trong mùa hạn mặn. "Trong mùa mưa, những vật mà chứa nước được như lu, hũ, bệ xi măng… chúng ta cố gắng dự trữ lượng nước mưa càng nhiều càng tốt, vì nước mưa có thể sẽ được sử dụng thành nước sinh hoạt về sau. Mình ưu tiên là lấy nước mặt để đưa vào canh tác nông nghiệp."

Đồng tình với quan điểm này, Tiến sĩ Đào Trọng Tứ, Giám đốc trung tâm phát triển bền vững tài nguyên nước và thích ứng với biến đổi khí hậu, cho rằng: Việc kiểm soát tốt nguồn nước là điều mấu chốt để Đồng Bằng sông Cửu Long ứng phó với hạn mặn. Ông Tứ cho rằng về lâu dài, sản xuất của đồng bằng Sông Cửu Long cần chuyển đổi sang hướng thuận thiên, phù hợp với điều kiện tự nhiên, diễn biến của nguồn nước, thời tiết. Việc chuyển đổi cây lúa nước sang cây trồng khác ở một số địa phương đang là một ví dụ.

"Hiện nay đang có những chuyển hướng, chúng ta có thể vẫn là những năng suất, diện tích lúa và những vùng lợi thế trồng lúa thì không phải chỗ nào chúng ta cũng phát triển cây lúa. Đồng bằng Sông Cửu Long có những vùng như Bến Tre, thì theo định hướng của tỉnh chỉ đảm bảo ở mức độ nhất định thôi. Đặc biệt chúng tôi nói là 8 cái tỉnh ven biển, những vùng rất nhạy cảm với mặn và hạn, thì chuyển hướng những câu chuyện sản xuất thủy sản, cây ăn trái, cây trồng chịu hạn mặn tốt hơn để phát triển kinh tế, thì đó là một định hướng rất tốt để sử dụng nguồn nước có hiệu quả." - Tiến sĩ Đào Trọng Tứ cho biết. Phát triển sản xuất nông nghiệp chủ động ứng phó với hạn mặn, sản xuất theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu là hướng đi tất yếu của các địa phương vùng đồng bằng Sông Cửu Long. Để thực hiện được các giải pháp cụ thể, đòi hỏi chính quyền địa phương, các ngành chức năng cần thực hiện tốt các chủ trương, chính sách đề ra. Về phía người dân cần chủ động cập nhật thông tin liên quan đến tình hình sản xuất, áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật, các biện pháp canh tác thông minh để bảo vệ thành quả lao động, ổn định cuộc sống.

Thùy Linh

Bạn đang đọc bài viết Phát triển nông nghiệp bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu ĐBSCL. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới