Thứ sáu, 29/03/2024 03:44 (GMT+7)
Thứ sáu, 09/07/2021 06:57 (GMT+7)

Phát triển năng lượng tái tạo: Có nên đánh đổi đất rừng?

Theo dõi KTMT trên

Theo ĐBQH khóa XIV Thái Trường Giang, tuyệt đối không làm dự án điện mặt trời nếu gây mất diện tích rừng. Các dự án điện gió chỉ sử dụng một phần đất rừng cũng cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi cấp phép.

Hàng loạt dự án được chủ trương đầu tư 

Thời gian gần đây, làn sóng đầu tư năng lượng tái tạo đang phát triển mạnh trên cả nước. Theo đó, tại nhiều địa phương liên tục chấp thuận các dự án năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) sử dụng nhiều diện tích đất rừng và cho phép nộp tiền trồng rừng thay thế. Tuy nhiên, cần cân nhắc kỹ lưỡng giữa việc phát triển kinh tế xã hội cũng như tác động tới môi trường từ những dự án năng lượng tái tạo.

Có thể thấy, việc thay thế năng lượng truyền thống bằng việc sử dụng năng lượng sạch hay năng lượng tái tạo, hạn chế tối đa sử dụng đất rừng là phù hợp với xu hướng phát triển bền vững. Tuy nhiên, một vấn đề đáng quan ngại là trong các dự án năng lượng tái tạo được cấp phép gần đây, xuất hiện xu hướng sử dụng nhiều diện tích đất rừng, ít thì 5 - 7 ha, nhiều thì lên tới hơn 20 ha rừng.

Năm 2020, riêng các tỉnh Quảng Trị, Bình Thuận, Bình Định đã chấp thuận đầu tư cho khoảng 10 dự án điện gió, điện mặt trời có sử dụng đất rừng.

Trong đó, UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt 7 dự án là Nhà máy điện gió Phong Nguyên và Phong Huy sử dụng hơn 20 ha đất rừng; Nhà máy điện gió Phong Liệu sử dụng 3,56 ha rừng, trong đó 2,44 ha là rừng phòng hộ; Nhà máy điện mặt trời Gio Thành sử dụng 38,9 ha đất rừng, trong đó có 5,4 ha là đất rừng phòng hộ; Nhà máy điện gió Hướng Tân sử dụng quy mô rừng là 3,74 ha; Nhà máy điện mặt trời Gio Thành 2 với diện tích rừng sử dụng là 17,6 ha; Nhà máy điện gió Tân Linh với quy mô rừng là 3,31 ha, trong đó rừng phòng hộ là 2,54 ha.

Phát triển năng lượng tái tạo: Có nên đánh đổi đất rừng? - Ảnh 1
Các dự án năng lượng tái tạo được cấp phép gần đây xuất hiện xu hướng sử dụng nhiều diện tích đất rừng. (Ảnh: Tạp chí Năng lượng sạch Việt Nam)

Hai dự án lớn ở tỉnh Bình Thuận và Bình Định đang trình xin ý kiến của Thủ tướng khi sử dụng trên 20 ha rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng là Hòa Thắng 1.2 và Phù Mỹ 3. Phù Mỹ 3 sử dụng tổng diện tích rừng là 28,28 ha, trong khi Hòa Thắng 1.2 sử dụng 28,52 ha rừng tự nhiên.

Mới đây nhất là dự án Nhà máy điện mặt trời tại xã Bình Hòa Nam, huyện Đức Huệ (tỉnh Long An) với diện tích gần 200 ha đất rừng do UBND tỉnh Long An quyết định.

Cụ thể, các quyết định của UBND tỉnh Long An cho phép Công ty TNHH Hoàn Cầu Long An chuyển hơn 47,4 ha đất rừng sang làm Nhà máy điện mặt trời Solar Park 01, Công ty CP VIETNAM Solar chuyển hơn 48,7 ha đất rừng sang làm dự án Nhà máy điện mặt trời Solar Park 02, Công ty CP Long An Solar Park chuyển hơn 48,3 ha đất rừng sang làm dự án Nhà máy điện mặt trời Solar Park 03, Công ty CP Solar ENERGY LA chuyển hơn 48,4 ha đất rừng sang làm dự án Nhà máy điện mặt trời Solar Park 04.

Phát triển năng lượng tái tạo là một trong những hướng đầu tư được các tỉnh đặt nhiều kỳ vọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thực tế trong thời gian qua, sau sự thành công của nhiều dự án điện gió và điện mặt trời, có nhiều công ty năng lượng đã đến đăng ký khảo sát và xin cấp phép xây dựng dự án năng lượng điện tái tạo. Đó là tín hiệu đáng mừng trong thu hút đầu tư phát triển điện lực nhằm khai thác tốt tiềm năng và thế mạnh của nước ta. Tuy nhiên, vấn đề mà Chính phủ cũng như nhân dân quan tâm là chuyển đổi mục đích rừng và đất lâm nghiệp để thực hiện dự án sao cho phù hợp.

Thay vì không cấp phép cho các dự án thủy điện có sử dụng đất rừng thì các địa phương lại liên tục chấp thuận các dự án năng lượng tái tạo có sử dụng nhiều đất rừng. Điều này mang tới những băn khoăn không nhỏ, đặc biệt khi mà việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng được quy định khá chặt chẽ.

"Không đánh đổi đất rừng cho mục đích phát triển kinh tế!"

Được biết, quan điểm không đánh đổi rừng lấy lợi ích kinh tế đã được cụ thể hoá trong Luật Lâm nghiệp năm 2017, Chỉ thị 13 của Ban Bí thư năm 2017 và Luật Đất đai năm 2013.

Cụ thể, Luật Lâm nghiệp năm 2017 và Chỉ thị 13-CT/TW ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng nêu rõ: "Không chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác, trừ dự án quan trọng quốc gia; dự án phục vụ quốc phòng, an ninh quốc gia; dự án cấp thiết khác được Chính phủ phê duyệt".

Còn theo quy định tại Ðiều 58, Luật Ðất đai năm 2013 và Nghị định 43/2014/NÐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ðất đai, đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng dưới 10 ha đất trồng lúa, dưới 20 ha đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sẽ do HÐND cấp tỉnh ban hành Nghị quyết. Chuyển đổi trên 10 ha đất lúa và trên 20 ha đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng phải được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.

Trao đổi với báo chí, GS.TS Bảo Huy cho rằng, rừng và năng lượng đều rất cần thiết. Tuy nhiên, cơ quan quản lý nhà nước cần cân nhắc, đánh giá kỹ tác động môi trường trước khi quyết định đầu tư xây dựng dự án điện mặt trời. Với những khu vực là nơi sinh sống của động vật hoang dã, rừng đầu nguồn, phòng hộ… ảnh hưởng lớn đến môi trường, sinh thái, đời sống của người dân thì không nên đánh đổi để lấy năng lượng.

Theo Bộ NN&PTNT, thời gian qua biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan, thiên tai diễn ra ngày càng phổ biến, gây ra lũ lụt, sạt lở đất nghiêm trọng ở một số địa phương, cướp đi sinh mạng của nhiều người. Dù chưa có kết luận chính thức về nguyên nhân, nhưng dư luận, các chuyên gia đang đặt vấn đề có ảnh hưởng của việc giảm diện tích đất rừng tự nhiên do chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện các dự án đã làm thay đổi đặc tính tự nhiên, tính bền vững của tự nhiên.

Do vậy, Bộ NN&PTN đề nghị UBND các tỉnh, Thành phố cần cân nhắc, cẩn trọng trong việc đề xuất chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên, đặc biệt, đối với rừng đặc dụng là rừng tự nhiên cũng như các hoạt động tác động vào làm thay đổi cân bằng sinh thái tự nhiên của địa phương.

Liên quan đến vấn đề này, ĐBQH khóa XIV Thái Trường Giang (tỉnh Cà Mau) khẳng định, việc chuyển đổi đất rừng làm các dự án khác, trong đó có dự án điện tái tạo cần tuân thủ Luật Lâm nghiệp. Ông khuyến cáo chỉ nên lựa chọn các vùng đất hoang hóa hoặc khuyến khích lắp đặt điện mặt trời mái nhà bởi đây là nguồn điện có hiệu quả và dư địa rất lớn.

"Tuyệt đối không làm dự án điện mặt trời nếu gây mất diện tích rừng. Ngay cả dự án điện gió chỉ sử dụng một phần đất rừng cũng cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi cấp phép. Không đánh đổi đất rừng cho mục đích phát triển kinh tế!", vị ĐBQH này nhấn mạnh.

Thùy Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Phát triển năng lượng tái tạo: Có nên đánh đổi đất rừng?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

ĐHĐCĐ 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công
Sáng 28/3/2024, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX đã diễn ra tại Hà Nội. Với sự đồng thuận và nhất trí cao, Đại hội đã thông qua toàn bộ các báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng khác.