Thứ sáu, 26/04/2024 13:10 (GMT+7)
Thứ ba, 27/10/2020 13:52 (GMT+7)

Nỗi lo mất rừng vì những dự án điện mặt trời

Theo dõi KTMT trên

Thời gian gần đây, làn sóng đầu tư điện mặt trời (ÐMT) đang nở rộ tại nhiều địa phương. Điều đáng nói là nhiều dự án ÐMT được xây dựng ngay trên đất có rừng tự nhiên, ít thì 5-7 ha, nhiều thì có những dự án lên tới hơn 20 ha rừng.

Đổi rừng tự nhiên lấy các dự án

Trong những năm gần đây, người ta phát hiện ra rằng sức mạnh của mặt trời có thể được thu thập và lưu trữ, được sử dụng trên quy mô toàn cầu với mục đích cuối cùng là thay thế các nguồn năng lượng thông thường. Tại Việt Nam năng lượng mặt trời và năng lượng gió cũng đang là tâm điểm chú ý của giới đầu tư khi chỉ trong khoảng 3 năm trở lại đây đã có hơn 100 dự án lớn nhỏ được cấp phép, tạo ra một làn sóng đầu tư vào lĩnh vực này.

Năng lượng tái tạo được kỳ vọng là nguồn năng lượng sạch, dần thay thế các nguồn điện than và thuỷ điện trong tương lai. Một trong những thông tin đáng chú ý được ông Đỗ Đức Quân, Phó Vụ trưởng Vụ Điện lực và năng lượng tái tạo, Bộ Công thương nêu ra tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Công Thương tháng 9/2020 là: "Từ năm 2016 đến nay, tất cả những dự án thuỷ điện nhỏ liên quan đến rừng tự nhiên không có dự án nào được bổ sung vào quy hoạch và đã được bổ sung thì bị kiểm soát rất chặt chẽ" trước thực trạng lũ lụt đang hoành hành ở miền Trung và một phần nguyên nhân được cho là do các thuỷ điện nhỏ xả lũ không theo kế hoạch.

Nỗi lo mất rừng vì những dự án điện mặt trời - Ảnh 1
Trong khoảng 3 năm, Việt Nam đã có hơn 100 dự án lớn nhỏ được cấp phép. (Ảnh minh họa)

Vì thế việc thay thế năng lượng truyền thống bằng việc sử dụng năng lượng sạch hay năng lượng tái tạo, hạn chế tối đa sử dụng đất rừng là phù hợp với xu hướng phát triển bền vững. Tuy nhiên, một vấn đề đáng quan ngại là trong các dự án năng lượng tái tạo được cấp phép gần đây, xuất hiện xu hướng sử dụng nhiều diện tích đất rừng, ít thì 5-7 ha, nhiều thì có những dự án lên tới hơn 20 ha rừng.

Năm 2020, riêng Quảng trị, Bình Thuận, Bình Định đã chấp thuận đầu tư cho khoảng 10 dự án điện gió, ĐMT có sử dụng đất rừng.

Trong đó, UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt 7 dự án là Nhà máy điện gió Phong Nguyên và Phong Huy sử dụng hơn 20 ha đất rừng; Nhà máy điện gió Phong Liệu sử dụng 3,56 ha rừng, trong đó 2,44 ha là rừng phòng hộ; Nhà máy ĐMT Gio Thành sử dụng 38,9 ha đất rừng, trong đó có 5,4 ha là đất rừng phòng hộ; Nhà máy điện gió Hướng Tân sử dụng quy mô rừng là 3,74 ha; Nhà máy ĐMT Gio Thành 2 với diện tích rừng sử dụng là 17,6 ha; Nhà máy điện gió Tân Linh với quy mô rừng là 3,31 ha, trong đó rừng phòng hộ là 2,54 ha.

Hai dự án lớn ở Bình Thuận và Bình Định đang trình xin ý kiến của Thủ tướng khi sử dụng trên 20 ha rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng là Hoà Thắng 1.2 và Phù Mỹ 3. Phù Mỹ 3 sử dụng tổng diện tích rừng là 28,28 ha, trong khi Hoà Thắng 1.2 sử dụng 28,52 ha rừng tự nhiên.

Và mới đây nhất là dự án nhà máy ĐMT tại xã Bình Hòa Nam, huyện Đức Huệ (Long An) với diện tích gần 200ha đất rừng do UBND tỉnh Long An quyết định.

Cụ thể, các quyết định của UBND tỉnh Long An cho phép Công ty TNHH Hoàn Cầu Long An chuyển hơn 47,4ha đất rừng sang làm Nhà máy ĐMT Solar Park 01, Công ty cổ phần VIETNAM Solar chuyển hơn 48,7ha đất rừng sang làm dự án Nhà máy ĐMT Solar Park 02, Công ty cổ phần Long An Solar Park chuyển hơn 48,3ha đất rừng sang làm dự án Nhà máy ĐMT Solar Park 03, Công ty cổ phần Solar ENERGY LA chuyển hơn 48,4ha đất rừng sang làm dự án Nhà máy ĐMT Solar Park 04.

Thay vì không cấp phép cho các dự án thuỷ điện có sử dụng đất rừng thì các địa phương lại liên tục chấp thuận các dự án năng lượng tái tạo có sử dụng nhiều đất rừng. Điều này mang tới những băn khoăn không nhỏ, đặc biệt khi mà việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng được quy định khá chặt chẽ.

Cần thận trọng

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Tiền Phong, GS.TS Bảo Huy (Khoa Nông-Lâm nghiệp, Trường Đại học Tây Nguyên) cho rằng, rừng và năng lượng đều rất cần thiết. Tuy nhiên, cơ quan quản lý nhà nước cần cân nhắc, đánh giá kỹ tác động môi trường trước khi quyết định đầu tư xây dựng dự án ĐMT. Với những khu vực là nơi sinh sống của động vật hoang dã, rừng đầu nguồn, phòng hộ… ảnh hưởng lớn đến môi trường, sinh thái, đời sống của người dân thì không nên đánh đổi để lấy năng lượng.

Bên cạnh các dự án quy mô lớn, Tây Nguyên cũng bùng nổ nhiều dự án ĐMT công suất vừa và nhỏ. Tuy nhiên nhiều quy định hiện đang bị vướng, điển hình, việc phân biệt giữa hệ thống ĐMT mái nhà và ĐMT nối lưới chưa rõ ràng khiến các công ty điện lực lúng túng trong việc áp giá đúng theo quy định để làm hợp đồng mua bán.

Cũng trao đổi vấn đề này với Nhà đầu tư, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, những rừng tự nhiên nghèo kiệt, không khôi phục được hệ sinh thái rừng thì nên dùng chuyển sang trồng cây lâu năm vì có giá trị xuất khẩu và gắn liền với cuộc sống của người dân chứ không nên dùng làm nơi sản xuất ĐMT. Vì như vậy sẽ làm chết luôn cánh rừng đó.

"Quan điểm của tôi là không dùng rừng để làm điện tái tạo, chỉ trừ trường hợp dự án thực sự cấp thiết, mang tầm quốc gia. Còn cụ thể thế nào là cấp thiết, dự án tầm quốc gia thì phải mang ra Quốc hội, Chính phủ để bàn, không thể để UBND các tỉnh tự quyết. Ngay cả với rừng nghèo kiệt không khôi phục hệ sinh thái rừng thì cũng nên trồng cây lâu năm không nên vì rừng nghèo kiệt mà chuyển sang làm phi nông nghiệp", ông Võ khẳng định.

Và những nỗi lo vẫn còn để lại

Xét một cách toàn diện, việc phát triển ồ ạt các dự án ĐMT còn tạo gánh nặng đối với môi trường. Theo Cục Năng lượng Mỹ, một tấm pin mặt trời có thời gian sử dụng khoảng 20 - 30 năm tùy vào điều kiện môi trường. Nhiệt độ cao có thể khiến thời gian sử dụng ngắn hơn và yếu tố tiêu cực như tuyết, bụi sẽ gây tổn hại vật liệu bề mặt và mạch điện bên trong, làm giảm dần năng suất.

Pin mặt trời chứa các kim loại như chì, đồng, nhôm với các tế bào năng lượng mặt trời làm từ tinh thể silicon và được bọc trong lớp nhựa dày để bảo vệ.

Nỗi lo mất rừng vì những dự án điện mặt trời - Ảnh 2
Lượng rác thải từ pin năng lượng mặt trời ngày càng gia tăng.

Bên cạnh đó, các nghiên cứu cũng cho thấy hoạt động sản xuất các tấm pin năng lượng mặt trời làm tăng đáng kể lượng khí thải nitrogen trifluoride (NF3), có tác hại tới môi trường như một loại khí thải gây hiệu ứng nhà kính gấp 17.200 lần so với khí carbon dioxide (CO2) trong giai đoạn 100 năm.

Lượng khí thải NF3 tăng 1.057% trong 25 năm qua, trong khi lượng khí CO2 ở Mỹ chỉ tăng khoảng 5% trong cùng kỳ.

Hiện có hai loại chất thải gây hại từ tấm pin năng lượng mặt trời. Chất thải từ sản xuất và chất thải từ pin năng lượng mặt trời sau khi đã qua vòng đời sử dụng, nếu rò rỉ ra bên ngoài sẽ gây tác hại khó lường. Điều đáng nói, cho đến nay hầu như vẫn chưa có phương pháp nào để giảm những vấn đề về chất thải độc của pin mặt trời. Việc phân loại và xử lý rác tốn chi phí lớn, chưa kể các hóa chất sinh ra trong quá trình tái chế gây hại cho môi trường.

Mới đây, Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA) ước tính số lượng tấm pin năng lượng Mặt trời thải loại trên toàn cầu có thể tăng lên mức 78 triệu tấn vào năm 2050, từ mức vào khoảng 250.000 tấn cuối năm 2016.

Theo số liệu thống kê, Trung Quốc đứng đầu thế giới về số lượng nhà máy điện Mặt trời, vận hành số tấm pin năng lượng mặt trời cao gấp hai lần so với Mỹ và nước này chưa chuẩn bị kế hoạch xử lý các tấm pin cũ. Ước tính đến năm 2050, số tấm pin năng lượng mặt trời thải loại tại Trung Quốc vào khoảng 20 triệu tấn, tương đương gấp 2.000 lần trọng lượng của tháp Eiffel ở Pháp.

Một nghiên cứu cho thấy Toshiba Environmental Solutions sẽ phải mất tới 19 năm để hoàn tất việc tái chế toàn bộ lượng pin năng lượng mặt trời mà Nhật Bản sản xuất vào năm 2020. Đến năm 2034, lượng pin năng lượng mặt trời cần được tái chế sẽ cao gấp 70-80 lần so với năm 2020.

Hoài Thu

Bạn đang đọc bài viết Nỗi lo mất rừng vì những dự án điện mặt trời. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới