Thứ sáu, 22/11/2024 15:51 (GMT+7)
Thứ năm, 08/07/2021 14:27 (GMT+7)

Bình Định và câu chuyện dự án nhà máy điện gió nghìn tỉ 'càn quét' núi đồi

Theo dõi KTMT trên

Theo chuyên gia Phạm Quang Anh, nếu dự án chặt phá rừng tự nhiên, đào cắt, nổ mìn san gạt trên đầu đỉnh núi quá mức thì mỗi năm đồi núi sẽ sạt trượt, dần bị cuốn trôi bạc màu, vắt kiệt sức sống hệ sinh thái trước biển.

San ủi, đào phá núi đồi để làm dự án

Trong thời gian qua, tỉnh Bình Định đã cho phép nhiều dự án du lịch nghỉ dưỡng, điện mặt trời, điện gió… đầu tư tại khu vực bán đảo Phương Mai. Trong đó có dự án Nhà máy Điện gió Nhơn Hội (giai đoạn 1 và 2), do Công ty CP Năng lượng FiCo Bình Định làm chủ đầu tư.

Dự án gồm 2 giai đoạn với tổng diện tích 376 ha, kinh phí đầu tư gần 2.600 tỉ đồng. Theo Ban quản lý Khu Kinh tế tỉnh Bình Định, tổng dự án gồm 12 trụ điện gió (công suất 60 MW), mỗi trụ 4 MW (chiếm khoảng 0,56 ha). Đến nay, các thủ tục về đầu tư xây dựng của dự án như quy hoạch chi tiết 1/500, dự án đầu tư, thẩm duyệt thiết kế PCCC, giấy phép xây dựng đã hoàn thành và đang tổ chức thi công xây dựng tại hiện trường, bao gồm các hạng mục: Đường giao thông nội bộ, móng trụ tuabin gió (12 trụ tuabin gió, chiều cao 102,5 m, đường kính cánh quạt 145 m), khu quản lý vận hành, khu trạm biến áp nâng áp.

Tuy vậy, theo phản ánh của người dân, quá trình thi công dự án đã ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường tại núi Phương Mai, màu xanh trên núi lởm chởm không còn nguyên vẹn, đất đá sạt lở. Một số người dân cho biết, những ngày cuối tháng 4, đầu tháng 5/2021, dọc bán đảo Phương Mai, đồi núi đang bị hàng trăm phương tiện cơ giới đào phá, san ủi. Mặt đỉnh núi kéo dài gần 7 km đang bị đào bới nham nhở để mở đường lớn, tạo mặt bằng công trình, khiến đất đá trên núi sạt lở từ đỉnh xuống chân núi tạo nên những mảng xám tro trên núi gây phản cảm, mất mỹ quan thiên nhiên.

Bình Định và câu chuyện dự án nhà máy điện gió nghìn tỉ 'càn quét' núi đồi - Ảnh 1
Đồi núi ở bán đảo Phương Mai bị san ủi, đào phá. (Ảnh: Báo SGGP)

Cùng với đó, chủ đầu tư đưa xe cơ giới máy móc phá núi làm đường giao thông nội bộ để đưa các thiết bị điện gió lên núi tạo thành những vết cắt chằng chịt trên đỉnh núi khiến dãy núi Phương Mai loang lổ, nham nhở.

Một số người dân sống ven đầm Thị Nại bức xúc trước nạn “cát bay", "cát nhảy”, "bão cát" ở khu vực dưới chân bán đảo Phương Mai đang gia tăng mạnh, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống của người dân nơi đây.

Ông Phạm Quang Anh, chuyên gia cảnh quan và quy hoạch lãnh thổ nhận định, khu vực núi Phương Mai rất có tiềm năng để khai thác năng lượng điện gió. Bởi đây là điểm cao độ, đón nhiều hướng gió Tây - Bắc, Đông - Nam, Tây - Nam… Ngoài ra, điện gió là nguồn năng lượng tái tạo có lợi ích bền vững, hài hòa với tự nhiên vì nó chiếm ít diện tích.

“Tuy vậy, chúng ta cần phải triển khai dự án hài hòa với tự nhiên, cảnh quan môi trường. Bởi vai trò của dãy núi Phương Mai rất quan trọng đối với TP.Quy Nhơn, sinh thái đầm Thị Nại, cảng biển Quy Nhơn… và còn liên quan đến một số yếu tố như phòng thủ, quốc phòng”, vị này khẳng định. 

Ông cũng cho biết, đa số các dãy núi, hòn đảo ở Phương Mai đều là vùng đá granite với lớp vỏ phong hóa rất mỏng, dễ bị tổn thương. Nếu dự án chặt phá rừng tự nhiên, đào cắt, nổ mìn san gạt trên đầu đỉnh núi quá mức thì mỗi năm đồi núi sẽ sạt trượt, dần bị cuốn trôi bạc màu, vắt kiệt sức sống hệ sinh thái trước biển.

“Chúng ta phá rừng để làm điện gió, rồi nhiều hệ lụy khác sẽ nảy sinh khó giải quyết. Trong khi đó việc phục hồi tự nhiên, nói rất dễ nhưng làm thì khó lắm, vì tự nhiên thì chỉ có thể tự nó phục hồi”, chuyên gia Quang Anh nhấn mạnh.

Chưa đánh giá hết tác động

Trước thực trạng trên, trao đổi với báo giới, một lãnh đạo Sở Xây dựng Bình Định thừa nhận, ngay từ đầu khi cho phép đầu tư dự án đã chưa đánh giá hết tác động đối với các dãy núi ở bán đảo Phương Mai. 

Trong báo cáo của Ban Quản lý Khu Kinh tế Bình Định cũng nêu rõ, quá trình thi công tại hiện trường, do điều kiện địa hình chia cắt, sườn núi dốc nên việc triển khai thi công của chủ đầu tư gặp nhiều khó khăn, một số đoạn tuyến đường giao thông nội bộ có mặt cắt ngang lớn hơn so với thiết kế để phù hợp với địa hình, dẫn đến khối lượng đất đào nền đường phát sinh tăng; đất đổ thải chưa được tập kết đúng vị trí quy hoạch bãi thải, rơi vãi xuống men sườn núi gây mất an toàn, vệ sinh môi trường và mỹ quan chung. Hiện, UBND tỉnh Bình Định đã có ý kiến chỉ đạo Ban quản lý Khu Kinh tế tỉnh vào cuộc kiểm tra và có báo cáo, giải trình sự việc.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Định, Ban quản lý Khu Kinh tế tỉnh Bình Định (đơn vị quản lý trực tiếp Khu Kinh tế Nhơn Hội, bao gồm cả bán đảo Phương Mai) đã yêu cầu Công ty CP Năng lượng FiCO Bình Định khẩn trương khắc phục các vấn đề tồn tại trong quá trình thi công dự án Nhà máy Điện gió Nhơn Hội tại núi Phương Mai.

Dự án Điện gió Phương Mai 1 có công suất 30 MW của Công ty Cổ phần Phong điện Phương Mai từng bị tỉnh Bình Định cho tạm dừng dự án vào hồi tháng 10/2019. Lý do tạm dừng được tỉnh Bình Định cho biết do chủ đầu tư thiếu trách nhiệm đã để xảy ra tình trạng chặt phá, cháy cây phi lao tại đây.

Theo người dân địa phương, cả khu rừng phi lao khoảng 250 ha, bao đời nay che chắn bão, cát bay cho trên 500 hộ dân (với 2.000 nhân khẩu) đã bị triệt hạ, ước tính số lượng cây rừng bị chặt khoảng 100.000 cây.

UBND tỉnh Bình Định đã yêu cầu chủ đầu tư phải trồng lại toàn bộ diện tích phi lao bị phá và bị đốt cháy thì mới xem xét tiếp tục triển khai dự án.

Ông Phan Viết Hùng, Phó Trưởng ban Ban quản lý Khu Kinh tế tỉnh Bình Định thông tin, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo các đơn vị chức năng vào cuộc kiểm tra toàn bộ bất cập trong quá trình thi công dự án Nhà máy Điện gió Nhơn Hội, đồng thời thể hiện quan điểm nhất quán là cần bảo vệ bán đảo Phương Mai.

Theo đó, qua kiểm tra hiện trường, đại diện Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Bình Định đề nghị chủ đầu tư phải khắc phục nguyên trạng rừng đã bị đào phá, xâm hại và có giải pháp để phục hồi cảnh quan ở bán đảo Phương Mai. Quá trình phục hồi, trồng lại rừng cần chọn loại cây bản địa tương thích với đồi núi bán đảo Phương Mai nhằm tạo sự sinh trưởng hài hòa, cân đối. Việc phục hồi rừng cần phải có sự tham gia của các đơn vị trồng rừng chuyên nghiệp, có kinh nghiệm và cần có sự giám sát, thẩm định, nghiệm thu của đơn vị chức năng có chuyên môn. Ngoài ra, doanh nghiệp cần thu gom đất đá nổ mìn, đào phá sạt lở ở sườn núi, đưa đến bãi thải trước khi trồng lại cây rừng.

Trao đổi về vấn đề này, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho rằng, những rừng tự nhiên nghèo kiệt, không khôi phục được hệ sinh thái rừng thì nên dùng chuyển sang trồng cây lâu năm vì có giá trị xuất khẩu và gắn liền với cuộc sống của người dân chứ không nên dùng làm nơi sản xuất điện mặt trời, điện gió. Vì như vậy sẽ làm chết luôn cánh rừng đó.

"Quan điểm của tôi là không dùng rừng để làm điện tái tạo, chỉ trừ trường hợp dự án thực sự cấp thiết, mang tầm quốc gia. Còn cụ thể thế nào là cấp thiết, dự án tầm quốc gia thì phải mang ra Quốc hội, Chính phủ để bàn, không thể để UBND các tỉnh tự quyết. Ngay cả với rừng nghèo kiệt không khôi phục hệ sinh thái rừng thì cũng nên trồng cây lâu năm, không nên vì rừng nghèo kiệt mà chuyển sang làm phi nông nghiệp", ông Võ khẳng định.

Lan Anh (t/h)

Bạn đang đọc bài viết Bình Định và câu chuyện dự án nhà máy điện gió nghìn tỉ 'càn quét' núi đồi. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới