Thứ tư, 24/04/2024 13:49 (GMT+7)
Thứ hai, 24/04/2023 09:30 (GMT+7)

Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường trên lưu vực hệ thống sông Đồng Nai

Theo dõi KTMT trên

Bên cạnh việc tận dụng tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế, những năm qua, các địa phương thuộc lưu vực sông Đồng Nai cũng đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp bảo vệ môi trường nhằm đảm bảo giá trị của dòng sông.

Sông Đồng Nai có độ dài 586 km, chảy qua 6 tỉnh thành phố là Lâm Đồng, Đắk Nông, Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh. Đây là con sông nội địa dài nhất Việt Nam và có lưu vực lớn thứ hai trong khu vực Nam Bộ sau sông Cửu Long.

Sông bắt nguồn từ phía Bắc cao nguyên Langbiang, nằm ở phía nam dãy Trường Sơn với độ cao các đỉnh núi đầu nguồn đạt tới 2.000m. Thượng nguồn của sông Đồng Nai là sông Đa Dâng (Lâm Đồng). Sau đó, sông sẽ đổ vào biển Đông tại khu vực huyện Cần Giờ (TP.HCM). Các nhánh phụ lưu chính của sông Đồng Nai có thể kể đến là sông Đa Nhim, sông Bé, sông La Ngà, sông Sài Gòn, sông Đa Hoài và sông Vàm Cỏ.

Các nhánh sông này đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống con người Nam Bộ. Những nơi sông Đồng Nai chảy qua đều có các cảng sông lớn, giúp cho nền kinh tế phát triển.

Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường trên lưu vực hệ thống sông Đồng Nai - Ảnh 1
Sông Đồng Nai có vai trò quan trọng trong cuộc sống con người Nam Bộ.

Cụ thể, đây là nguồn cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất công nghiệp, tưới tiêu cho nhiều tỉnh, thành phố. Nhờ nguồn nước dồi dào từ sông Đồng Nai đã hình thành các vùng chuyên canh cây trồng, vùng nuôi trồng thủy sản, góp phần ổn định đời sống cư dân; đồng thời còn là tuyến giao thông thủy, điểm du lịch sinh thái.

Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp nước Đồng Nai Phạm Thị Hồng cho rằng, phần lớn nước thô khai thác phục vụ sinh hoạt và sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đều lấy từ sông Đồng Nai. Vị trí lấy nước là phía sau hồ Trị An. Những năm gần đây, lưu lượng nước và chất lượng nước tương đối ổn định. Do đó, chi phí xử lý giảm, chất lượng nước đảm bảo hơn.

Đặc biệt là tiềm năng thủy điện vô tận của dòng sông dài nhất khu vực nội địa này, trong đó có Nhà máy Thủy điện Trị An tại huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai). Đây là dự án thủy điện lớn nhất khu vực phía Nam tính đến thời điểm hiện tại. Năm 2022, nhà máy cung ứng khoảng 2 tỷ kWh điện cho khu vực. Việc đầu tư công trình thủy điện trên sông tạo nên hồ nước nhân tạo lớn để khai thác nước phục vụ sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và sinh hoạt.

Ông Phạm Hồng Phương, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho rằng, những năm qua, thủy văn thuận lợi, lưu lượng nước về hồ tốt nên đơn vị luôn hoàn thành kế hoạch sản xuất. Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang triển khai dự án mở rộng Nhà máy Thủy điện Trị An, hoàn thành sẽ bổ sung cho phụ tải điện khoảng 130 triệu kWh/năm.

Để phát huy hiệu qua tối đa giá trị tiềm năng, lợi thế của dòng sông, ngoài việc tận dụng để phát triển kinh tế, những năm qua, nhờ sự chung tay, nỗ lực của các địa phương trong thực hiện đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai của Chính phủ mà tình trạng ô nhiễm nguồn nước vượt mức cảnh báo đã giảm.

Cụ thể, TP. HCM đã có kế hoạch nghiên cứu phân vùng chất lượng nước theo các chỉ số để sử dụng hợp lý. Thực hiện thống kê nước thải công nghiệp và đánh giá sơ bộ mức độ ảnh hưởng đến nguồn nước để đưa ra kế hoạch bảo vệ. Ngoài ra, thành phố tổ chức điều tra, thống kê các điểm, nguồn xả thải trực tiếp để lập bản đồ quản lý, giám sát kết hợp với giải pháp nạo vét dòng chảy để cải thiện chất lượng môi trường nước kênh, rạch. 

Tại tỉnh Bình Phước, ngoài việc tham gia ký kết, thực hiện các quy chế, đề án, chương trình phối hợp với các địa phương trong lưu vực, tỉnh cũng đề xuất nhiều giải pháp để các tỉnh, thành cùng thực hiện. Đó là phát triển diện tích rừng đầu nguồn, phòng hộ; xây dựng công trình thoát nước mưa, thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt; di dời các cơ sở kinh doanh gây ô nhiễm… Bên cạnh đó, triển khai các dự án phòng ngừa ô nhiễm, cải thiện môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.

Về phía tỉnh Đồng Nai, kết quả quan trắc chất lượng nước mặt các năm 2021, 2022 và quý I-2023 cho thấy, nước mặt tại các khu vực khai thác nước cấp sinh hoạt (chủ yếu đoạn qua TP.Biên Hòa, huyện Vĩnh Cửu) đều đạt chất lượng, chỉ một số thời điểm ghi nhận có ô nhiễm, cần có biện pháp xử lý đối với nhóm thông số vi sinh.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi, những nỗ lực của tỉnh trong kiểm soát chất lượng nguồn nước đang mang lại tín hiệu tích cực. Kết quả quan trắc môi trường nước mặt cho thấy, chất lượng nguồn nước ở các khu vực cấp nước sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản ổn định, hầu hết đều đạt quy chuẩn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Cũng theo ông Phi, một số khu vực ghi nhận ô nhiễm trước đây đã tốt hơn. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nước mặt chưa ổn định, nhiều thời điểm ghi nhận chất lượng nước không tốt. Do đó, các ngành: môi trường, nông nghiệp và địa phương cần tăng cường kiểm soát nguồn nước thải, chất thải thải ra sông, suối, hồ.

“Tỉnh tiếp tục thực hiện các giải pháp tăng cường kiểm soát nguồn nước thải từ sản xuất công nghiệp, chế biến nông sản; đầu tư hệ thống mạng lưới quan trắc nước nhằm nâng kịp thời cảnh báo, phòng ngừa sự cố.

Tới đây, tỉnh triển khai các dự án xử lý nước thải sinh hoạt tại các đô thị. Đẩy nhanh tiến độ di dời, chấm dứt hoạt động cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, chăn nuôi có nguy cơ gây ô nhiễm cao, không phù hợp quy hoạch.

Đồng thời, hợp tác chặt chẽ với các địa phương thuộc lưu vực hệ thống sông Đồng Nai thực hiện các quy chế, chương trình phối hợp nhằm bảo vệ nguồn nước và tài nguyên khoáng sản”, ông Phi cho biết thêm.

Vũ Thanh

Bạn đang đọc bài viết Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường trên lưu vực hệ thống sông Đồng Nai. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới