Triển khai nhiều hoạt động bảo vệ môi trường nước lưu vực sông Đồng Nai
Để nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên nước và bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai, hiện tỉnh Đồng Nai đang triển khai các dự án nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu các nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nước...
Lưu vực hệ thống sông Đồng Nai được giới chuyên gia đánh giá là một trong những khu vực phát triển kinh tế - xã hội quan trọng nhất nước hiện nay, cũng như trong tương lai. Đồng thời đây cũng là nơi có lưu vực lớn nhất cả nước, gồm 4 nhánh sông chính: Đồng Nai, Sài Gòn, Thị Vải và Vàm Cỏ, chảy đều qua 11 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Trong đó có 7 tỉnh, thành phố thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (bao gồm: TP. HCM, Tây Ninh, Đồng Nai, Long An, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa-Vũng Tàu) và các tỉnh: Đắk Nông, Bình Thuận, Lâm Đồng, Ninh Thuận.
Với ưu điểm về trữ lượng dồi dào sẵn có, nguồn nước hệ thống sông Đồng Nai có vai trò vô cùng quan trọng: Là nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho khoảng 17 triệu người; cấp nước cho sản xuất công nghiệp; tưới tiêu nông nghiệp; phát triển thủy điện; nuôi trồng thủy sản; giao thông - vận tải; du lịch sông nước cho vùng lãnh thổ rộng lớn hàng triệu hecta…
Bên cạnh đó, theo thống kê, tổng lượng dòng chảy bề mặt của các sông, suối trong hệ thống này rơi vào khoảng 36 tỉ m3.
Theo Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài Nguyên và Môi trường Đồng Nai, qua đợt kiểm tra quan trắc chất lượng nước đầu mùa mưa (các đợt 1, 2, 3, 4 năm 2022) tại sông Đồng Nai gần đây còn cho thấy, nước mặt tại khu vực cấp nước sinh hoạt cơ bản đạt; chỉ 1 - 2 thông số chưa đạt.
Riêng chất lượng nước mặt tại các khu vực nuôi thủy sản trên sông Đồng Nai đều có các thông số vượt quy chuẩn, nguyên nhân do trong quá trình nuôi thủy sản phát sinh nhiều thức ăn dư thừa, mật độ lồng bè quá dày, vượt khả năng tự làm sạch nguồn nước.
Theo đó, có nhiều nguyên nhân gây ra ô nhiễm nguồn nước mặt trên hệ thống sông Đồng Nai. Cụ thể, tại các khu công nghiệp, khu chế xuất của tỉnh đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung, xử lý nước thải đạt chuẩn trước khi thải ra môi trường. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh còn nhiều cơ sở sản xuất nhỏ lẻ trong khu dân cư, không có hệ thống xử lý nước thải trước khi thải ra môi trường.
Những năm qua, tình trạng khai thác cát trái phép cũng gây ra nhiều hệ lụy là diện tích đất ven sông bị sạt lở nghiêm trọng, nguồn tài nguyên cát từ sông Đồng Nai được cho là có chất lượng tốt nhất ở khu vực phía nam cũng bị đánh cắp và gây ô nhiễm môi trường từ quá trình khai thác.
Mặt khác, sự chồng chéo về chức năng nhiệm vụ của các sở, ngành, đơn vị trong công tác quản lý tài nguyên nước, dẫn đến chưa có chương trình giám sát toàn diện và đồng bộ, nguồn lực bị phân tán và hiệu quả quản lý không cao, gây lãng phí thời gian và tài chính, gây bất lợi cho đối tượng sử dụng nước, đặc biệt khó khăn trong việc quy trách nhiệm khi có sự cố môi trường nước xảy ra.
Để nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên nước và bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai, hiện tỉnh Đồng Nai đang triển khai các dự án nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu các nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nước; nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp và cộng đồng về trách nhiệm bảo vệ môi trường nói chung và môi trường nước nói riêng.
Trong đó phải kể tới dự án ứng phó sự cố môi trường về tràn dầu và hóa chất độc hại trên địa bàn tỉnh Đồng Nai; thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn đô thị và khu công nghiệp, kể cả chất thải nguy hại, chất thải y tế; thoát nước mưa, thu gom và xử lý nước thải đô thị; quy hoạch tổng thể cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; nâng cao năng lực quan trắc môi trường...
Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai cho biết, thời gian tới, sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước và bảo vệ nguồn nước; triển khai các biện pháp, công cụ kinh tế để từng bước ngăn chặn, tiến tới hạn chế dần tình trạng sử dụng nước lãng phí, kém hiệu quả, nhất là thực hiện thu thuế và thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh.
Tuyết Mai