Đồng Nai: Quản lý hiệu quả các hồ chứa nước
Ngoài nhiệm vụ đáp ứng nhu cầu về nước tưới, ngăn mặn, sản xuất điện, các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh Đồng Nai còn được xem là nguồn cung cấp nước thô quan trọng cho hoạt động sản xuất công nghiệp và sinh hoạt của người dân.
Theo báo cáo tổng hợp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Đồng Nai và Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Đồng Nai, trên toàn địa bàn tỉnh hiện có 137 công trình thủy lợi đang hoạt động, bao gồm: 18 hồ chứa nước quy mô lớn và vừa, 56 đập dâng, 39 trạm bơm, 24 công trình ngăn mặn, ngăn lũ, tiêu thoát lũ.
Tổng năng lực phục vụ tưới hàng năm theo tính toán đạt trên 50,8 ngàn ha; tiêu và ngăn mặn cho hơn 9,3 ngàn ha. Kinh phí cấp bù diện tích sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi hàng năm khoảng 37 tỉ đồng.
Ngoài đáp ứng nhu cầu nước tưới, ngăn mặn, sản xuất điện, các hồ này còn là nguồn cung cấp nước thô cho hoạt động sản xuất công nghiệp và sinh hoạt của người dân trong khu vực với khối lượng hơn 111 nghìn m3/ngày đêm.
Một số hồ chứa điển hình đang được thực hiện khai thác nước thô để xử lý như: Hồ Trị An, Cầu Dầu, Cầu Mới, Sông Mây, Suối Tre, Gia Ui, Gia Măng, … Bên cạnh đó còn có các hồ đang trong thời gian chờ chính quyền đề xuất khai thác nước thô như: Lộc An, Bà Hào, Bà Long.
Đánh giá về tình hình thực hiện quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước, hiện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã có 16/18 hồ thực hiện kê khai đăng ký an toàn đập, có 10/18 hồ đã lập và điều chỉnh quy trình vận hành.
Các hồ chứa trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đều được sử dụng hệ thống tràn tự do, không có cửa van điều tiết lũ. Có 10/18 hồ lập quy trình bảo trì. Có 3/18 hồ đã kiểm định thường xuyên về vấn đề an toàn đập, đang thực hiện kiểm định 3 hồ. Có 8/18 hồ đã thực hiện sửa chữa, nâng cấp. Có 7/18 hồ đã cắm mốc chỉ giới đảm bảo phạm vi bảo vệ. Có 6/18 hồ đã lập và thực hiện phương án bảo vệ.
Đặc biệt, có 2 hồ đang được lập và thực hiện phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp. Các hồ chứa trên địa bàn tỉnh thường xuyên được kiểm tra, báo cáo hiện trạng, công tác sửa chữa trước, trong, sau mùa mưa lũ hàng năm để đảm bảo an toàn công trình và phục vụ sản xuất.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, hiện công tác quản lý các công trình thuỷ lợi này vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Cụ thể như qua một số đợt khảo sát công trình thủy lợi trong năm, cơ quan các cấp đã đưa ra nhận định về thực trạng tình hình lấn chiếm, vi phạm đất các công trình thủy lợi vẫn đang tồn tại và chưa được xử lý dứt điểm.
Nhiều công trình đã có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng do đã được xây dựng và đưa vào hoạt động từ rất lâu; việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các công trình thủy lợi còn chậm; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, vận hành, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi đã được chính quyền địa phương triển khai nhưng chưa đáp ứng yêu cầu khi đi vào thực tế…
Vì vậy, gần đây nhất, trong đợt khảo sát một số công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh đã chỉ đạo UBND tỉnh phải xây dựng chiến lược về nước với mục tiêu có thể tăng lên cung cấp nửa triệu khối nước/ngày đêm.
“Tất cả các hồ nước của tỉnh phải là điểm sinh thái xanh, sạch, đẹp, an toàn, có hành lang, có cây xanh bảo vệ, thủ tục đất đai phải rõ ràng. Đơn vị quản lý phải cử người chuyên lo về thủ tục đất đai; các sở ngành phải hỗ trợ để làm, chỗ nào vướng cần tập trung tháo gỡ ngay”, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh yêu cầu các đơn vị nghiêm túc thực hiện.
Đồng thời, các địa phương cũng phải phát huy tối đa giá trị của mặt nước, hồ nước để vừa là nguồn cung cấp nước vừa là điểm du lịch, là không gian sinh thái phục vụ nhân dân, phục vụ kinh tế của địa phương.
Ý thức và hành động của người dân cũng là một trong những yếu tố quyết định sự thành công của công tác lần này. Cụ thể là mỗi người dân phải có ý thức chung tay bảo vệ, chính quyền phải quan tâm công tác giáo dục, nâng cao nhận thức bảo vệ nguồn nước, không để xảy ra tình trạng sản xuất nông nghiệp như xịt thuốc, bón phân, chăn nuôi xả thải xuống hồ, nguồn nước. Nếu vi phạm thì cơ quan các cấp có trách nhiệm phải thực hiện xử lý kịp thời và nghiêm khắc.
Mai Anh