Thứ năm, 21/11/2024 23:47 (GMT+7)
Thứ bảy, 17/09/2022 16:00 (GMT+7)

Phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam: Chính sách và giải pháp thực hiện

Theo dõi KTMT trên

Mục tiêu đến năm 2030, TP. HCM là đô thị thông minh, TP dịch vụ, công nghiệp hiện đại; phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh gắn với cách mạng công nghiệp 4.0, vừa đảm bảo mục tiêu hiện đại hóa nền kinh tế, phát triển bền vững về môi trường...

Phát biểu tại Hội thảo “Phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam: Chính sách và giải pháp thực hiện”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đã được xác định là một trong những phương hướng, nhiệm vụ trong Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021-2030.

Đồng thời, việc chuyển đổi theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong các Khu công nghiệp, Khu kinh tế (KCN, KKT) là yếu tố then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh và đảm bảo phát triển bền vững cho từng KCN, KKT, cho từng địa phương và cả nền kinh tế.

Với 403 khu công nghiệp đang hoạt động, việc thúc đẩy phát triển khu công nghiệp theo hướng sinh thái sẽ huy động nguồn lực lớn từ khu vực tư nhân cho các giải pháp công nghiệp xanh, đảm bảo an ninh năng lượng, đóng góp đáng kể vào nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam, thúc đẩy tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, thể hiện quyết tâm chính trị của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết phát triển bền vững.

“Các cơ chế, chính sách mới ban hành/phê duyệt gần gây của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như Nghị định số 35/2022/NĐ-CP về quản lý khu công nghiệp, khu sinh thái, trong đó quy định về mô hình khu công nghiệp sinh thái; Đề án phát triển Kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam; Chiến lược Tăng trưởng xanh quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch hành động Tăng trưởng xanh quốc gia giai đoạn 2021-2030… đã thể hiện khát vọng của Việt Nam trong việc hướng tới một quốc gia phát triển bền vững”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, tại báo cáo tổng kết 30 năm phát triển KCN, KKT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã được Chính phủ đồng ý, đến năm 2030 sẽ có từ 40%-50% địa phương có kế hoạch chuyển đổi các KCN hiện hữu sang KCN sinh thái và 8%-10% địa phương có định hướng xây dựng KCN sinh thái mới từ bước lập quy hoạch xây dựng và định hướng ngành, nghề thu hút đầu tư. Việc quan tâm xây dựng mới KCN sinh thái được thực hiện đồng thời với việc chuyển đổi KCN truyền thống sang KCN sinh thái.

Phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam: Chính sách và giải pháp thực hiện - Ảnh 1
Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa) là một trong 3 KCN đầu tiên của Việt Nam được chọn xây dựng KCN sinh thái theo hướng toàn cầu

Phát biểu trong khuôn khổ Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM Võ Văn Hoan chia sẻ, trong thời gian tới TP. HCM cần có những định hướng nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tính toán chuyển đổi mô hình theo hướng hiệu quả hơn đối với các KCX, KCN đang hoạt động.

 Với mục tiêu đến năm 2030, TP. HCM là đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại; phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh gắn với cách mạng công nghiệp 4.0 là xu hướng tất yếu, vừa đảm bảo mục tiêu hiện đại hóa nền kinh tế, vừa phát triển bền vững về môi trường và tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu.

TP. HCM cam kết phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UNIDO triển khai dự án “Triển khai KCN sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ chương trình KCN sinh thái toàn cầu” tại TP. HCM, trong đó KCN Hiệp Phước được chọn tham gia dự án. Kết quả của dự án sẽ là tiền đề để nhân rộng chuyển đổi các KCN hiện hữu sang mô hình KCN sinh thái tại TP. HCM và trên cả nước.

Về vai trò quan trọng của khu vực tư nhân trong việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi khu công nghiệp truyền thống sang Khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam, Ông Werner Bardill, Tổng lãnh sự, Lãnh sự quán Thụy Sỹ tại TP. HCM nhấn mạnh ở cấp độ khu công nghiệp và doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp đã tiên phong trong đầu tư và thực hiện các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn.

“Chúng tôi hy vọng ngày càng có nhiều khu công nghiệp tại Việt Nam tham gia vào quá trình chuyển đổi này để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời gian tới” ông Werner bày tỏ.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc, mô hình khu công nghiệp sinh thái chỉ thực sự phát huy vai trò tích cực đối với với chiến lược phát triển bền vững của quốc gia khi được nhân rộng trên cả nước, với các hỗ trợ về chính sách, công nghệ, tài chính, thông tin và cơ chế kết nối chặt chẽ giữa các cơ quan trong nước và các tổ chức quốc tế.

Theo đó, cần có thêm các hướng dẫn về quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật của các Bộ ngành và hướng dẫn về kỹ thuật từ các chuyên gia trong nước, quốc tế, đặc biệt đối với các mạng lưới cộng sinh công nghiệp và giải pháp kinh tế tuần hoàn.

“Ngoài ra, việc bổ sung chính sách ưu đãi về tài chính cho các khu công nghiệp, khu sinh thái, doanh nghiệp sinh thái như miễn, giảm thuế, tiền thuê đất, ưu tiên vay vốn tín dụng… là cần thiết để khuyến khích doanh nghiệp tự thực hiện việc chuyển đổi và xây dựng mới khu công nghiệp sinh thái”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khuyến nghị.

Dự án “Triển khai khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCN sinh thái toàn cầu” có tổng kinh phí là 1.821.800 USD, được triển khai thực hiện trong 3 năm tại 5 tỉnh/thành phố gồm: TP. HCM, Cần Thơ, Đồng Nai, Đà Nẵng và Hải Phòng. Dự án có mục tiêu nâng cao hiệu quả kinh tế, môi trường và xã hội của ngành công nghiệp và lồng ghép quy định để phát triển mô hình KCN sinh thái trong các cơ chế, chính sách có liên quan.

Thanh Tùng

Bạn đang đọc bài viết Phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam: Chính sách và giải pháp thực hiện. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thanh Hóa: Đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản quy định tại Luật Đất đai, Luật Nhà ở
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành văn bản về việc đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản theo thẩm quyền quy định chi tiết việc thực hiện Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật.