Phát triển khu công nghiệp sinh thái: Thực trạng và khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam
Các lợi ích chính cho các Khu công nghiệp sinh thái là rất lớn, bao gồm: giảm tác động môi trường của khu công nghiệp; thúc đẩy tăng hiệu quả; tạo điều kiện cho sự gắn kết cộng đồng...
Khái niệm về khu công nghiệp (KCN) sinh thái đã có từ lâu trên thế giới và đã có nhiều mô hình KCN sinh thái thành công. Tuy nhiên, phải đến năm 2014, khi Dự án Triển khai sáng kiến khu công nghiệp sinh thái hướng tới mô hình khu công nghiệp bền vững tại Việt Nam, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) được triển khai, thì khái niệm này mới được nhà đầu tư hạ tầng KCN, cũng như các nhà đầu tư thứ cấp quan tâm nhiều hơn.
Theo tổng kết sau 3 năm thực hiện dự án của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UNIDO, 72 doanh nghiệp tham gia chương trình tại 3 KCN thí điểm đã áp dụng các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn (RECP), giúp tiết kiệm điện nước, nguyên vật liệu hàng năm tương ứng 75 tỷ đồng thông qua cắt giảm khoảng 17,8 triệu kWh điện, 429.000 m3 nước và một lượng đáng kể nguyên liệu, nhiên liệu. Đáng chú ý, lợi ích môi trường từ chương trình này là mỗi năm giảm được 24,89 tấn CO2; 4 tấn hóa chất, 3.335 tấn rác thải rắn và 429 m3 khối nước thải…
Trên cơ sở các kết quả tích cực từ sáng kiến KCN sinh thái, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 82/2018/NĐ-CP (Nghị định 82) quy định về quản lý KCN và khu kinh tế. Đến năm 2022 được thay thế bằng Nghị định số 35/2022/NĐ-CP, quy định pháp lý về KCN sinh thái mới ngày càng rõ ràng.
Lợi ích lớn
Các lợi ích chính cho các Khu công nghiệp sinh thái là rất lớn, bao gồm: giảm tác động môi trường của khu công nghiệp; thúc đẩy tăng hiệu quả; tạo điều kiện cho sự gắn kết cộng đồng; cung cấp khả năng tiếp cận tốt hơn với tài chính và hỗ trợ kỹ thuật; và nâng cao khả năng cạnh tranh kinh doanh. Các động lực như tiếp cận tài chính, hỗ trợ kỹ thuật và chính sách, lợi ích kinh tế và cộng đồng thường được ghi nhận bởi hầu hết các trường hợp được phân tích trong nghiên cứu so sánh do UNIDO (2016) thực hiện.
Đến nay Việt Nam đã tham gia 19 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương với hầu hết các nền kinh tế trên thế giới. Trong đó, 16/19 FTA đã có hiệu lực với hơn 60 đối tác, phủ rộng khắp các châu lục, với tổng GDP chiếm gần 90% GDP toàn cầu. Các thị trường lớn trên thế giới như Mỹ, Châu Âu đã bắt đầu áp dụng Cơ chế điều chỉnh Carbon – những rào cản, tiêu chuẩn về Chuyển đổi xanh, xuất xứ xanh đối với các hàng hóa, dịch vụ, giải pháp nhập khẩu.
Ngay cả các doanh nghiệp công nghệ, cung cấp dịch vụ CNTT cho Nhật, Châu Âu, cũng đã bắt đầu phải khai báo, đáp ứng những tiêu chuẩn không chỉ về môi trường, còn cả về xã hội, quản trị bền vững (gọi tắt là ESG) cho đối tác hàng năm.
Đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị tuy không trực tiếp giúp gia tăng định giá của doanh nghiệp, nhưng nếu không tuân thủ, doanh nghiệp sẽ phải chấp nhận rời khỏi thị trường.
Đặc biệt với các doanh nghiệp tập trung vào xuất khẩu, để có vị trí nhất định trong chuỗi cung ứng, các tiêu chuẩn bền vững cũng là yếu tố bắt buộc phải thực hiện.
Liệt kê cụ thể hơn,từ góc độ cạnh tranh công nghiệp, các lợi ích chính cho Khucông nghiệp sinh thái mà các nhà đầu tư thứ cấp trong KCN đó đều được hưởng lợi, gồm:
- Cung cấp một môi trường kinh doanh được cải thiện và năng động;
- Giảm thiểu chi phí vận hành và cải thiện hiệu quả và năng suất quy trình;
- Tăng nhu cầu để cải thiện hiệu quả và tăng trưởng;
- Giảm thiểu rủi ro tiếp xúc với sự khan hiếm tài nguyên thiên nhiên;
- Cung cấp sự đảm bảo cho các bên liên quan về các mối quan tâm về môi trường và xã hội liên quan đến người tiêu dùng, cộng đồng địa phương, chính phủ và các nhà đầu tư;
- Sử dụng lợi thế trách nhiệm xã hội của công ty;
- Cung cấp quyền truy cập vào cơ sở hạ tầng chất lượng cao và đại diện tập thể cho lợi ích kinh doanh.
Các lợi ích về môi trường chính của khucông nghiệp sinh tháibao gồm:
- Các cam kết về biến đổi khí hậu ở cấp độ toàn cầu và quốc gia;
- Xanh hóa chuỗi cung ứng và giảm bớt các hạn chế về tài nguyên, điều này có thể dẫn đến cải thiện tài nguyên, quản lý và bảo tồn tài nguyên;
- Đảm bảo cơ sở hạ tầng có khả năng phục hồi với chi phí tài nguyên cao hơn và thích ứng với các rủi ro biến đổi khí hậu;
- Đáp ứng các mối quan tâm về môi trường và xã hội từ người tiêu dùng;
- Tăng nhu cầu để cải thiện hiệu quả và tăng trưởng…
Bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu và hiệu quả tài nguyên đang làm cho nhu cầu bắt buộc đối với Khu công nghiệp sinh thái trở nên mạnh mẽ hơn.
Tỉ lệ còn quá thấp
Tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp quốc lần thứ 26 (COP26) diễn ra tại Vương Quốc Anh năm 2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã công bố những cam kết của Việt Nam trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó nổi bật là cam kết đưa Phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050. Tại COP27 và 28, cam kết trên đều được tái khẳng định, cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam.
Lộ trình tiến tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050 cũng đã được Chính phù đề ra. Và trong đó, việc giảm phát thải của nhóm sản xuất đóng vai trò rất lớn nhất, bởi mức phát thải khí nhà kính của nhóm ngành sản xuất chiếm đến 62% tổng lượng phát thải.
Góp phần vào mục tiêu lớn của đất nước, nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam đã bắt đầu đưa vấn đề Xanh vào trọng điểm hoạt động thông qua việc "giảm nâu – tăng xanh", đặc biệt là nhóm các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/02/2024, cả nước đã có 418 KCN đã thành lập (bao gồm 371 KCN nằm ngoài các KKT, 39 KCN nằm trong các KKT ven biển, 8 KCN nằm trong các KKT cửa khẩu) với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 129,9 nghìn ha. Tổng diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 89,2 nghìn ha.
Trong số các KCN đã được thành lập, có 298 KCN đã đi vào hoạt động và 120 KCN đang trong quá trình xây dựng. Tuy nhiên, trong số 298 khu công nghiệp đang hoạt động, chỉ có khoảng từ 1-2% trong số đó đang thực hiện các bước để chuyển đổi, trở thành các Khu công nghiệp sinh thái.
Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 35/2022 quy định về quản lý Khu công nghiệp, Khu kinh tế để tạo hành lang pháp lý cho việc xây dựng mới các KCN sinh thái, hoặc chuyển đổi từ mô hinh truyền thống sang. Tuy nhiên, khi thực hiện chuyển đổi, các đơn vị gặp không ít khó khăn.
Còn nhiều rào cản
Cho đến nay, nhiều vấn đề pháp lý về việc hình thành, phát triển KCN sinh thái, chuyển đổi các KCN hiện hữu sang KCN sinh thái chưa được hướng dẫn cụ thể.
Đơn cử, Nghị định 35/2022 quy định KCN sinh thái là KCN mà các doanh nghiệp trong đó tham gia vào hoạt động sản xuất sạch hơn. Còn theo Luật Môi trường, chỉ khi đáp ứng được các tiêu chuẩn về môi trường thì doanh nghiệp mới được tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, sạch hơn là như thế nào, phải đáp ứng những tiêu chuẩn về môi trường ra sao… thì chưa có quy định cụ thể.
Hay xây dựng KCN phải có trong quy hoạch. Trong Luật Quy hoạch, nội dung chủ yếu của phương hướng xây dựng phải xác định hệ thống đô thị, nông thôn, KKT, KCN, khu chế xuất, khu công nghệ cao…
Như vậy, trước khi cấp thẩm quyền quyết định chấp nhận chủ trương đầu tư thành lập KCN sinh thái, có phải bổ sung KCN sinh thái vào nội dung chủ yếu của phương hướng xây dựng quy hoạch vùng đã được phê duyệt hay không… Đây vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải.
Về tài chính, đối với các nhà đầu tư hạ tầng KCN, chi phí đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải chiếm gần 1/3 tổng mức đầu tư hạ tầng KCN. Để đảm bảo được tiêu chuẩn xanh hơn, sạch hơn thì tỷ tệ chi phí đầu tư hệ thống xử lý này còn cao hơn nữa.
Nếu không có cơ chế riêng hoặc ưu đãi tốt hơn, doanh nghiệp sẽ vẫn phải đầu tư vào KCN truyền thống, thay vì đầu tư vào KCN sinh thái, hoặc trở thành “doanh nghiệp sinh thái”.
Mặt khác, gần 2 năm vừa qua, chúng ta chưa có danh mục phân loại xanh để căn cứ vào đó, các Bộ, Ngành, địa phương, doanh nghiệp dựa vào đó để quyết định mình đầu tư, để tăng khả năng tiếp cập nguồn tín dụng xanh trong nước và quốc tế.
Việc “xanh hoá” này, còn một rào cản nữa đó chính là quy trình thẩm định KCN sinh thái trước khi được cơ quan có thẩm quyền công nhận phải trải qua 6 Bộ ngành. Điều này rất mất thời gian, làm lỡ đi cơ hội của doanh nghiệp.
Thậm chí, đến nay, tiêu chí KCN sinh thái vẫn còn khá mơ hồ. Nghị định số 35/2022/NĐ-CP nêu khái niệm KCN sinh thái phải đảm bảo tiêu chí sạch hơn, có hoạt động hợp tác giữa các doanh nghiệp trong một KCN hoặc trong các KCN khác nhau để tối ưu hóa việc sử dụng hoặc tái sử dụng yếu tố đầu vào, đầu ra và yếu tố khác trong quá trình sản xuất, kinh doanh giữa các doanh nghiệp trong một khu hoặc các KCN khác nhau.
Kỳ vọng là vậy, nhưng khó thực hiện vì mỗi doanh nghiệp và cả KCN đều phải tuân thủ quyết định báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường đối với dự án đầu tư của mình.
Trường hợp thay đổi, có thể phải xin thẩm định lại đánh giá tác động môi trường, xin cấp lại giấy phép môi trường, thanh khoản hải quan đối với nguyên liệu, phế liệu... được nhập khẩu theo loại hình gia công xuất khẩu, sản xuất xuất khẩu...
Do đó, phải quan tâm xây dựng khung khổ pháp lý riêng áp dụng cho các trường hợp thành lập mới, hoặc áp dụng cho trường hợp chuyển đổi KCN cũ, truyền thống thành KCN sinh thái. Trong đó, cần có các hỗ trợ về chính sách, công nghệ, tài chính, thông tin và cơ chế kết nối chặt chẽ giữa các bên liên quan, các ưu đãi cho KCN sinh thái.
Cũng cần sớm có luật về KCN, trong đó những quy định về KCN sinh thái cần được quy định rõ ràng thì mới thúc đẩy được doanh nghiệp đầu tư xây dựng KCN sinh thái mới, đồng thời thúc đẩy các địa phương chuyển đổi các KCN truyền thống thành KCN sinh thái.
Về phía các doanh nghiệp và các nhà đầu tư phải quan tâm nhiều hơn đến KCN sinh thái. KCN sinh thái là xu hướng tất yếu. Nhà nước có luật, có chính sách, có ưu đãi và doanh nghiệp cũng cần có trách nhiệm thực hiện và thúc đẩy.
Chính bản thân Shinec trong quá trình xây dựng KCN sinh thái Nam Cầu Kiền cũng đang gặp phải một số khó khăn như vậy. Tuy nhiên, với vai trò là một doanh nghiệp Việt, Shinec luôn tâm niệm bảo vệ môi trường tự nhiên và đồng hành cùng Chính phủ trên hành trình ứng phó biến đổi khí hậu là một trong những mục tiêu phát triển hàng đầu của chúng tôi. Shinec tự hào là chủ đầu tư của Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền - Khu công nghiệp được xây dựng theo mô hình sinh thái, ứng dụng Kinh tế tuần hoàn đầu tiên tại Việt Nam, đáp ứng các yêu cầu và tiêu chí của Nghị định số 35/2022/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ, Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 và Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Shinec đã đạt thêm 1 bước tiến xa hơn trong việc xây dựng KCN sinh thái khi đã tích hợp ESG vào đính hướng phát triển của KCN sinh thái Nam Cầu Kiền. KCN Nam Cầu Kiền được chuyển đổi từ KCN tổng hợp sang KCN sinh thái từ rất sớm. Và để KCN Nam Cầu Kiền được phát triển bền vững là KCN sinh thái, chúng tôi đã mời PwC là 1 trong 4 đơn vị kiểm toán lớn nhất thế giới lập Báo cáo ESG. Báo cáo này mất đến 6 tháng thực hiện mới hoàn thành và đã công bố vào ngày 28/4 vừa rồi. Chúng tôi sẽ sử dụng khung báo cáo ESG do PwC tư vấn dựng để thực hiện đánh giá hàng năm, và áp dụng cho tất cả các khu và cụm công nghiệp mà Shinec đang triển khai.
Sau báo cáo ESG này, Shinec đã thuê đơn vị tư vấn để thực hiện kiểm kê khí nhà kính, chuẩn bị cho việc tham gia vào thị trường tín chỉ Carbon.
Trong tương lai, chúng tôi mong muốn tiếp tục lan tỏa hình ảnh khu công nghiệp sinh thái Nam Cầu Kiền - khu công nghiệp với “dấu chân xanh” và “hạnh phúc” tới tất cả các nhà đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp của các tỉnh thành phố trong cả nước, các nhà quản lý, các học sinh, sinh viên, hướng tới một môi trường công nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, và trên tất cả, một Việt Nam thịnh vượng dài lâu.
Ông Hoàng Tuấn Anh - Tổng giám đốc Công ty CP Shinec
(Bài viết tại Kỷ yếu Diễn đàn Thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam trong điều kiện mới)