Thứ bảy, 20/04/2024 18:52 (GMT+7)
Thứ sáu, 13/05/2022 13:00 (GMT+7)

Phát triển du lịch biển: Ưu tiên hàng đầu của ngành du lịch Việt Nam

Theo dõi KTMT trên

Phát triển du lịch biển là ưu tiên hàng đầu của ngành du lịch Việt Nam. Trong đó, phát triển du lịch biển đảo phải gắn với mục tiêu đảm bảo an ninh quốc phòng, đặt trong mối quan hệ phát triển tổng thể chung kinh tế - xã hội.

Tiềm năng lớn

Với việc sở hữu đường bờ biển dài trên 3.200km, Việt Nam có một hệ thống đảo ven bờ có giá trị lớn về kinh tế, trong đó có du lịch. Các bãi tắm trên các đảo tuy nhỏ nhưng hầu hết đều rất đẹp, bãi cát mịn, nước trong xanh, môi trường trong lành. Đó là điều kiện thích hợp để phát triển du lịch, đặc biệt là loại hình du lịch nghỉ dưỡng, du lịch thể thao biển, du lịch sinh thái…

Việt Nam đứng thứ 27 trong số 156 quốc gia có biển trên thế giới và là nước có diện tích ven biển lớn ở khu vực Đông Nam Á. Và có tới 125 bãi biển mà hầu hết là các bãi tắm đẹp, trong đó bãi biển Đà Nẵng đã được tạp chí Forbes bầu chọn là 1 trong 6 bãi tắm quyến rũ nhất hành tinh.

Việt Nam cũng là 1 trong 12 quốc gia có các vịnh đẹp nhất thế giới là Vịnh Hạ Long, Vịnh Nha Trang. Cùng với đó, 1/3 di tích văn hóa nằm ở vùng ven biển, các làng chài với các lễ hội biển khác nhau là sức hấp dẫn của du lịch biển với du khách, đặc biệt là khách quốc tế. 

Đáng chú ý, biển đảo miền Trung không chỉ là nơi cung cấp nguồn sống mà còn là không gian để họ tạo lập nên một nền văn hóa biển đảo, với những "vỉa tầng" di sản văn hóa dày dạn, đặc sắc. Đó là hệ thống di tích lịch sử - văn hóa liên quan đến môi trường biển, hệ thống thần linh biển, những bậc tiền bối có công trong công cuộc chinh phục biển, xác lập và thực thi chủ quyền quốc gia trên biển...

Với sự đầu tư mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng cùng các dịch vụ giải trí, du lịch biển đã thu hút hàng triệu lượt khách đến thăm quan và nghỉ dưỡng mỗi năm. Hoạt động du lịch biển đảo hiện chiếm khoảng 70% hoạt động của ngành du lịch Việt Nam.

Phát triển du lịch biển: Ưu tiên hàng đầu của ngành du lịch Việt Nam - Ảnh 1
Với sự đầu tư mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng cùng các dịch vụ giải trí, du lịch biển đã thu hút hàng triệu lượt khách đến thăm quan và nghỉ dưỡng mỗi năm. (Ảnh minh họa)

Việc du lịch biển, đảo Việt Nam có lượng du khách lớn, đã khiến các nhà đầu tư nước ngoài tăng cường đầu tư vào lĩnh vực này. Đến năm 2015, đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực du lịch biển, đảo đã có ở 23 tỉnh/thành phố của cả nước, chiếm trên 70% số các dự án đầu tư trong lĩnh vực du lịch. Trong đó có một số dự án lớn như: Dự án của tập đoàn Platinum Dragon Empire (Mỹ) phát triển khu du lịch vui chơi giải trí tại Bà Rịa-Vũng Tàu với số vốn lên đến 550 triệu USD; dự án đầu tư của Tập đoàn Rockingham (Anh) xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp và các khu vui chơi giải trí, trường đua ô tô 1.000 ha tại Phú Quốc, quy mô dự án lên đến 1 tỷ USD…

Xác định bảo vệ đi cùng với phát triển, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách khai thác tài nguyên môi trường, phát triển kinh tế biển. Vì thế, kinh tế biển ngày càng giữ vai trò quan trọng, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và chủ lực, tạo động lực thúc đẩy phát triển công nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; đồng thời, cung cấp nguyên liệu phong phú, đa dạng cho phát triển kinh tế của cả nước.

Theo đó, ngành du lịch biển đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế, chiếm khoảng 70% tổng thu từ du lịch của cả nước. Tốc độ tăng trưởng về thu nhập từ du lịch trong vòng 15 năm gần đây giữ mức tăng trưởng hơn 24%/ năm. Lượng khách du lịch quốc tế đến khu vực ven biển có xu hướng tăng năm sau cao hơn năm trước và hiện nay chiếm gần 70%-80% tổng lưu lượng khách trên cả nước. Khách du lịch nội địa chiếm hơn 50% tổng lượng khách đi lại trên toàn quốc.

Phát triển du lịch biển: Ưu tiên hàng đầu của ngành du lịch Việt Nam - Ảnh 2
TS. Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy Ban khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội

"Kinh tế biển chính là tiền đề và động lực quan trọng để phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh cũng như đối ngoại đa quốc tế trong suốt thời gian vừa qua, hiện nay và trong tương lai", TS Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy Ban khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhấn mạnh.

Sau tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, kinh tế ven biển cùng như các ngành kinh tế biển có vai trò quan trọng trong phục hồi, phát triển kinh tế xã hội và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Thêm vào đó, quy mô kinh tế biển và vùng ven biển Việt Nam bình quân đạt khoảng 47 - 48% GDP cả nước, trong đó GDP của kinh tế thuần biển đạt khoảng 20 - 22% tổng GDP cả nước. Các ngành kinh tế biển chính ở Việt Nam gồm năng lượng tái tạo biển, dầu khí, thủy hải sản, du lịch, vận tải biển, môi trường, đa dạng sinh học và các dịch vụ sinh thái. Các chuyên gia cho rằng, với tiềm năng lớn như vậy, kinh tế biển sẽ góp phần phát triển kinh tế xã hội sau đại dịch.

Ưu tiên phát triển du lịch biển

Phát triển du lịch biển là ưu tiên hàng đầu của ngành du lịch Việt Nam. Năm 2013, Tổng cục Du lịch đã phê duyệt đề án Phát triển du lịch biển đảo và vùng ven biển với 4 quan điểm chính: Phát triển du lịch biển nhanh và bền vững; Ưu tiên phát triển du lịch biển chất lượng cao; Phát triển du lịch biển phải luôn gắn với mục tiêu đảm bảo an ninh quốc phòng; Phát triển du lịch biển phải được đặt trong quan hệ phát triển tổng thể chung về kinh tế - xã hội.

Theo Đề án phát triển du lịch biển, đảo giai đoạn 2011-2020, đến năm 2020, Việt Nam sẽ hình thành được 5 khu vực du lịch biển có sức cạnh tranh cao trong khu vực, đó là khu Hạ Long-Cát Bà; Lăng Cô-Sơn Trà-Hội An; Nha Trang-Cam Ranh, Phan Thiết-Mũi Né, khu du lịch Phú Quốc.

Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục đầu tư phát triển các khu du lịch biển giàu tiềm năng như Vân Đồn - Cô Tô; khai thác tour du lịch ra Trường Sa - Hoàng Sa; đầu tư, khai thác cảng du lịch chuyên dụng...

Một điều cốt lõi luôn luôn được chú trọng là việc phát triển du lịch biển đảo phải gắn với mục tiêu đảm bảo an ninh quốc phòng, đặt trong mối quan hệ phát triển tổng thể chung kinh tế - xã hội.

Đặc biệt, ngày 22/10/2018, tại Hội nghị lần thứ 8 (khóa XII), Ban Chấp hành T.Ư Đảng đã thông qua Nghị quyết số 36-NQ/TW về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (gọi tắt là Chiến lược biển 2030).

Theo đó, Nghị quyết nhấn mạnh đến: “Phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển; bảo đảm hài hòa giữa các hệ sinh thái kinh tế và tự nhiên, giữa bảo tồn và phát triển...”. Đây là sự lựa chọn đúng đắn, phù hợp với bối cảnh và thực tế ở Biển Đông, là sự khẳng định xu thế phát triển tất yếu trong dài hạn của nền kinh tế Việt Nam.

Trao đổi về vấn đề này, bà Đặng Thị Giang - Viện Nghiên cứu Phát triển Bền vững Vùng cho rằng, cùng với tiềm năng, cơ hội phát triển, lĩnh vực phát triển kinh tế biển đảo nói chung và du lịch biển đảo nói riêng cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức như ô nhiễm vùng bờ, phát triển du lịch biển một cách ồ ạt, không theo quy hoạch, thiên tai, lũ lụt…

Do đó, để giải bài toán này, theo một số nhà quản lý và những đơn vị làm du lịch, cần có những biện pháp tối ưu với mục đích “đôi bên cùng có lợi”, chung tay qua khó khăn để phát triển bền vững. Trong đó, việc phát triển du lịch biển, đảo gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, của toàn dân; thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Các đơn vị “chủ  nhà” là các tỉnh, thành phố có điều kiện phát triển du lịch biển, đảo và các bộ ngành liên quan cần nghiên cứu ra nghị quyết, chỉ thị về phát triển du lịch biển, đảo, trong đó cần đề cập đến nhiệm vụ tăng cường quốc phòng, an ninh trong các khu du lịch, hoạt động du lịch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch (xây dựng hệ thống bến cảng, cầu cảng, bến neo đậu tại các vịnh, đô thị ven biển kết nối với các đảo, đặc biệt là hạ tầng cầu cảng tại các đảo Lăng Cô, Cù lao Chàm, Lý Sơn, Côn Đảo, Phú Quốc…).

Quá trình đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, sản phẩm du lịch biển, đảo theo hướng “lưỡng dụng” không làm ảnh hưởng đến thế trận khu vực phòng thủ trên địa bàn.

Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam xác định 7 khu vực trọng điểm ưu tiên phát triển du lịch, trong đó có 5 khu vực là thuộc dải ven biển, nơi hiện tập trung tới 7/13 di sản thế giới; 6/8 các khu dự trữ sinh quyển; nhiều vườn quốc gia, các khu bảo tồn thiên nhiên; nhiều di tích văn hoá - lịch sử. Khu vực này cũng tập trung tới 70% các khu, điểm du lịch trong cả nước, hàng năm thu hút khoảng 48 - 65% lượng khách du lịch ở Việt Nam.

Ngoài ra, thu nhập từ hoạt động du lịch biển chiếm tỷ trọng cao trong thu nhập du lịch Việt Nam. Du lịch biển phát triển góp phần thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội và góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường biển.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Phát triển du lịch biển: Ưu tiên hàng đầu của ngành du lịch Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Quảng Bình: Hướng tới du lịch “Net zero”
Du lịch “Net Zero” là xu hướng mà các quốc gia trên thế giới đang hướng đến với mục đích không gây tổn hại đến môi trường trong quá trình hoạt động. Quảng Bình sẽ phát trển các sản phẩm du lịch theo xu hướng này.
Bảo đảm cung ứng điện trong thời gian cao điểm năm 2024
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 38/CĐ-TTg ngày 15/4/2024 về việc triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm cung ứng điện trong thời gian cao điểm năm 2024 và các năm tiếp theo.

Tin mới