Phát triển bền vững thị trường chăn nuôi, đảm bảo nguồn cung thực phẩm Tết
Cần có biện pháp giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, vật tư đầu vào, hỗ trợ tín dụng cho các cơ sở sản xuất để giảm chi phí đầu vào cho sản xuất, đảm bảo nguồn cung thực phẩm vào những tháng cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán.
Ổn định lại giá
Theo khảo sát mới nhất đến chiều 25/10, giá thịt lợn đã ngừng đà giảm. Giá lợn hơi trên địa bàn cả nước dao động từ 36 nghìn đồng - 45 nghìn đồng/kg. Trong khi 2-3 ngày qua, giá thịt lợn xuất chuồng đã tăng trở lại khoảng 5 nghìn đồng đến 6 nghìn đồng/kg.
Giá thịt lợn hơi đang tăng dần từng ngày và dự kiến tiếp tục sẽ tăng trong thời gian tới, tạo điều kiện cho các hộ tái đàn, tăng đàn phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong các tháng cuối năm.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến hết tháng 9/2021, đàn lợn cả nước tăng 3,8% so với cùng thời điểm năm 2020. Ước tính 9 tháng 2021, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 3.060,9 nghìn tấn, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước.
Do tình hình dịch Covid-19 phức tạp khiến lượng tiêu thụ thịt lợn giảm, người chăn nuôi phải nuôi giữ trong chuồng, đàn lợn quá lứa còn ứ đọng lại trong chuồng chưa xuất bán khoảng 30% (tương đương khoảng 1,5 triệu con)... nên giá bán lợn giảm đáng kể.
Ông Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết: “Trong 9 tháng đầu năm 2021 lượng nhập khẩu thịt đạt hơn 214,4 nghìn tấn, trong đó thịt lợn là 112,7 nghìn tấn, chiếm 3,6% tổng sản lượng thịt lợn trong nước (năm 2020 nhập 599 nghìn tấn, trong đó thịt lợn là 225,5 nghìn tấn).
Như vậy, tỷ trọng thị lợn nhập khẩu chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ so với tổng sản lượng thịt lợn trong nước nên ngành nông nghiệp khẳng định nhập khẩu không phải là nguyên nhân chủ yếu khiến giá lợn hơi xuống thấp thời gian qua.
Phát triển bền vững thị trường chăn nuôi lợn thời gian tới
Chăn nuôi có vị trí quan trọng, là ngành kinh tế sản xuất chính của nông nghiệp nước ta. Nhưng ngành chăn nuôi và cụ thể là chăn nuôi lợn hiện nay còn gặp nhiều thách thức, ảnh hưởng không nhỏ đến người chăn nuôi và sự phát triển bền vững. Việc phát triển chăn nuôi và ổn định thị trường ngành hàng thịt có ý nghĩa quan trọng, chi phối chỉ số phát triển chăn nuôi và thị trường thực phẩm nước ta.
Thêm nữa, nhu cầu nhập khẩu thịt lợn trên thế giới vẫn cao, chủ yếu từ các nước châu Á. Thịt lợn cũng là mặt hàng có lợi thế để xuất khẩu về lâu dài. Bởi, Việt Nam đang ở Top 10 các nước xuất khẩu nhiều thịt lợn của thế giới. Yêu cầu đặt ra hiện nay với ngành là tổ chức lại để chăn nuôi lợn nước ta trở thành ngành hàng lớn, mạnh, đủ sức cạnh tranh, có hướng tới xuất khẩu.
Cùng với đó, ngành sản xuất thịt lợn đã thu hút một số doanh nghiệp lớn đầu tư phát triển ngành theo hướng công nghệ cao, chuỗi khép kín an toàn, kết nối thị trường phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Trong khoảng 5 tháng qua, một số doanh nghiệp vẫn phải thực hiện cam kết về giá thu mua với người chăn nuôi để giữ ổn định mối liên kết.
Bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ cũng chia sẻ rằng, thông thường các kênh bán lẻ hiện đại như các siêu thị không bị phụ thuộc vào biến động giá ở các chợ bán lẻ và các hộ kinh doanh tiểu thương. Tuy nhiên, do đặc thù ngành hàng tươi sống, các nhà bán lẻ hiện đại cũng chưa có kho bảo quản, chế biến đủ lớn nên giá cả phụ thuộc toàn bộ vào nhà cung cấp. Nếu mối liên kết giữa người sản xuất và các nhà cung cấp lỏng lẻo thì các kênh bán lẻ cũng chịu sự biến động về giá.
Cần có biện pháp giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, vật tư đầu vào, hỗ trợ tín dụng cho các cơ sở sản xuất để giảm chi phí đầu vào cho sản xuất, đảm bảo nguồn cung thực phẩm vào những tháng cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên về dài hạn, cần phải tính đến một chiến lược về phát triển nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, không thể để phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu như hiện nay.
Thu Hà (t/h)