Hà Nội tiêu thụ trên 220.000 tấn lượng hàng từ các tỉnh, thành phố trong 10 tháng
TP.Hà Nội phối hợp các tỉnh, thành phố tiêu thụ hàng nghìn tấn nông sản, thực phẩm nhằm giúp doanh nghiệp và người dân có cơ hội đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.
Đủ nguồn cung cho cuối năm
Trong 10 tháng năm 2021, các kênh phân phối, siêu thị, chuỗi thực phẩm Hà Nội đã hỗ trợ kết nối tiêu thụ lượng hàng từ các tỉnh, thành phố trên 220.000 tấn.
TP.Hà Nội là thị trường tiêu thụ hàng hóa với mạng lưới phân phối lớn, thúc đẩy sự phát triển sản xuất nông sản của vùng Đồng bằng Sông Hồng và các vùng, miền trên cả nước. Tuy nhiên, nhiều sản phẩm hàng hóa nông sản thiết yếu Hà Nội tự sản xuất và cung ứng chỉ đáp ứng từ 30-65% nhu cầu.
Để đáp ứng được nhu cầu tăng lên của người dân vào nhưng dịp cuối năm, Hà Nội mong muốn Sở NN&PTNT các tỉnh phối hợp để triển khai kết nối cung cầu nông sản; Giới thiệu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nông sản, thực phẩm theo tiêu chuẩn để đưa vào các kênh phân phối trên địa bàn Hà Nội.
Cụ thể, bà Đỗ Thị Minh Hoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cho hay: “Sắp tới địa phương này có 25.000 tấn cam quýt và 2.000 tấn miến dong cần tiêu thụ từ nay cho đến Tết Nguyên đán”.
Cùng với đó tỉnh Lâm Đồng còn hơn 1 triệu tấn rau củ, 12.000 tấn bơ, 20.000 tấn sầu riêng và 150.000 tấn cà phê cần tiêu thụ. Do tình hình phức tạp của dịch bênh nên cũng chưa tiêu thụ kịp thời.
Cho đến thời điểm hiện tại, đã có trên 300 doanh nghiệp, HTX, chủ trang trại của 26 tỉnh, thành phố gửi thông tin đăng ký xin được kết nối cung ứng nông sản về Hà Nội.
Các sàn thương mại điện tử nỗ lực đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng
Số liệu từ Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, đến thời điểm này trên địa bàn Thành phố có 103 siêu thị, 449 chợ và 9.546 điểm bán lương thực, thực phẩm thiết yếu; các điểm bố trí làm kho, bán hàng lưu động: 2.500 địa điểm; 210 cơ sở chế biến lương thực, thực phẩm.
Cùng với đó, có 600 điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu gồm: 565 điểm bán hàng đặt tại các quận, huyện của Thành phố và 35 siêu thị, hệ thống phân phối, sàn thương mại điện tử nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân Thành phố.
Trong đó, các điểm bán hàng này đều bán thực phẩm tươi sống, chế biến, hàng hóa thiết yếu, theo hình thức đặt hàng qua điện thoại, trang web, qua mạng xã hội Zalo, các ứng dụng như Apps, kênh Gozek, Now… Điều đó cho thấy, bán hàng qua hình thức trực tuyến được người dân Hà Nội rất quan tâm và đẩy mạnh trong thời điểm dịch bệnh này.
Thực tế cho thấy, khi “nút thắt” trong vận chuyển được tháo gỡ kịp thời, các sàn thương mại điện tử như Sendo, Voso, Lazada, Shopee, AhaMove… đã bắt tay vào “cuộc đua” cung ứng hàng hóa cho khách hàng với nhiều chương trình hấp dẫn như: “Đi chợ tại nhà” của Sendo, “Thực phẩm bình ổn” của Shopee hay chương trình “An tâm ở nhà” của Voso… để cùng chung tay, chung sức đảm bảo cung ứng và bình ổn giá cho thị trường.
Với lợi thế của thương mại điện tử, trường hợp các hàng hóa thiết yếu thiếu hụt cục bộ ở một số địa phương, một số điểm, các nhà cung cấp có thể bổ sung nguồn cung một cách nhanh chóng và giao tới người dân kịp thời mà không nhất thiết phải tiếp xúc trực tiếp qua phương thức mua sắm tại siêu thị, chợ truyền thống. Việc tăng cường lưu thông hàng hóa qua thương mại điện tử được xem là nhiệm vụ và phương thức phù hợp, cấp thiết trong tình hình hiện nay.
Thu Hà (t/h)