Cà phê xuất khẩu cao nhất 4 năm qua
Giá cà phê tăng "dữ dội" trong những tuần qua nhưng tín hiệu đáng mừng là xuất khẩu tăng 3,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Giá cà phê xuất khẩu cao nhất 4 năm qua
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, tính chung trong 9 tháng năm 2021, xuất khẩu cà phê của nước ta giảm 5,4% về lượng, nhưng tăng 3,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020, đạt 1,18 triệu tấn, trị giá 2,23 tỉ USD. Đây là con số đáng mừng trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chi phí vận chuyển tăng cao.
Việt Nam là quốc gia đứng thứ 2 thế giới về lượng cà phê xuất khẩu, dù đang phải ứng phó với đợt bùng dịch Covid-19 nghiêm trọng nhất kể từ đầu đại dịch, đặc biệt tại các tỉnh phía Nam. Tuy nhiên, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang hầu hết các thị trường chủ lực tăng, ngoại trừ Hoa Kỳ, Tây Ban Nha, Bỉ, Philippin.
Điều đặc biệt là giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam đang đạt mức cao nhất kể từ tháng 12/2017. Cụ thể, tháng 9/2021, giá cà phê xuất khẩu bình quân đạt 2.093 USD/tấn, tăng 4% so với tháng 8/2021 và tăng 11% so với tháng 9/2020. Tính chung 9 tháng năm 2021, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt 1.884 USD/tấn, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn tình trạng cà phê tồn ở cảng nhiều, có thể tính đến hàng trăm ngàn tấn. Được biết, nguyên nhân xảy ra là do vận tải biển bị ách tắc, tình trạng thiếu container rỗng tiếp tục diễn ra.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo, trong các tháng tới xuất khẩu cà phê của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng. Nhu cầu tiêu thụ toàn cầu tăng, trong khi Việt Nam bước vào vụ thu hoạch cà phê niên vụ 2021/2022. Bên cạnh đó, các biện pháp giãn cách xã hội đang dần được nới lỏng, tạo thuận lợi cho việc thu hoạch và vận chuyển các mặt hàng, trong đó có cà phê.
Tăng tốc xuất khẩu cà phê vào Bắc Âu
Theo Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, từ trước tới nay các nước Bắc Âu nhập khẩu chủ yếu cà phê Arabica, nhưng theo phân tích của Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), mặt hàng cà phê nhân chưa rang, chưa khử caffein của Việt Nam vẫn còn dư địa để khai thác tại thị trường này.
Một lợi thế lớn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU mang lại, thuế đối với cà phê nhân - mặt hàng chủ lực của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Bắc Âu bằng 0%, giúp cho cà phê Việt Nam có giá cạnh tranh.
Hơn nữa, cà phê Robusta chiếm khoảng 95% cà phê xuất khẩu từ Việt Nam. Trong khi thị trường Bắc Âu hướng tới cà phê chất lượng cao, nên nhập khẩu chủ yếu cà phê Arabica và nhập khẩu cà phê Robusta với số lượng thấp.
Tuy nhiên, một thách thức về địa lý xa xôi đòi hỏi tiêu chuẩn khắt khe nhất trong các nước châu Âu khác. Điều này khiến doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý ngoài việc cung cấp đúng sản phẩm còn phải tuân thủ rất nhiều các quy định của thị trường.
Thị trường lớn tất nhiên sẽ có các đối thủ lớn, do vậy để gia nhập thành công thì cũng cần xem xét các chiến lược tiếp thị, các đặc điểm sản phẩm đã thành công trên thị trường để rút kinh nghiệm và xây dựng chiến lược tiếp thị sản phẩm phù hợp. Ngoài việc phát triển thị trường cà phê truyền thống, doanh nghiệp có thể cân nhắc phát triển thương hiệu cà phê đặc sản, cà phê có thương hiệu được bảo hộ.
Cùng với đó, người mua Bắc Âu sẽ đánh giá rất cao nếu các doanh nghiệp xuất khẩu đầu tư vào truyền thông chuyên nghiệp, chẳng hạn như một trang web tốt, tài liệu quảng cáo của công ty, thông số sản phẩm và danh thiếp…
Thu Hà (t/h)