‘Phạt nguội’, liệu có đủ sức răn đe với các hành vi xả rác bừa bãi?
Theo các chuyên gia, việc cho phép xử phạt nguội tương tự trong lĩnh vực giao thông sẽ làm tăng đáng kể hiệu quả xử phạt vi phạm hành chính, tăng tính răn đe, giảm thiểu hành vi xả rác bừa bãi nơi công cộng.
Nhức nhối nạn xả rác bừa bãi
Hiện nay, vấn đề môi trường đang là vấn đề nhức nhối được xã hội quan tâm hàng đầu. Cùng với quá trình đô thị hóa, ngày nay cuộc sống con người phát triển không ngừng với đa dạng các hoạt động dịch vụ tiện ích, công nghệ phát triển, tuy nhiên kéo theo đó cũng là các vấn đề xã hội, nổi cộm lên nhất là ở các đô thị lớn là vấn đề đổ rác bừa bãi.
Ở bất kỳ tỉnh, thành phố nào, những đống rác được hình thành từ việc vứt rác tùy tiện của người dân đã trở thành một hình ảnh “đóng đinh” từ rất lâu. Tại các thành phố lớn, tình trạng này còn nghiêm trọng hơn khi mật độ dân số quá cao, nhịp độ sinh hoạt, sản xuất lớn cùng với thói quen xấu của nhiều người vứt rác không đúng nơi quy định đã tạo ra những bãi rác mini trong các khu dân cư.
Thậm chí, ngay cả những nơi có thùng rác, xe để rác, rác vẫn “bao vây” bên ngoài mà không được cho vào xe/thùng. Tình trạng công nhân môi trường dọn sạch rác đến cuối đường thì đầu đường đã tiếp tục có người xả rác. Vì thế, đường phố luôn có những đống rác to, nhỏ, bốc mùi và làm ô nhiễm và mất mỹ quan môi trường sống cho dù có không ít cảnh báo “Không xả rác bừa bãi!” hay “Hãy bỏ rác vào thùng!”.
Cùng với đó, hành vi xả rác bừa bãi cũng gây ra hệ lụy về xã hội không nhỏ. Trong những năm qua, tỷ lệ người mắc các chứng bệnh do ô nhiễm môi trường tăng lên nhiều lần khiến các bác sĩ phải cảnh báo về một môi trường sống trong lành. Ngoài ra, rác thải khắp nơi cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của mỗi địa phương trong đánh giá của bạn bè quốc tế về môi trường sống của người dân. Vì thế, với thói quen xả rác bừa bãi, không có ý thức giữ gìn môi trường sống cho “Xanh – Sạch – Đẹp”, rác thải vẫn đang tràn lan trên mỗi ngõ phố, đầu độc môi trường sống của cả cộng đồng”.
Trước thực trạng trên, các chuyên gia cho rằng, công tác xử phạt hành vi xả rác bừa bãi, đổ trộm rác thải vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đủ sức răn đe.
Tại nhiều quốc gia trên thế giới, hoàn toàn không có chuyện xả rác nơi công cộng, chẳng hạn như Singapore. Có một so sánh đã được đưa ra, cùng một du khách là người Việt Nam, khi đến Singapore không dám xả rác ra nơi công cộng, nhưng khi du lịch ở trong nước thì lại vô tư xả rác. Mấu chốt ở đây chính là việc xử phạt.
Tại Nghị định số 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ, hành vi vứt rác bừa bãi sẽ bị phạt tới 7.000.000 đồng; người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa không che chắn hoặc để rơi vãi ra môi trường khi tham gia giao thông bị phạt tới 10.000.000 đồng.
Theo chia sẻ từ đại diện Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT, chế tài cho các hành vi vứt rác bừa bãi, tiểu tiện, đại tiện, vứt tàn thuốc lá đã có từ lâu. Tuy nhiên, việc triển khai thực tế gặp nhiều khó khăn, trong đó có việc pháp luật chưa quy định phạt nguội trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (xử phạt căn cứ hình ảnh camera, máy ghi hình). Việc xử phạt đối với các hành vi mang tính bắt quả tang thực sự chưa hiệu quả, rất ít các hành vi vi phạm được xử lý.
Tăng tính răn đe, giảm thiểu vi phạm môi trường
Trước đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) kiến nghị Bộ Công an trình Chính phủ xem xét, sửa đổi Nghị định số 165/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định việc quản lý, sử dụng và danh mục phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để phát hiện vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông và bảo vệ môi trường. Việc sửa đổi sẽ theo hướng bổ sung cơ sở pháp lý, quy trình sử dụng dữ liệu thu được từ các phương tiện, thiết bị kỹ thuật do tổ chức, cá nhân cung cấp (camera an ninh, camera hành trình của các phương tiện giao thông, camera giám sát tại nơi công cộng…) làm căn cứ để xử phạt vi phạm hành chính (phạt nguội), tăng cường hiệu quả xử phạt đối với các hành vi vi phạm vệ sinh môi trường nơi công cộng.
Thay vì bắt quả tang để xử phạt, các hành vi vứt rác, tiểu tiện không đúng nơi quy định sẽ được hệ thống camera của người dân, tổ chức hay cơ quan chức năng ghi lại, dùng làm căn cứ xử phạt nguội hành vi vứt rác bừa bãi và nhiều hành vi vi phạm môi trường nơi công cộng.
Theo đó, việc cho phép xử phạt nguội giống như trong lĩnh vực giao thông sẽ làm tăng đáng kể hiệu quả xử phạt vi phạm hành chính, tăng tính răn đe, giảm thiểu hành vi xả rác bừa bãi nơi công cộng.
Trên thực tế, một số địa phương đã bắt đầu áp dụng xử phạt nguội hành vi vứt rác bừa bãi như TP.Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), nơi đầu tiên trong cả nước đưa vào vận hành Trung tâm điều hành thông minh. Qua ghi nhận bằng hệ thống camera của Trung tâm, một số trường hợp xả rác bừa bãi đã bị xử phạt vi phạm hành chính từ 1-3 triệu đồng.
Được biết, Bộ TN&MT đang tiến hành xây dựng Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường để phù hợp với pháp luật hiện hành. Trong đó, một số hành vi phạm về bảo vệ môi trường ở nơi công cộng có thể bị “phạt nguội”.
“Quy định này sẽ tăng cường khả năng giám sát của cộng đồng. Tăng đáng kể hiệu quả xử phạt vi phạm hành chính, tăng tính răn đe, giảm thiểu hành vi xả rác bừa bãi nơi công cộng. Đặc biệt, quy định này sẽ góp phần thực hiện hiệu quả quy định mới có tính đột phá về quản lý chất thải sinh hoạt của Luật Bảo vệ môi trường 2020”, ông Nguyễn Hưng Thịnh chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Hưng Thịnh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), với các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của cơ quan chức năng, cá nhân, tổ chức cũng có thể sử dụng camera ghi lại hành vi vứt rác bừa bãi cung cấp cho cơ quan chức năng xác minh, làm căn cứ xử phạt.
Cùng với việc đề xuất xử phạt nguội hành vi vứt rác, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 155 ngày 18/11/2016 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, trong đó giảm mạnh mức xử phạt với một số hành vi như vứt rác, vứt tàn thuốc lá tiểu tiện, đại tiện không đúng nơi quy định. Đại diện Tổng cục Môi trường lý giải, việc thay đổi mức xử phạt cũng nhằm tăng tính khả thi của quy định trong thực tế.
Lan Anh