Ô tô trôi dạt chất đống sau trận lũ quét lịch sử ở Tây Ban Nha
Tại nơi mà lũ lụt rất hiếm khi xảy ra như châu Âu, trong tuần vừa qua, người dân Tây Ban Nha đã bất ngờ đón trận lũ quét trong lịch sử trong 50 năm trở lại đây. Nguyên nhân dẫn tới trận lũ có thể là do biến đổi khí hậu gây ra.
Ngày 29/10, trận mưa lớn kéo dài suốt 8 tiếng đồng hồ đã khiến một số khu vực thuộc phía Đông và Nam của Tây Ban Nha chìm trong biển nước. Đây là trận lũ tồi tệ nhất của Tây Ban Nha trong lịch sử hiện đại cũng như của cả châu Âu trong hơn 5 thập kỷ trở lại đây.
Tây Ban Nha đón trận lũ tồi tệ nhất lịch sử châu Âu
Tính đến cuối ngày 31/10, tổng số người thiệt mạng vì lũ lụt ở Tây Ban Nha đã tăng lên 158 người và hàng chục người mất tích. Nhiều cảnh báo về thời tiết tiếp tục được ban hành khi cơn bão tiếp tục di chuyển về phía Bắc quốc gia này.
Lũ lụt đã tàn phá nặng nề cơ sở hạ tầng của vùng Valencia. Những cây cầu kết nối giao thông bị cuốn trôi, các tuyến đường bộ, đường sắt cũng bị phá hủy nghiêm trọng. Tại một khu nông nghiệp, nước lũ nhấn chìm toàn bộ đất trồng trọt, gây thiệt hại nặng nề tới sản lượng cây cam quýt xuất khẩu của quốc gia này.
Trao đổi với giới truyền thông, Bộ trưởng Bộ Giao thông Tây Ban Nha - Ông Oscar Puente cho biết, khoảng 80 km đường xá ở khu vực phía Đông đã bị hư hại nặng khiến người dân không thể lưu thông. Trên đường, ô tô gặp nạn nằm ngổn ngang chắn lối đi lại. Thậm chí, có những nạn nhân thiệt mạng khi đang ngồi trong xe. Bộ trưởng Oscar Puente ước tính 2 đến 3 tuần nữa, tuyến tàu cao tốc giữa Valencia và thủ đô Madrid mới được thiết lập lại.
Trước hậu quả nặng nề về cả người và tài sản tại phía Đông Tây Ban Nha, các chính trị gia đối lập cáo buộc chính quyền trung ương ở Madrid đã ứng phó với lũ quá chậm trễ. Người dân đã không được cảnh báo về nguy cơ lũ quét cũng như được cứu hộ kịp thời. Tại một quốc gia Âu phát triển như Tây Ban Nha thì lũ lụt cũng đã từng xảy ra nhưng không phải là thường xuyên. Vì thế, công tác ứng phó với lũ vẫn còn chậm và thiếu linh động.
Hiện tượng thời tiết DANA là nguyên nhân gây ra trận lũ quét
Lý giải về trận lũ lụt lớn vừa qua, các chuyên gia về khí tượng học cho biết, khi hệ thống thời tiết xung đột nhau giữa luồng không khí lạnh và ấm, những đám mây lớn sẽ hình thành và tạo ra hệ thống bão DANA.
Tại Tây Ban Nha, bão DANA (Depresión Aislada en Niveles Altos) có nghĩa là hệ thống áp suất thấp bị cô lập ở tầng cao. Hiện tượng thời tiết DANA xảy ra khi vùng áp thấp bị cô lập ở trên cao. Không giống như những cơn bão hoặc giông thông thường, DANA có thể hình thành độc lập với các dòng gió vùng cực hoặc cận nhiệt đới.
Do vị trí địa lý nằm giữa Đại Tây Dương và biển Địa Trung Hải nên miền Đông và Nam của Tây Ban Nha sẽ là 2 khu vực dễ bị ảnh hưởng nhất bởi bão DANA. Chính những ngọn núi đã tạo điều kiện thuận lợi cho mây giông hình thành.
Khi không khí lạnh thổi qua vùng biển ấm Địa Trung Hải, bão DANA khiến không khí ấm nóng bốc lên nhanh chóng và hình thành những đám mây dày đặc chứa đầy nước. Những đám mây này có thể tồn tại trên cùng một khu vực trong nhiều giờ. Vì thế, sức mưa sẽ càng lớn. Đôi khi, trong khi xảy ra bão DANA, một số khu vực sẽ có mưa đá và lốc xoáy. Dấu hiệu này cũng trùng hợp với những hiện tượng thời tiết vừa xảy ra ở Tây Ban Nha trong tuần vừa qua.
Ông Ruben del Campo, Phát ngôn viên của Cơ quan Khí tượng học Tây Ban Nha (Agencia Estatal de Meteorologia - AEMET) nhận định, cơn bão DANA vừa xảy ra là 1 trong 3 cơn bão dữ dội nhất thế kỷ qua tại vùng Valencia của Tây Ban Nha. Hiện các chuyên gia khí tượng học vẫn chưa xác định được liệu cơn bão DANA lần này có phải do biến đổi khí hậu gây ra hay không. Tuy nhiên, phần lớn đều nhận định rằng, nhiệt độ nước biển ở Địa Trung Hải và bầu khí quyển tăng cao, độ ẩm cao chính là nhân tố góp phần tạo ra những thảm họa tàn khốc tương tự.
Giáo sư Hannah Cloke, khoa Thủy văn của Đại học Reading cho biết, những cảnh báo sớm về mưa bão và lũ quét cũng không thể ngăn chặn được thương vong về người và thiệt hại về tài sản. Vì thế, người dân cần nhận thức được mối nguy hiểm đang cận kề của tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay.
Cát Ân