Ô nhiễm thêm trầm trọng từ các đám cháy rừng ở Vành đai Bắc Cực
Từ tháng 1 đến nay, các vụ cháy rừng nằm ngoài tầm kiểm soát tại một trong những vùng lạnh nhất của Trái đất đã thải ra 250 triệu tấn khí CO2 vào bầu khí quyển, cao hơn khoảng 30% so với tổng lượng khí thải của cả năm 2019.
Cháy rừng ở Bắc Cực ngày càng trở nên trầm trọng. (Ảnh: Reuters) |
Mới đây, Chương trình Quan sát Trái đất của Liên minh châu Âu (EU) cho biết số các vụ cháy rừng trong 8 tháng đầu năm nay và hiện vẫn đang diễn ra tại Vành đai Bắc Cực đã thải ra lượng khí thải CO2 gây hiệu ứng nhà kính cao hơn cả lượng khí phát thải của các vụ cháy rừng trong cả năm 2019. Điều này khiến tình trạng ô nhiễm không khí càng trở nên trầm trọng.
Theo dữ liệu từ vệ tinh, từ tháng 1 đến nay, các vụ cháy rừng nằm ngoài tầm kiểm soát tại một trong những vùng lạnh nhất của Trái đất đã thải ra 250 triệu tấn khí CO2 vào bầu khí quyển, cao hơn khoảng 30% so với tổng lượng khí thải của cả năm 2019.
Trạm quan sát khí tượng Copernicus của EU và Trung tâm Dự báo khí tượng tầm trung châu Âu cho biết phần lớn các vụ cháy rừng xảy ra ở Nga, trong đó khu vực Liên bang miền Đông của Nga, gồm cả nhiều vùng ở Vành đai Bắc Cực, đã thải ra hơn 500 triệu tấn CO2 trong 8 tháng đầu năm nay, mức cao nhất cho đến nay.
Mặc dù hình ảnh từ vệ tinh không cho thấy những đám cháy này bùng phát như thế nào nhưng nhiều đám cháy diễn ra hồi đầu mùa Hè được cho là bùng phát từ các đám cháy "âm ỉ" trong suốt mùa Đông. Ngoài ra, thời tiết ấm bất thường tại nhiều vùng rộng lớn ở Siberia kể từ tháng 1 cùng với độ ẩm trong đất thấp có thể do tình trạng ấm lên của Trái đất gây ra, đã làm bùng phát cháy rừng.
Theo Giám đốc Cơ quan Biến đổi khí hậu Copernicus của EU, ông Carlo Buontempo, nhiệt độ tại Siberia và Vành đai Bắc Cực có xu hướng ấm hơn so với mọi năm và điều đáng lo ngại là Bắc Cực đang ấm lên với tốc độ nhanh hơn so với các vùng còn lại của thế giới.
Tại các khu vực ở cả cực Bắc và cực Nam, nhiệt độ trung bình đã tăng hơn 2oC kể từ giữa thế kỷ 19 đến nay, mà phần lớn là trong 50 năm qua. Mức tăng nhiệt này cao gấp 2 lần so với mức tăng nhiệt trung bình trên toàn cầu. Trên toàn thế giới, lượng khí thải CO2 từ các vụ cháy rừng ở mức trung bình là khoảng 7 tỉ tấn/năm kể từ năm 2000 và thậm chí cao hơn trong những năm 90 của thế kỷ 20. Tuy nhiên, trong 8 tháng đầu năm nay, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính do con người gây ra từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch đã tăng gần 50% so với 37 tỉ tấn của năm ngoái.
Người phụ trách mảng khí hậu và năng lượng của Tổ chức Quốc tế bảo tồn thiên nhiên (WWF), ông Manuel Pulgar-Vidal, cảnh báo Trái đất rõ ràng đang đối mặt với tình trạng khẩn cấp. Do vậy, các nước cần đưa ra một phản ứng toàn cầu nhằm hạn chế những tác động nghiêm trọng nhất do biến đổi khí hậu gây ra, giúp cải thiện y tế cộng đồng và bảo vệ những nơi mà con người đang sinh sống. Ông cho rằng những cam kết mà chính phủ các nước đưa ra trong ứng phó với biến đổi khí hậu đến nay là chưa đủ và có thể khiến Bắc Cực trong tương lai ấm hơn 10 độ C so với Bắc Cực hiện nay.
Không chỉ ở Vành đai Bắc Cực, các vụ cháy rừng ngoài tầm kiểm soát tại miền Tây nước Mỹ cũng đang bùng phát mạnh hơn do gió to và thời tiết nóng nực. Trong khi đó, số lượng các đám cháy rừng tại lưu vực sông Amazon của Brazil hồi tháng trước đã ở mức cao thứ 2 trong một thập kỷ qua.
BT