Thứ sáu, 22/11/2024 15:50 (GMT+7)
Chủ nhật, 15/12/2019 09:02 (GMT+7)

Nước cạn giữa mùa lũ, từ thiên tai đến 'nhân tai'

Theo dõi KTMT trên

Thiếu hụt nguồn nước mặt, sụt giảm trữ lượng nước ngầm đã hiện hữu và đặt ra thách thức không nhỏ đối với ĐBSCL.

Nghị quyết 120 của Chính phủ nêu rõ: “Việc khai thác tài nguyên nước trên thượng nguồn châu thổ, đặc biệt là xây dựng đập thủy điện đã làm thay đổi dòng chảy, giảm lượng phù sa, suy giảm nguồn lợi thủy sản, xâm nhập mặn sâu vào nội đồng, tác động tiêu cực đến phát triển KT-XH của vùng”.

Nước cạn giữa mùa lũ, từ thiên tai đến 'nhân tai' - Ảnh 1
Cuối tháng 7 nhưng sông ở huyện đầu nguồn An Phú, tỉnh An Giang vẫn cạn trơ đáy.

Từ thực tế đó cho thấy biến đổi khí hậu với những đợt hán hán, xâm nhập mặn, sạt lở ở ĐBSCL đang diễn ra nhanh hơn so với dự báo, khiến nguồn nước ở toàn vùng có xu hướng giảm mạnh trong khi nhu cầu sử dụng nước ngày một tăng. Mâu thuẫn “cung”-“cầu” về nước đang đặt ra thách thức to lớn đối với khu vực, đòi hỏi phải thực hiện nhiều giải pháp tổng thể, đồng bộ và lâu dài.

Tháng 10, giữa cánh đồng đầu nguồn sông Tiền ở xã Vĩnh Lộc, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang, vợ chồng ông Trịnh Văn Đảnh vẫn giăng lưới, bắt cá để mưu sinh. Ông Đảnh cho biết, đã làm nghề này gần 4 chục năm. Lượng cá bây giờ chỉ bằng phần ba so với trước. Còn mùa lũ những năm gần đây, đặc biệt là năm nay rất bất thường: Lũ về muộn chừng 2 tháng, nước ít và không còn nặng phù sa:

"Năm nay tôi 5 mươi mấy tuổi rồi. Tôi chưa thấy năm nào như năm nay, nước lên quá trễ, tháng 8 mới có nước", ông Đảnh cho biết.

Nước cạn giữa mùa lũ, từ thiên tai đến 'nhân tai' - Ảnh 2
Vợ chồng ông Trịnh Văn Đảnh chật vật mưu sinh mùa lũ muộn, giữa cánh đồng đầu nguồn sông Tiền ở xã Vĩnh Lộc, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang.

Theo quy luật tự nhiên, tầm giữa tháng 6 hàng năm, con nước ở ĐBSCL dâng lên từ từ. Khi đỉnh lũ vào tháng 9, tháng 10 nước tràn đồng, nhưng tới tận cuối tháng 8 năm nay, cả sông Tiền và sông Hậu vẫn cạn sâu. Cuối tháng 11 năm nay, Ủy hội Sông Mê Công cảnh báo tình trạng hạn hán nghiêm trọng đến cực đoan có thể xảy ra tại các quốc gia ở hạ lưu cho tới tháng 1 năm sau. Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định: từ tháng 12 đến tháng 2 năm sau, dòng chảy trên sông Mê Công về ĐBSCL rất hạn chế; khả năng thiếu hụt từ 30-45% so với trung bình nhiều năm. Tổng lượng nước về ĐBSCL khoảng 25 tỉ 600 triệu m3, thiếu hụt so với trung bình nhiều năm khoảng 3 tỉ 400 triệu m3.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, Chuyên gia độc lập về sinh thái Mê Công, phân tích: "Nước sông Mê Công một nửa nằm ở Trung Quốc, nhưng thực tế nước đóng góp từ Trung Quốc cho sông Mê Công rất nhỏ, chỉ có 16%. Còn 82% nước là từ khu vực khác, trong đó 35% là nằm bên Lào. Thái Lan, Campuchia là mỗi nước 18%. Việt Nam mưa tại chỗ đóng góp 11%. Như vậy, nước ta phụ thuộc vào lượng mưa ở Lào; mưa lại phụ thuộc vào thời tiết. Thời tiết phải theo chu kỳ El Nino và La Nina".

Mưa ít, kết hợp mùa khô hạn kéo dài khu vực thượng nguồn Mê Công là nguyên nhân chính làm mực nước vùng hạ lưu xuống thấp. Còn theo Báo cáo của Ủy ban sông Mê Công Việt Nam: việc xây dựng thủy điện các quốc gia ven sông đã khai thác gần 50% tiềm năng phát triển thủy điện. Riêng Trung Quốc đã hoàn thành gần 70% tiềm năng và Lào cũng đang đẩy mạnh phát triển thủy điện dòng chính.

TS Tô Văn Trường, chuyên gia thủy lợi cho rằng, các đập thủy điện và hồ thủy nông phía thượng nguồn là “nhân tai” góp phần gây ra tình trạng này: "Tất nhiên là có ảnh hưởng của hệ thống đập thủy điện, hồ thủy nông ở thượng nguồn, kể cả ở Trung Quốc và 3 đập dâng mới được xây dựng ở Lào. Mức độ khai thác tài nguyên nước phục vụ sản xuất, đời sống của các nước dọc sông Mê Công, kể cả vùng tưới nước cho vùng đông bắc Thái Lan ngày càng lớn. Lưu vực sông Mê Công gồm 6 nước, hạ lưu gồm 4 nước mà ĐBSCL nằm ở cuối nguồn cho nên chắc chắn bị tình trạng khó khăn hơn so với các nước ở thượng nguồn".

Lượng nước giảm, xâm nhập mặn xuất hiện sớm ở ĐBSCL. Ngay từ tháng 7, nước mặn đã xâm nhập sâu chừng 20km tại Tiền Giang, nồng độ mặn đo được vượt ngưỡng trung bình nhiều năm. Giữa tháng 12, nước mặn đã vào tới thành phố Mỹ Tho, sớm hơn 2 tháng so với cùng kỳ nhiều năm. Xâm nhập mặn bất thường cũng xuất hiện giữa mùa mưa ở Hậu Giang hồi tháng 7, có nơi cách xa biển tới 70 kilomet cũng nhiễm mặn. Đến tháng 12, nước mặn 4‰ từ các cửa biển Tây xâm nhập vào nội đồng tại một số địa phương trong tỉnh với bán kính từ 30-60km. Cũng trong nửa đầu tháng 12, tại 13 điểm trên các sông chính ở Bến Tre, nước mặn 4%o đã xâm nhập cách các cửa sông chính gần 40 km, đe dọa hàng chục nghìn hecta cây ăn trái, cây giống, hoa kiểng của người dân.

Còn tại Kiên Giang, ngay tuần đầu tháng 8, nước mặn xâm nhập bất thường thuộc địa bàn 2 huyện Kiên Lương và Giang Thành. Độ mặn 4‰ trên sông Cái Lớn xâm nhập sâu 30km trong tháng 12, dự báo độ mặn sẽ tăng cao từ tháng 2 năm tới, đặc biệt vào cuối tháng tư, đầu tháng 5.

Theo ông Lê Xuân Hiền, Giám đốc Trung tâm khí tượng thuỷ văn Kiên Giang, mùa khô 2019-2020, xâm nhập mặn sẽ xuất hiện sớm hơn và sâu hơn mùa khô năm trước và trung bình nhiều năm: "Xu thế chung nhận định mùa mặn năm nay gần xấp xỉ năm 2016 do mưa kết thúc sớm là một. Thứ 2 là lưu lượng từ thượng nguồn năm nay lũ nhỏ. Chính vì lũ nhỏ nên năm nay hạn mặn dự báo ở mức cao".

Ở một số địa bàn khác, thời gian gần đây xâm nhập mặn đến sớm hơn và ngày càng sâu hơn. Sông Vàm Cỏ chảy qua Long An, trước đây nước mặn chỉ xâm nhập khoảng 60km nhưng năm 2016 sâu tới 130km. Các cửa sông Mê Công, trước đây nước mặn xâm nhập 40km thì gần đây đã lấn sâu 50km, thậm chí 75km. Điều đó cho thấy, quy luật lũ tại ĐBSCL thay đổi và hầu như không còn lũ lớn.

Bộ NN&PTNT nhận định: “Nguồn tài nguyên nước ngọt ở ĐBSCL đang suy giảm, nhất là tại các khu vực ven biển. Tình trạng này được dự báo sẽ còn gia tăng và trầm trọng hơn trong vài thập kỷ tới”. Tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ với lãnh đạo các tỉnh, thành ĐBSCL tháng Tư năm nay, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nêu 6 thách thức lớn mà khu vực đang đối mặt. Trong đó thách thức rất lớn nhất, lâu dài và trực tiếp nhất là “vấn đề an ninh nguồn nước”: "Vấn đề nguồn nước ảnh hưởng bởi nguồn nước của các nước trên thượng nguồn sông Mê Công, ảnh hưởng đến dòng chảy, ảnh hưởng rất nhiều vấn đề mà chúng ta phải gánh chịu. Đây chắc chắn trong thời gian tới nó sẽ trở thành vấn đề rất lớn đối với ĐBSCL. Và nếu chúng ta đặt ở tầm cao hơn đó chính là vấn đề an ninh nguồn nước. Đây sẽ là thách thức rất lớn".

Bạn đang đọc bài viết Nước cạn giữa mùa lũ, từ thiên tai đến 'nhân tai'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới