Thứ ba, 26/11/2024 14:17 (GMT+7)
Thứ sáu, 05/11/2021 12:00 (GMT+7)

Nỗ lực ‘xanh hóa’ các dòng kênh ô nhiễm

Theo dõi KTMT trên

Quá trình đô thị hóa khiến nhiều kênh rạch ở TP.HCM bị “bức tử” nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Vì vậy, xử lý và ngăn chặn tình trạng ô nhiễm tại nhiều tuyến kênh, rạch là nhiệm vụ trọng tâm nhằm thay đổi bộ mặt đô thị thành phố.

TP.HCM có hệ thống kênh rạch chằng chịt đóng vai trò quan trọng trong việc tiêu thoát nước, chống ngập cho thành phố. Với khoảng 2.000 km đường sông, kênh rạch phủ kín được xem là nguồn lực quan trọng của TP.HCM trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, nhiều tuyến kênh rạch ở các quận, huyện đã và đang bị ô nhiễm nặng bởi rác thải, nước thải ngày một gia tăng từ hoạt động sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của con người. Đồng thời lục bình, cỏ dại phát triển đã ngăn cản dòng chảy, gia tăng ô nhiễm khu vực nội thành và tăng nguy cơ phát sinh dịch bệnh.

Hơn 10 năm qua, người dân sống ở khu vực phường 15, quận Tân Bình đang phải sống chung với ô nhiễm bên kênh Hy Vọng. Nhiều người dân cho biết, tình trạng ô nhiễm kéo dài ở đây đã khiến cho cuộc sống, sinh hoạt của họ gặp rất nhiều khó khăn. Cứ mùa mưa tới là rác sinh hoạt lại kết thành từng bè ngập đầy kênh. Cống nghẹt rác làm nước ngập, thậm chí tràn cả vào nhà dân. 

“Tốc độ đô thị hóa, dân số ngày càng cao, lượng nước thải xả ra hằng ngày gia tăng đáng kể. Do vậy, việc cải tạo kênh, rạch chúng ta cần phải khẩn trương và nhanh chóng thực hiện. Sau khi cải tạo, chúng ta nên có kế hoạch giữ gìn chúng sao cho không tái ô nhiễm” - GS.TS Lê Thanh Hải, Viện trưởng Viện MT&TN (ĐH Quốc gia TP.HCM) chia sẻ.

Những năm qua, TP.HCM đã có nhiều nỗ lực để ngăn chặn lấn chiếm, giảm thiểu ô nhiễm kênh rạch và hạn chế rác thải sinh hoạt xả thẳng ra môi trường, nhưng vẫn chưa giải quyết được tận gốc. Tình trạng kênh rạch bị ô nhiễm vẫn tái diễn. Nguyên nhân được đưa ra là do khó khăn về nguồn vốn để đầu tư, cải tạo các dự án. Hàng ngày, thành phố vẫn duy trì phương pháp thủ công là thuê công nhân đi ghe, thuyền trên kênh để vớt rác đưa lên bờ. Song đây chỉ là giải pháp hạn chế ô nhiễm chứ không thể giải quyết triệt để.

Theo TS Nguyễn Văn Hồng, Phân viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, để bảo vệ kênh rạch không bị ô nhiễm, thành phố cần đầu tư các trạm xử lý nước tập trung để gom về nhà máy xử lý. Kênh rạch nào có mật độ dân cư cao, ô nhiễm nặng thì ưu tiên đầu tư xây dựng trước. Do ngân sách có hạn nên không thể làm trong ngắn hạn, mà phải đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời tuyên truyền nâng cao ý thức người dân không xả rác thải, nước thải trực tiếp ra kênh rạch.

“Hồi sinh” những dòng kênh chết

Theo lãnh đạo Sở TN&MT TP.HCM, thời gian qua, thành phố đã triển khai các giải pháp ngăn chặn nguồn xả thải ô nhiễm xuống kênh, rạch. Trong đó tổ chức giám sát và quản lý chặt chẽ việc phát sinh, thu gom, xử lý chất thải rắn công nghiệp, không để xảy ra tình trạng bỏ chất thải rắn công nghiệp bừa bãi trên đường phố hoặc kênh, rạch, cũng như tình trạng tái chiếm và làm ô nhiễm hành lang sông, kênh, rạch.

Nỗ lực ‘xanh hóa’ các dòng kênh ô nhiễm - Ảnh 1
Cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân trong việc không xả rác xuống kênh, rạch. (Ảnh: VnEconomy)

Đầu năm 2021, UBND TP.HCM đã ban hành phương án vớt, thu gom chất thải rắn trên sông, kênh rạch sử dụng công nghệ mới, trong đó triển khai thí điểm công tác vớt, thu gom chất thải rắn trên sông Vàm Thuật. Theo đó, Trung tâm Quản lý đường thủy (thuộc Sở Giao thông Vận tải) được giao nhiệm vụ triển khai thực hiện với các đơn vị liên quan gồm Công ty Cổ phần Công trình Giao thông Sài Gòn, UBND quận Gò Vấp và Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM.

Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM, mỗi ngày, đơn vị vớt khoảng 10 tấn rác trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Việc duy trì vớt rác sẽ kịp thời ngăn chặn ô nhiễm, đảm bảo chất lượng nguồn nước kênh rạch, đồng thời góp phần giảm ngập nước và phát triển giao thông, du lịch đường thủy…

Đáng chú ý, với việc thực hiện Chỉ thị 19-CT/TU của Ban Thường vụ TP.HCM về cuộc vận động “Người dân không xả rác ra đường và kênh rạch, vì TP sạch và giảm ngập nước” trong thời gian qua đã mang lại nhiều hiệu quả. Trong đó, hình ảnh rõ nhất là nhiều con kênh, sông trên địa bàn TP.HCM đã được làm sạch, giảm mùi hôi, giảm phát sinh ruồi, muỗi…

TP.HCM đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân trong việc không xả rác xuống kênh, rạch. Đồng thời, các quận, huyện, TP.Thủ Đức đã triển khai hệ thống tiếp nhận và xử lý các ý kiến của người dân về tình trạng xả rác ra đường và kênh rạch. Thực hiện công tác tổng vệ sinh xung quanh khu vực đang hoạt động, sinh sống và thu gom, vớt rác, khai thông cống rãnh, phát hoang cỏ dại… Đến nay, nhiều địa phương đã xóa các điểm đen về rác, đồng thời tạo được sự chuyển biến tích cực về ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của người dân, hạn chế tình trạng  xả rác xuống sông, kênh, rạch như trước đây.

Cần chương trình hành động cụ thể

TS Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết, việc xanh hóa đô thị kênh rạch là ước mơ thật sự của nhiều thành phố trên thế giới chứ không riêng gì TP.HCM. Kênh rạch ô nhiễm không chỉ gây mất văn minh đô thị mà còn làm giảm chất lượng môi trường sống - nước và khí trời của người dân đô thị.

Do nguồn vốn hạn hẹp của thành phố, nhiều năm nay, việc xanh hóa các tuyến kênh thực hiện khá chậm, chưa kể cách nhìn nhận của các lãnh đạo qua các thời kỳ khác nhau, chưa có chương trình hành động cụ thể để đánh giá hiệu quả trong quá trình thực hiện. Để nâng cao chất lượng sống, mỹ quan đô thị, thành phố cần có chương trình hành động cụ thể để xanh hóa các tuyến kênh. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân giữ gìn, không xả rác ra kênh rạch.

Lan Anh (T/h

Bạn đang đọc bài viết Nỗ lực ‘xanh hóa’ các dòng kênh ô nhiễm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tiêu hủy 5 cá thể hổ đã chết tại Hà Tĩnh
Ngày 26/8, Hội đồng tiêu hủy vật chứng tại huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã tiến hành tiêu hủy 5 cá thể hổ đã chết vốn là tang vật trong một vụ án buôn bán động vật hoang dã.

Tin mới