TP.HCM: Đề xuất chi hơn 9.000 tỉ đồng cải tạo bờ Nam kênh Đôi
Kênh Đôi đang bị ô nhiễm trầm trọng khiến khoảng 6.000 hộ dân bị ảnh hưởng. Để giải quyết tình trạng này, Sở Xây dựng TP.HCM đã đề xuất 2 giai đoạn với tổng kinh phí 9.072 tỉ đồng để cải tạo lại dòng kênh này.
Theo đề xuất của Sở Xây dựng TP.HCM gửi UBND Thành phố, giai đoạn 1 của dự án sẽ triển khai trong giai đoạn 2021 - 2025 trong phạm vi 13 mét thuộc hành lang bảo vệ kênh, kè bờ dài 9,7 km.
Giai đoạn này dự kiến sẽ di dời khoảng 2.670 căn nhà, kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng khoảng 6.300 tỉ đồng.
Giai đoạn 2 có quy mô 39 ha, dự kiến di dời 2.385 căn nhà. Nhà đầu tư trúng thầu sẽ hoàn trả cho lại cho ngân sách phần đã thực hiện của giai đoạn 1.
Trước đó UBND TP.HCM đã kêu gọi các nhà đầu tư tham gia di dời, chỉnh trang, đầu tư vào kênh Đôi. Một số nhà đầu tư lớn cũng đã có khảo sát, đánh giá ban đầu vào dự án này. Tuy nhiên sau đó các nhà đầu tư này đều không tham gia.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, vướng mắc lớn nhất khi các nhà đầu tư tham gia vào dự án này vẫn là chưa có sự thống nhất về việc sử dụng quỹ đất sau khi đền bù giải tỏa giữa TP.HCM và nhà đầu tư, công tác tái định cư tại chỗ cũng gặp nhiều khó khăn…
Tại hai bên bờ kênh Đôi hiện nay có khoảng 5.352 hộ căn nhà với khoảng 32.000 nhân khẩu, được chia thành 2 phía bờ Bắc và bờ Nam; Trong đó, phía bờ Nam kênh Đôi (nằm trên các phường 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7 của quận 8) có khoảng 4.392 hộ với khoảng 26.352 nhân khẩu.
Thực trạng các căn nhà này hiện nằm hoàn toàn trên kênh rạch, chủ yếu là nhà lụp xụp, nền móng được chống đỡ tạm bợ, chắp vá bằng những trụ gỗ, cây cừ đã cũ, ván gỗ trên sàn bị mục, có nguy cơ sạt lở vào mùa mưa, thiếu tiện nghi cơ bản, một số hộ không có đồng hồ điện riêng, phải 2 câu nhờ nguồn điện.
Chưa kể, hầu hết các nhà ở dạng này đều xây trái phép, không phép, hiện trạng lụp xụp và không đảm bảo các điều kiện sinh hoạt, không có hệ thống nước thải sinh hoạt, nhà vệ sinh xả trực tiếp xuống kênh rạch, gây ô nhiễm ngày càng nặng.
Ngoài tình trạng ô nhiễm môi trường, các hộ dân thường xuyên lo lắng triều cường hoặc mưa lớn, khiến các ngôi nhà tạm bợ có thể bị sập bất cứ lúc nào. Người dân chủ yếu sinh sống bằng làm thuê, làm mướn nên đời sống rất khó khăn.
Những căn nhà này không những gây mất mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường mà vấn đề an toàn của những người đang sống trên các căn nhà này đặt ra cấp thiết.
Nguyễn Thu