Những vụ “tiền mất tật mang” từ sàn Forex dưới góc nhìn chuyên gia pháp lý
Vẫn “chiêu thức” cũ, người chơi nạp tiền vào tài khoản theo lời hứa ngon ngọt của môi giới và sau đó bị “cháy” tài khoản. Forex hay sàn chứng khoán quốc tế đã khiến nhiều người “tiền mất, tật mang” trong thời gian qua.
“Hoa mắt” vì “bánh vẽ”
Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn Phòng Tinh thông luật tại Hà Nội (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, Forex là viết tắt của cụm từ Foreign Exchange, nghĩa là trao đổi tiền tệ quốc tế. Trong đó, thị trường forex hay thị trường ngoại hối là nơi diễn ra các hoạt động trao đổi tiền tệ của các quốc gia thông qua hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng. Hoạt động kinh doanh trao đổi tiền tệ trong thị trường Forex được thực hiện bằng cách mua, bán, trao đổi loại tiền tệ này với loại tiền tệ khác với. Lợi nhuận của giao dịch sẽ tính theo phần chênh lệch giữa việc mua vào, bán ra.
“Tuy nhiên, tại Việt Nam, hiện có khoảng 300 sàn giao dịch ngoại hối trái phép. Nghĩa là các sàn này không được cấp phép tại Việt Nam. Điều này đồng nghĩa với việc, khi xảy ra tranh chấp, khiếu nại hoặc lừa đảo, rất khó cho cơ quan chức năng trong việc xử lý. Vì thế, rất nhiều có quan chức năng đã lên tiếng cảnh báo nhưng nhiều người vì hoa mắt bởi những chiếc bánh vẽ vẫn sập bẫy”, Luật sư Diệp Năng Bình nói.
Cùng quan điểm, nhiều chuyên gia pháp lý cũng nhấn mạnh rằng, tại Việt Nam, hiện nay, pháp luật không cấm các hoạt động đầu tư vào thị trường Forex, nhưng cũng không cho phép bất kỳ đơn vị, tổ chức nào được mở sàn môi giới giao dịch. Các sàn giao dịch được mở tại thị trường Việt Nam là trái pháp luật, nếu khi có rủi ro xảy ra, quyền lợi của các nhà đầu tư không được đảm bảo pháp lý.
“Tiền mất, tật mang”
Liên quan đến các sàn forex, vào giữa tháng 6, các đơn vị nghiệp vụ của TP. Hải Phòng gồm Phòng Cảnh sát hình sự phối hợp với Cục An ninh mạng và PCTP sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an đã phát hiện và đánh sập 16 sàn giao dịch điện tử với hơn 115.726 tài khoản trên sàn, tổng số dư hiện tại của các sàn lên tới hơn 7.505 tỷ đồng và tổng số tiền các nhà đầu tư đã rút là 611 tỷ đồng.
Theo đó, các đối tượng đã thành lập Công ty TNHH một thành Viên ANT Group với hàng trăm nhân viên cũng để che giấu và luân chuyển nguồn tiền. Trong đó, đối tượng cầm đầu là Nguyễn Thế Dương (sinh năm 1996). Một trong những sàn giao dịch ngoại hối được Nguyễn Thế Dương điều hành là Hitoption.net.
Tại tỉnh Hải Dương, cơ quan công an cũng triệt phá nhóm đối tượng do Nguyễn Tuấn Anh, 32 tuổi, trú tại quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội cầm đầu đã lập ra sàn giao dịch chọn quyền nhị phân Binary Option (BO) để kêu gọi hàng nghìn người tham gia. Chỉ từ cuối tháng 12 năm 2021 đến đầu tháng 4 năm nay, nhóm đối tượng đã huy động số tiền của người tham gia lên gần 2.000 tỷ đồng.
Trao đổi với PV, anh T.H.T.V cho biết, ngày 10/6/2021, anh được một người có nick Facebook tên Thanh T. kết bạn và mời chào anh tham gia đầu tư “chứng khoán quốc tế” tại sàn Lite Finance. Người này đảm bảo rủi ro về vốn nên anh V. đã đồng ý tham gia. Sau nhiều lần nạp với tổng số tiền là 7.000 USD vào sàn Lite Finance, không thấy tiền lãi như cam kết mà tài khoản của anh V. đã bị cháy. Bức xúc với sự việc trên, anh đã liên hệ với Facebook Thanh T. và Hotline của sàn Lite Finance nhưng không liên lạc được.
Cùng cảnh ngộ với anh V., chị M.T.T,T chia sẻ, chị được một người tên Trần Q.H. tự xưng là quản lý sàn Lite Finance nhắn tin qua Zalo cho chị. Để tạo lòng tin, Trần Q.H. đã gọi video và đưa thông tin cá nhân của mình (CCCD số: 03609400xxxx, sinh năm 1994, quê quán Nam Định). Ngoài ra, Q.H. còn cho biết, chị T chỉ cần đầu tư tiền, nhân viên sàn Lite Finance sẽ tự giao dịch và chị chỉ rút lãi thôi.
Từ ngày 3/8 đến ngày 20/8/2021, chị Mai Thị Thanh Tuyền nạp 3 lần tiền với tổng số tiền 260.488.880 đồng. Ngày 30/10/2021, Q.H tiếp tục dụ dỗ chị T. nạp thêm tiền để cứu TK nhưng chị không đồng ý. Sau đó, TK của chị T. bị cháy và chị có liên lạc với Trần Q.H qua Zalo thì tài khoản này đã khóa và không còn tồn tại.
Trên Website của sàn Lite Finance thể hiện sàn này có văn phòng đại diện tại một căn chung ở Q.1, TP.HCM và địa chỉ tại phường Cống Vị, quận Ba Đình, Hà Nội. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư cho biết, khi đến đây, lễ tân của 2 tòa nhà này đều khẳng định không có công ty hay sàn nào tên là Lite Finance.
Nhiều người cho biết, người đứng đằng sau sàn chứng khoán này là ông Nguyễn A.T, ngụ tại TP.Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Để xác minh thông tin, PV đã gọi rất nhiều lần vào số điện thoại được cho là của ông T. nhưng người này không nghe máy.
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú khẳng định, hiện nay, cơ quan quản lý chưa cấp phép cho sàn Forex nào, nên các hoạt động giao dịch trên có thể coi là không đúng quy định của pháp luật. Các tổ chức, cá nhân nên giao dịch ngoại tệ tại các TCTD được cấp phép chính thức.
“Nếu các cá nhân đầu tư vào sàn Forex là vô hình trung tiếp tay cho hoạt động vi phạm pháp luật. Do đó, NHNN khuyến cáo người dân không nên tham gia đầu tư. Nếu trường hợp có bị lừa mất vốn cũng không được pháp luật bảo vệ”, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo.
Minh Anh