Những thành công của Australia trong cuộc chiến giảm khí thải
Trong năm 2020, Australia cắt giảm được 459 triệu tấn khí thải CO2 nhờ xu hướng giảm khí thải của ngành điện và các lĩnh vực nông nghiệp. Con số này cao hơn 48 tấn so với cùng kỳ năm trước.
Hoàn thành mục tiêu giảm khí thải của năm 2020
Theo TTXVN đưa tin, ngày 30/11, Bộ trưởng Năng lượng Australia Angus Taylor tuyên bố nước này đã hoàn thành mục tiêu giảm khí thải của năm 2020 và đang trong lộ trình hoàn thành mục tiêu giảm khí thải vào năm 2030 theo Hiệp định Paris về biến đối khí hậu.
Báo cáo Kiểm kê Khí thải gây hiệu ứng nhà kính quốc gia mới nhất của Chính phủ Australia cho thấy lượng khí thải CO2 được cắt giảm trong năm 2020 là 459 triệu tấn. Con số này cao hơn 48 tấn so với cùng kỳ năm trước.
Bộ trưởng Taylor nhận định việc Australia đạt được mục tiêu khí thải của năm 2020 chủ yếu là nhờ xu hướng giảm khí thải của ngành điện và các lĩnh vực thuộc nông nghiệp.
Trong thời gian 12 tháng tính đến hết tháng 6/2020, lượng khí thải trên thị trường điện quốc gia của Australia đã giảm 5,3% xuống mức thấp kỷ lục. Trong khi đó, lượng khí thải từ hoạt động trồng trọt và chăn nuôi giảm 69% trong ba thập kỷ vừa qua, từ mức 300 triệu tấn/năm vào năm 1990 xuống còn khoảng 92 triệu tấn.
Tổng lượng khí thải của Australia trong giai đoạn 2019-2020 là 513,4 triệu tấn, thấp hơn 3% (tương đương 16 triệu tấn) so với giai đoạn 2018-2019 và là mức thấp nhất kể từ năm 1998.
Bộ trưởng Taylor cho biết lượng khí thải hiện nay thấp hơn 25% so với dự báo vào năm 2013. Điều này cho thấy Chính phủ Australia đã thực hiện đúng theo cam kết và lộ trình vạch ra về giảm khí phát thải.
Trở thành cường quốc đầu tư năng lượng tái tạo lớn thứ 3 thế giới
Để có thể hoàn thành mục tiêu giảm khí thải, những năm gần đây Australia cũng đã đẩy mạnh đầu tư cho năng lượng tái tạo. Theo NY Times, cứ bốn hộ gia đình ở Australia thì có một hộ lắp tấm pin năng lượng mặt trời trên mái nhà. Tỉ lệ này cao hơn toàn bộ các nền kinh tế lớn khác và vượt xa mức trung bình toàn cầu, vượt xa Đức, Nhật Bản và bang California (Mỹ) – những nơi được mệnh danh là đi đầu về năng lượng tái tạo. Tại California, bang sử dụng năng lượng mặt trời nhiều nhất nước Mỹ, chưa đến 10% người dân sử dụng pin mặt trời gắn trên mái nhà như Australia.
Australia cũng đã trở thành quốc gia đầu tư cho năng lượng tái tạo lớn thứ 3 thế giới. Cụ thể, trong chỉ số hai năm một lần về 40 thị trường năng lượng tái tạo hàng đầu trên toàn thế giới của Công ty Tư vấn EY, Mỹ giữ vị trí đầu bảng về đầu tư năng lượng tái tạo, tiếp theo là Trung Quốc. Theo EY, Australia đã tăng lên vị trí thứ 3, từ thứ 4 trong bảng xếp hạng cuối cùng vào tháng 5/2020. Theo sau Australia là Ấn Độ, trước đó, nước này xếp vị trí thứ 7 về đầu tư cho năng lượng tái tạo do giá thầu năng lượng mặt trời thấp kỷ lục và mục tiêu mới cho sản xuất năng lượng tái tạo.
Bên cạnh đó, Chính phủ Australia cũng công bố khoản đầu tư 1,9 tỉ AUD nhằm khuyến khích người dân vùng nông thôn chuyển sang sử dụng năng lượng sạch; thúc đẩy các ngành nông nghiệp, chế tạo, công nghiệp và giao thông giảm bớt lượng khí thải nhà kính; và nâng cấp hệ thống kiểm soát lượng khí thải nhà kính quốc gia.
Nền kinh tế không phát thải không phải là nền kinh tế không thải ra khí gây hiệu ứng nhà kính mà là lượng khí thải nhà kính được sản sinh ra phải tương đồng với lượng khí thải nhà kính được loại bỏ khỏi bầu khí quyển. Hiện nay trên thế giới đã có 70 quốc cam kết xây dựng nền kinh tế không phát thải vào năm 2050. Chính phủ liên bang Australia tuy chưa đưa ra cam kết về mục tiêu này song chính quyền tất cả 8 bang và vùng lãnh thổ của nước này đều đã cam kết đặt mục tiêu không phát thải khí nhà kính vào năm 2050.
Hoài Thu