Thứ năm, 25/04/2024 23:29 (GMT+7)
Thứ tư, 06/10/2021 07:50 (GMT+7)

Những mối đe dọa với nguồn nước trên Trái Đất?

Theo dõi KTMT trên

Nước là tài nguyên quan trọng nhất của loài người và các sinh vật trên Trái Đất. Tuy nhiên, tài nguyên nước đang ngày càng bị đe dọa nghiêm trọng, chủ yếu do các hoạt động sản xuất và sinh hoạt của con người.

Con người mỗi ngày cần 250 lít nước cho sinh hoạt, 1.500 lít nước cho hoạt động công nghiệp và 2.000 lít cho hoạt động nông nghiệp. Nước chiếm 99% trọng lượng sinh vật sống trong môi trường nước và 44% trọng lượng cơ thể con người. 

Ngoài chức năng tham gia vào chu trình sống trên, nước còn là chất mang năng lượng (hải triều, thủy năng), chất mang vật liệu và tác nhân điều hòa khí hậu, thực hiện các chu trình tuần hoàn vật chất trong tự nhiên. Có thể nói sự sống của con người và mọi sinh vật trên Trái Đất phụ thuộc vào nước.

Tuy nhiên, nước phân bố không đều trên bề mặt Trái Đất. Lượng mưa ở sa mạc dưới 100 mm/năm, trong khi ở nhiều vùng nhiệt đới (như Ấn Độ) có thể đạt 5.000 mm/năm. Do vậy, trên thế giới có nơi thiếu nước, hạn hán, trong khi đó nhiều vùng lại mưa lụt thường xuyên. Thậm chí, nhiều nước Trung Ðông phải xây dựng nhà máy để cất nước ngọt hoặc mua nước ngọt từ các quốc gia khác. Các nghiên cứu khoa học cho rằng, biến đổi khí hậu do con người gây ra đang làm trầm trọng thêm sự phân bố không đều tài nguyên nước trên Trái Đất.

Những mối đe dọa với nguồn nước trên Trái Đất? - Ảnh 1
Làng bè nuôi cá trên sông La Ngà là nét đặc trưng của huyện Định Quán (tỉnh Đồng Nai). (Ảnh: baodantoc.vn)

Ngoài ra, con người ngày càng khai thác và sử dụng tài nguyên nước nhiều hơn. Theo đó, lượng nước ngầm khai thác trên thế giới trong năm 1990 gấp 30 lần so với năm 1960, dẫn đến nguy cơ suy giảm trữ lượng nước sạch, gây ra các thay đổi lớn về cân bằng nước.

Trong khi đó, nguồn nước lại đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm bởi các hoạt động của con người. Ô nhiễm nước mặt, nước ngầm, nước biển bởi các tác nhân như NO3, P, thuốc trừ sâu và hóa chất, kim loại nặng, các chất hữu cơ, các vi sinh vật gây bệnh…

Do vậy, vấn đề đảm bảo nguồn nước sạch cho dân cư các khu vực trên thế giới đang là nhiệm vụ hàng đầu của các tổ chức môi trường thế giới. Trong khoảng từ năm 1980 - 1990, thế giới đã chi khoảng 300 tỉ USD cho chương trình cung cấp nước sạch, đảm bảo cung cấp cho 79% dân cư đô thị và 41% dân cư nông thôn.

Các tác nhân gây ô nhiễm nước có thể chia ra làm nhiều loại: Kim loại nặng (As, Pb, Cr, Sb, cd, Hg, Mo, Al, Cu, Zn, Fe, Al, Mn...), anion (CN-, F-, NO3, Cl-, SO4), một số hóa chất độc (thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, Dioxin), các sinh vật gây bệnh (vi khuẩn, ký sinh trùng).

Trong đó, kim loại nặng tích lũy theo chuỗi thức ăn trong cơ thể con người khi đạt liều lượng nhất định sẽ gây bệnh. Một số kim loại có khả năng gây ung thư như Cr, Cd, Pb, Ni.

Còn một số anion có độc tính cao điển hình là xyanua (CN-). Cụ thể, ion (F-) khi có nồng độ cao gây độc, nhưng ở nồng độ thấp sẽ gây hỏng men răng. Nitrat (NO-3) có thể chuyển thành (NO-2) kích động bệnh methoglobin và hình thành hợp chất nitrozamen có nguy cơ gây ra các bệnh ung thư. Các ion (Cl-) và (SO2-4) không độc nhưng nồng độ cao gây bệnh ung thư. Còn lại các nhóm hợp chất phenol hoặc ancaloit sẽ gây độc với con người và gia súc.

Những mối đe dọa với nguồn nước trên Trái Đất? - Ảnh 2
Hạn hán ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống nhiều người dân Việt Nam. (Ảnh: Reuters)

Tại Việt Nam, các vấn đề môi trường liên quan với tài nguyên nước chủ yếu là do các tác nhân sau:

Thứ nhất, do tình trạng thiếu nước mùa khô và lũ lụt trong mùa mưa đang xảy ra ở nhiều địa phương với mức độ ngày càng nghiêm trọng. Đặc biệt là tình trạng giảm trữ lượng nước ở các hồ thủy điện lớn (Thác Bà, Trị An, Hòa Bình) hoặc lũ quét ở các tỉnh Sơn La, Tuyên Quang, Nghệ An... Nguyên nhân chủ yếu là do nạn chặt phá rừng.

Thứ hai, tình trạng cạn kiệt nguồn nước ngầm, ô nhiễm nước ngầm, mặn hóa các thấu kính nước ngầm đang xảy ra ở các đô thị lớn và các tỉnh đồng bằng. Nước ngầm ở các khu dân cư tập trung đang bị ô nhiễm bởi nước thải không xử lý. Các thấu kính nước ngầm đồng bằng Nam Bộ đang bị mặn hóa do khai thác quá mức.

Thứ ba, ô nhiễm nước mặt (sông, hồ, đất ngập nước) do các nguồn thải công nghiệp và hóa chất nông nghiệp. Mức độ phú dưỡng các hồ nội địa gia tăng. Một số vùng cửa sông đang bị ô nhiễm dầu, kim loại nặng, thuốc trừ sâu.

Vì vậy, để giải quyết các vấn đề môi trường trên cần phải có kế hoạch nghiên cứu tổng thể và quy hoạch sử dụng tài nguyên nước một cách hợp lý. Trong đó, cần quan tâm đúng mức các vấn đề xử lý nước thải, quy hoạch các công trình thủy điện, thủy nông một cách hợp lý, bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng.

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Những mối đe dọa với nguồn nước trên Trái Đất?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Hiến giọt máu đào, trao đời sự sống
Đây là chủ đề của chương trình hiến máu tình nguyện, được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tổ chức ngày 24/4.