Chủ nhật, 10/11/2024 22:44 (GMT+7)
Thứ hai, 16/08/2021 06:02 (GMT+7)

Những mốc son ‘vàng’ của VIASEE & Tạp chí Kinh tế Môi trường

Theo dõi KTMT trên

Sự ra đời của TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (VIASEE) và Tạp chí Kinh tế Môi trường phù hợp với chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước về đổi mới thể chế kinh tế từ kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Những mốc son ‘vàng’ của VIASEE & Tạp chí Kinh tế Môi trường - Ảnh 1
Những mốc son ‘vàng’ của VIASEE & Tạp chí Kinh tế Môi trường - Ảnh 2

TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (VIASEE) được thành lập theo quyết định số 110/2005/QĐ-BNV của Bộ trưởng Bộ Nội vụ ngày 28/10/2005, phù hợp với chủ trương của Đảng và Chính sách pháp luật của Nhà nước về đổi mới thể chế kinh tế từ kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường định hướng XHCN. 

Sau khi thành lập và đi vào hoạt động được một năm hiệu quả, để truyền tải những kiến thức về kinh tế môi trường phù hợp với vận hành của thể chế kinh tế thị trường, nhất là việc phổ biến chính sách về kinh tế môi trường, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin đã cấp phép hoạt động báo chí của “Tạp chí Kinh tế Môi trường” số 107/GP-BVHTT ngày 10/7/2006, tiếp đó Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp Mã số chuẩn quốc tế (ISSN – International Standard Serial Number) cho Tạp chí với ký hiệu và số ISSN: 1859-1906. 

Kể từ khi được cấp phép đến nay, sau 20 năm đi vào hoạt động, VIASEE và Tạp chí đã có nhiều đóng góp lớn cho xã hội về lĩnh vực chuyên ngành kinh tế môi trường.

Những mốc son ‘vàng’ của VIASEE & Tạp chí Kinh tế Môi trường - Ảnh 3

Sau khi đất nước đổi mới thể chế kinh tế từ kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường định hướng XHCN được mười năm, vào những năm đầu thập niên 2000 nảy sinh nhiều vấn đề môi trường như suy giảm diện tích rừng ngập mặn để nuôi tôm, khai thác rừng nguyên sinh xuất khẩu, xuất hiện ô nhiễm dòng sông như vụ xả thải trực tiếp ra sông Thị Vải của Công ty Bột ngọt Vedan, ô nhiễm không khí do lò xi măng đứng… Những hiện tượng này đã gây ra bức xúc cho xã hội, mặc dù năm 1994 đã có Luật Bảo vệ môi trường (Luật BVMT) nhưng hiệu lực và hiệu quả chưa đạt như mong muốn. Trong bối cảnh đó, năm 1998 Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị 36/1998/CT-TW ngày 25/6/1998 về “Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. 

Trong Chỉ thị 36 đáng chú ý có giải pháp thứ hai nêu rõ “Hoàn chỉnh hệ thống văn bản pháp luật bảo vệ môi trường, ban hành các chính sách về phát triển kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường, nghiêm chỉnh thi hành Luật Bảo vệ môi trường; Rà soát và ban hành đồng bộ các văn bản dưới luật, bảo đảm nâng cao hiệu lực của luật; Ban hành các chính sách về thuế, tín dụng nhằm khuyến khích áp dụng các công nghệ sạch; Thể chế hóa việc đóng góp chi phí bảo vệ môi trường; Thể chế hóa việc phối hợp giải quyết các vấn đề phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường: Trong các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội phải có các chỉ tiêu, biện pháp bảo vệ môi trường. Tính toán hiệu quả kinh tế, so sánh các phương án phải tính toán cả chi phí về bảo vệ môi trường”. Như vậy Chỉ thị đã đưa những nội dung rất quan trọng liên quan đến Kinh tế môi trường cần phải được thể chế hóa trong các chính sách và luật pháp cho phát triển kinh tế. 

Những mốc son ‘vàng’ của VIASEE & Tạp chí Kinh tế Môi trường - Ảnh 4
Hội thảo “Kinh tế môi trường trong tầm nhìn thời đại hướng đến nền kinh tế xanh” vào năm 2015.

Đến năm 2004, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 41/NQ-TW về “Bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” ngày 15/11/2004, đáng chú ý, trong Nghị quyết này có nội dung giải pháp thứ tư về “áp dụng các biện pháp kinh tế trong bảo vệ môi trường” trong đó chỉ rõ “Thực hiện nguyên tắc người gây thiệt hại đối với môi trường phải khắc phục, bồi thường. Từng bước thực hiện việc thu phí, ký quỹ bảo vệ môi trường, buộc bồi thường thiệt hại về môi trường; áp dụng các chính sách, cơ chế hỗ trợ về vốn, khuyến khích về thuế, trợ giá đối với hoạt động bảo vệ môi trường; Khuyến khích áp dụng các cơ chế chuyển nhượng, trao đổi quyền phát thải và trách nhiệm xử lý chất thải phù hợp với cơ chế thị trường”. 

Như vậy Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị đã đưa nội dung quan trọng thành nội dung chính đó là áp dụng biện pháp kinh tế để bảo vệ môi trường, chủ trương này đã cho thấy Đảng ta đã nhìn nhận vấn đề rất đúng. Từ chủ trương của Đảng, đến năm 2005 Luật BVMT đã ban hành, sửa đổi, bổ sung Luật BVMT 1994 tại Luật số 52/2005/QH11 của Quốc hội khóa XI kỳ họp thứ 8 thông qua, đặc biệt trong Luật BVMT 2005 lần đầu tiên đưa vào các công cụ kinh tế (công cụ thị trường) từ điều 112-117 về thuế MT, phí BVMT, ký quỹ phục hồi MT, quỹ BVMT và chính sách ưu đãi, hỗ trợ BVMT. Sự ra đời của Luật BVMT 2005 đã thể chế hóa chủ trương của Đảng đã ban hành tại Nghị quyết 41. 

Trong bối cảnh đó, việc thực hiện chủ trương của Đảng và Luật BVMT 2005 là hết sức quan trọng, với sự hỗ trợ của Chương trình Kinh tế và Môi trường Đông Nam Á (EEPSA); sự phối hợp của Cục Môi trường thuộc Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường; sự tham gia tích cực của lãnh đạo và giảng viên Khoa Kinh tế - Quản lý tài nguyên, môi trường và đô thị, Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU); mạng lưới thành viên đã được đào tạo về kinh tế môi trường của EEPSEA; Các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu ở các trường đại học, viện nghiên cứu trong cả nước liên quan đến kinh tế và môi trường là những nòng cốt thành lập TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (Vietnam Association for Environmental Economics - VIASEE) chịu sự quản lý của Bộ TN&MT với mục đích, tôn chỉ “là tổ chức xã hội – nghề nghiệp của công dân, tổ chức Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực kinh tế môi trường phục vụ mục tiêu phát triển bền vững trên lãnh thổ Việt Nam, tự nguyện tham gia Hội, nhằm mục đích hợp tác, liên kết, hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau trong việc phát triển nghề nghiệp, nâng cao kiến thức và kinh nghiệm, tham gia các chương trình nghiên cứu, phổ biến khoa học công nghệ mới, phương pháp quản lý tiên tiến, ứng dụng trong xây dựng, quản lý về bảo vệ môi trường ở Việt Nam”. 

VIASEE có lĩnh vực và phạm vi hoạt động “ (i) Áp dụng các công cụ kinh tế trong lĩnh vực BVMT; (ii) Trao đổi các thông tin khoa học – công nghệ, sản xuất – kinh doanh trong và ngoài nước về lĩnh vực kinh tế môi trường; (iii) Tham gia tư vấn, phản biện và thẩm định về quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, cơ chế, chính sách phát triển của Việt Nam về lĩnh vực kinh tế môi trường cho các cơ quan quản lý Nhà nước khi có yêu cầu”.   

Những mốc son ‘vàng’ của VIASEE & Tạp chí Kinh tế Môi trường - Ảnh 5
Những mốc son ‘vàng’ của VIASEE & Tạp chí Kinh tế Môi trường - Ảnh 6

Sau khi thành lập VIASEE, với sự tham gia tích cực của các Hội viên, trong bối cảnh cần phổ biến rộng rãi những kiến thức và chính sách kinh tế môi trường theo chủ trương của Đảng cũng như triển khai thực hiện Luật BVMT 2005, những nội dung về công cụ kinh tế cho BVMT đối với người dân, doanh nghiệp và lãnh đạo cùng với quá trình tăng trưởng kinh tế và hội nhập quốc tế của Việt Nam ngày càng sâu rộng. Mặt khác, mạng lưới thành viên được đào tạo về kinh tế môi trường của EEPSEA có nhiều nghiên cứu về kinh tế môi trường cần được tóm tắt phổ biến cho các nhà hoạch định chính sách và quản lý tham khảo. 

Những mốc son ‘vàng’ của VIASEE & Tạp chí Kinh tế Môi trường - Ảnh 7
Tạp chí Kinh tế Môi trường hiện nay đã xuất bản 4 kỳ/tháng được bạn đọc quan tâm.

Hơn nữa, để khẳng định những hoạt động của VIASEE, phổ biến rộng rãi trong cả nước, cung cấp thông tin, phổ biến kinh nghiệm hay, công việc tư vấn, phản biện xã hội về kinh tế môi trường, sự ra đời Tạp chí Kinh tế Môi trường là cần thiết, chính vì vậy Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin đã cấp phép hoạt động báo chí của “Tạp chí Kinh tế Môi trường” số 107/GP-BVHTT ngày 10/7/2006 với tôn chỉ, mục đích hoạt động của tạp chí là “(i) Tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước lĩnh vực kinh tế môi trường Việt Nam, (ii) Là diễn đàn các nhà khoa học, nhà quản lý về lĩnh vực kinh tế môi trường nhằm phục vụ mục tiêu phát triển bền vững trên lãnh thổ Việt Nam, (iii) Giới thiệu những điển hình tiên tiến trong hoạt động thực tiễn về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững”. 

Sự ra đời của Tạp chí KTMT đã tăng cường thêm hoạt động của VIASEE trong và ngoài nước, những số ra đầu tiên được sự hỗ trợ tích cực của EEPSEA nhằm quảng bá, đăng bài những nghiên cứu về kinh tế môi trường trong và ngoài nước do EEPSEA tài trợ, mang lại hiệu quả rất lớn đối với tăng cường năng lực trong đào tạo, giảng dạy và nghiên cứu, hoạch định chính sách về kinh tế môi trường ở Việt Nam vào thời điểm thập niên 2000. 

Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường ra đời

Ngày 29/06/2021, Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường tại địa chỉ www.kinhtemoitruong.vn chính thức ra mắt bạn đọc theo Giấy phép xuất bản số 400/GPXB-BTTTT. Sự kiện đặc biệt này đánh dấu một bước phát triển quan trọng đối với Tạp chí Kinh tế Môi trường nói riêng, VIASEE nói chung.

Những mốc son ‘vàng’ của VIASEE & Tạp chí Kinh tế Môi trường - Ảnh 8

Phát huy những thành quả đạt được sau 20 năm thành lập và phát triển, VIASEE và Tạp chí KTMT đã khẳng định vị thế của mình trong xã hội, với mục đích, tôn chỉ và phạm vi hoạt động đã được khẳng định, để tiếp tục phát triển trong những năm tiếp theo, một số định hướng sau cần triển khai.

Thứ nhất, đối với cơ cấu tổ chức của Hội đã cơ bản ổn định, cần tăng cường vai trò của văn phòng VIASEE trong việc đảm đương các nhiệm vụ liên quan đến Hội viên, là cầu nối quan trọng giữa lãnh đạo Hội, BCH Hội với các Hội viên để tạo nên sức mạnh và khối đoàn kết thống nhất thực hiện những nhiệm vụ triển khai của Hội.

Thứ hai, đối với công tác chuyên môn, VIASEE cần rà soát đánh giá các nội dung công việc đã triển khai và tính hiệu quả đối với các đơn vị trực thuộc để có chỉ đạo tiếp theo phù hợp với tình hình nhiệm vụ và bối cảnh mới.

Thứ ba, VIASEE là tổ chức trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), do vậy cần có sự gắn bó chặt chẽ với VUSTA trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và thực hiện các nhiệm vụ chính trị khác do VUSTA giao, cùng với đó là sự kết nối với các hội nghề nghiệp khác liên quan đến KTMT.

Thứ tư, VIASEE chịu sự quản lý của Bộ TN&MT, do vậy cần tăng cường hơn nữa xin ý kiến chỉ đạo và giao việc của Bộ TN&MT để tư vấn, phản biện, thực thi nhiệm vụ theo yêu cầu đặt hàng của Bộ TN&MT liên quan đến Kinh tế môi trường.

Thứ năm, mặc dù dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, việc mở rộng hợp tác quốc tế gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên, VIASEE vẫn phải khắc phục để tăng cường hợp tác quốc tế thông qua trao đổi trực tuyến để chia sẻ thông tin, cập nhật những kiến thức mới và tìm cơ hội hợp tác về KTMT, đặc biệt là đối với EEPSEA.

Thứ sáu, Tạp chí KTMT đã khẳng định được vị trí của mình, cần phát huy hơn nữa trong việc tập hợp đội ngũ cộng tác viên, sự đồng hành của các doanh nghiệp và người dân, phát huy mạnh mẽ hơn nữa trang điện tử VNGreen để chuyển tải kiến thức kinh tế môi trường, kinh tế xanh, kinh tế carbon thấp và kinh tế tuần hoàn đến các nhà lãnh đạo các cấp, người dân và doanh nghiệp.

PGS.TS Nguyễn Thế Chinh

Phó Chủ tịch VIASEE, Viện trưởng EEPI

Bạn đang đọc bài viết Những mốc son ‘vàng’ của VIASEE & Tạp chí Kinh tế Môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới