VIASEE: Một tổ chức tiên phong trong lĩnh vực bảo vệ môi trường
Nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Tạp chí Kinh tế Môi trường có cuộc trò chuyện với TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
Trải qua 38 năm xây dựng và phát triển, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam – VUSTA) đã khẳng định được vai trò, vị thế của một tổ chức chính trị - xã hội của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam, có hệ thống từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Là tổ chức xã hội - nghề nghiệp trực thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam, từ khi thành lập đến nay, TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (VIASEE) không ngừng nỗ lực, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, trở thành đơn vị tiên phong trong lĩnh vực bảo vệ môi trường với nhiều hoạt động tích cực, mang lại hiệu quả thiết thực trong cộng đồng.
Trước thềm lễ kỷ niệm 20 năm ngày thành lập VIASEE, TSKH Phan Xuân Dũng đánh giá cao những đóng góp của TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam – đơn vị thành viên của VUSTA. Đặc biệt là các hoạt động nhằm xây dựng nền kinh tế xanh, hướng tới phát triển bền vững theo chỉ đạo của Chính phủ.
Thưa ông, với bề dày hoạt động 20 năm qua, ông đánh giá như thế nào về vai trò và đóng góp của VIASEE, là tổ chức thành viên của VUSTA?
Sau 38 năm hình thành và phát triển, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam – nơi tập hợp đội ngũ tri thức giàu lòng yêu nước, năng động sáng tạo đã thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, đáp ứng tốt yêu cầu mới của Cách mạng Việt Nam, đưa đất nước ngày càng phát triển thịnh vượng. Từ khi thành lập cho đến nay, Liên hiệp Hội Việt Nam luôn là lực lượng nòng cốt trong tư vấn, phản biện và giám định xã hội trong các lĩnh vực về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, chương trình chăm sóc sức khỏe, chính sách người có công…
Vì lẽ đó mà hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, điều tra cơ bản, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững luôn được Liên hiệp Hội Việt Nam quan tâm, triển khai theo nhiều hình thức khác nhau. Mặc dù, kinh phí ngân sách Nhà nước dành cho hoạt động nghiên cứu khoa học, triển khai các dự án bảo vệ môi trường của Liên hiệp Hội Việt Nam không nhiều, nhưng đã huy động, tập hợp được lực lượng lớn các nhà khoa học từ các Hội ngành toàn quốc, các Liên hiệp Hội tỉnh/thành phố,… tham gia thực hiện.
Đối với nhiệm vụ trọng tâm này, chúng tôi đánh giá cao vai trò và đóng góp của TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam.
Sau hơn 20 năm đi vào hoạt động, TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam không ngừng lớn mạnh, phát triển nhanh về số lượng hội viên, có nhiều đóng góp lớn trong công tác phản biện tư vấn, giám định xã hội, những vấn đề đi theo hơi thở của cuộc sống.
Trong đó, thể hiện rõ nét nhất là các hoạt động nhằm xây dựng nền kinh tế xanh, hướng tới phát triển bền vững theo chỉ đạo của Chính phủ.
Mới đây, VIASEE đã tổ chức thành công Đại hội lần thứ V (nhiệm kỳ 2020 - 2025). Theo đó, nhân sự có sự thay đổi theo hướng giữ lại và phát huy vai trò lãnh đạo của hạt nhân nòng cốt, đồng thời bầu thêm những nhân sự trẻ, hội tụ đầy đủ năng lực, phẩm chất, bản lĩnh chính trị tham gia vào hoạt động của TW Hội. Ông kỳ vọng điều gì vào sự thay đổi này của VIASEE?
“Tre già măng mọc”, đó là tất yếu của cuộc sống. Tuy nhiên, TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam áp dụng rất linh hoạt. Theo tôi được biết, vị trí chủ chốt vẫn do lớp lãnh đạo giàu kinh nghiệm, kinh qua nhiều vị trí đảm nhiệm như PGS.TS Trương Mạnh Tiến, PGS.TS Lưu Đức Hải, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh… đảm bảo hoàn thành tốt các nhiệm vụ trọng tâm.
Việc TW Hội Kinh tế Môi trường có thêm những nhân sự mới, thuộc thế hệ 7X, 8X có thể nói là trẻ, nhưng nhìn rộng ra, đó là độ tuổi đã bắt đầu độ chín, đủ tầm nhìn, đảm đương được vị trí quan trọng. Đây cũng chính là nguồn bổ sung cán bộ cấp chiến lược đầy triển vọng trong tương lai.
Quy tụ nhân tài là việc làm rất đáng hoan nghênh, mở ra những cơ hội phát triển mạnh mẽ nhờ sức trẻ có sự mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, đổi mới và sáng tạo. Tuy nhiên, tôi cho rằng đây cũng là thách thức không nhỏ đối với các nhân sự mới nói riêng và hoạt động của TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam nói chung.
Tôi mong rằng, lớp cán bộ trẻ sẽ tiếp tục bồi dưỡng, phấn đấu nâng cao năng lực, trình độ, giữ vững bản lĩnh chính trị, học tập lớp lãnh đạo kề cận, năng động, xông xáo, quyết liệt trong xử lý công việc để TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam ngày càng phát triển hơn nữa, đóng góp lớn cho công cuộc xây dựng kinh tế bền vững của Việt Nam.
Theo ông, trong nhiệm kỳ mới, VIASEE cần làm những gì để có thể hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, góp phần vào sự nghiệp phát triển bền vững của đất nước?
Trong các nhiệm kỳ trước, VIASEE đều làm tốt các nhiệm vụ mà Liên hiệp Hội Việt Nam coi là nhiệm vụ trọng tâm, đó là công tác phản biện, tư vấn, giám định xã hội. Trong nhiệm kỳ mới, tôi mong rằng, TW Hội Kinh tế Môi trường tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được từ nhiệm kỳ trước, tổ chức các diễn đàn khoa học, tập hợp được đông đảo đội ngũ trí thức, các nhà khoa học có tên tuổi đến các nhà quản lý tham gia góp ý, phản biện. Nâng cao năng lực tư vấn, phản biện, tổ chức các hội nghị chuyên đề về cơ chế hợp tác đa phương…
Để làm được điều này, VIASEE cần cố gắng hơn nữa để phát huy, tập hợp đội ngũ trí thức, hội viên là các nhà khoa học và mở rộng thành phần hội viên bao gồm cả các doanh nghiệp, doanh nhân quan tâm đến lĩnh vực môi trường nhằm phát huy sức mạnh của toàn xã hội vào công cuộc xây dựng nền kinh tế xanh quốc gia dựa trên các trụ cột kinh tế - môi trường - xã hội. Đẩy mạnh hợp tác với các hội nghề nghiệp khác, thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tham gia nhiều hơn vào các hoạt động.
Nội dung hoạt động của TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam và các cơ quan trực thuộc cần bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tăng cường phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, tuyệt đối tuân thủ chỉ đạo từ VUSTA, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nội vụ...
Trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0) phát triển vũ bão, khoa học và công nghệ, kỹ thuật giữ yếu tố then chốt, VIASEE cần chú trọng khai thác sức mạnh từ khoa học, công nghệ, kỹ thuật. Tăng cường tập huấn chuyên môn cho các nhân sự chủ chốt, áp dụng khoa học kỹ thuật vào hoạt động của TW Hội.
Có thể thấy, việc tập hợp được đông đảo các hội viên từ Trung ương đến địa phương đã góp phần tạo nên thành công chung của VUSTA. Vậy, để phát huy sức mạnh từ đội ngũ trí thức của đất nước, VUSTA đã có sự gắn kết như thế nào với các hội viên nói chung và VIASEE nói riêng?
Có thể khẳng định 38 năm qua là chặng đường rất vẻ vang của đội ngũ trí thức Việt Nam, VUSTA ngày càng lớn mạnh là nhờ tập hợp được đông đảo các hội viên từ Trung ương cho đến địa phương. Chúng tôi đánh giá cao chất lượng, sự đóng góp của các của hội viên và luôn chú trọng công tác chính trị - tư tưởng; Bồi dưỡng, giáo dục lòng yêu nước và tính tự tôn dân tộc, tinh thần vì cộng đồng, tính trung thực trong khoa học và đạo đức nghề nghiệp cho các hội viên.
Để từ đó, lực lượng này trở thành nòng cốt trong công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội, góp phần quan trọng trong xây dựng chủ trương, chính sách phát triển đất nước và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, trong dự thảo các văn kiện của Đảng, pháp luật Quốc hội và chính sách của Nhà nước; Tham mưu cho Đảng và Nhà nước những vấn đề lớn, đặc biệt là các vấn đề về khoa học - công nghệ, chính sách với đội ngũ trí thức.
Chính vì lẽ đó, VUSTA và các đơn vị hội viên trong suốt thời gian hoạt động luôn có sự gắn kết chặt chẽ trong công tác chuyên môn và nhiều nội dung khác nhằm xây dựng khối sức mạnh đoàn kết từ đội ngũ trí thức, các nhà khoa học, góp phần xây dựng đất nước.
Những năm qua, tất cả hoạt động của VUSTA đều được thông tin nhanh chóng đến các hội viên và nhận được phản hồi, sự ủng hộ nhiệt tình từ toàn thể hội viên. Trong đó, VIASEE là một trong nhiều đơn vị tích cực, xông xáo đối với mọi hoạt động của Liên hiệp Hội Việt Nam.
Định hướng trong thời gian tới đây, VUSTA đặt nhiều kỳ vọng vào sự kết nối, chung tay của các hội viên để tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của Liên hiệp Hội Việt Nam. Đối với TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, chúng tôi mong rằng sự hợp tác toàn diện, chặt chẽ trong tương lai gần sẽ giúp các đồng chí làm tốt hơn nữa, trở thành đơn vị tiên phong của VUSTA trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, đem lại hiệu quả thiết thực trong cộng đồng.
Thưa ông, những bước tiến trong hoạt động của VIASEE thời gian qua đều gắn liền với vai trò của công tác truyền thông. Trong nhiệm kỳ mới, ông có lưu ý gì đối với hoạt động của Tạp chí Kinh tế Môi trường – Cơ quan ngôn luận của TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam?
Thời gian qua, tôi rất hoan nghênh sự phát triển ổn định và không ngừng nâng cao chất lượng của Tạp chí Kinh tế Môi trường. Trong điều kiện khó khăn chung của nền báo chí hiện nay, khi vừa thực hiện quy hoạch phát triển và quản lý báo chí, vừa phải “chung sống” an toàn với dịch bệnh Covid-19, nhưng Tạp chí đã từng bước đổi mới và là một trong những Tạp chí được đánh giá cao trong hơn 100 cơ quan báo chí thuộc hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam.
Những thành công ngày hôm nay đã khẳng định sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của tập thể lãnh đạo, cán bộ, phóng viên, BTV của Tạp chí. Chắc chắn, trong thời gian tới, Tạp chí Kinh tế Môi trường sẽ phát triển hơn nữa, góp phần xây dựng TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam và Liên hiệp Hội Việt Nam ngày càng lớn mạnh.
Để làm tốt nhiệm vụ chuyên môn, đóng góp vào sự phát triển chung, trong nhiệm kỳ mới, Tạp chí Kinh tế Môi trường cần cố gắng để tạo được dấu ấn trong lĩnh vực kinh tế môi trường thông qua chất lượng thông tin, xây dựng những tuyến bài chuyên biệt, độc quyền cung cấp thông tin hữu ích cho độc giả, góp tiếng nói để cơ quan quản lý Nhà nước nắm bắt tình hình và có sự điều chỉnh phù hợp trong công tác quản lý.
Từ việc nâng cao chất lượng nội dung, Tạp chí có thể tiến tới thu phí người đọc như một số cơ quan báo chí đã và đang thực hiện. Một mặt tạo nên thương hiệu, uy tín của tòa soạn, mặt khác nâng cao chất lượng, chế độ đãi ngộ cho cán bộ, nhân viên của Tạp chí trong bối cảnh nguồn thu báo chí ngày càng hạn hẹp.
Định hướng xin cấp phép và ra mắt Tạp chí Điện tử cùng sự ra đời của VNGreen - Mạng xã hội vì môi trường đầu tiên đã cho thấy sự quyết tâm thay đổi của Tạp chí Kinh tế Môi trường. Chúng tôi vui mừng và thực sự kỳ vọng vào những đột phá tiếp theo của TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam và cơ quan ngôn luận của TW Hội.
Trân trọng cảm ơn ông!
Thực hiện: CẨM ANH
Thiết kế: Hoàng Việt