Những dấu mốc quan trọng về chống biến đổi khí hậu trong tuần họp đầu tiên COP 28
Vừa qua, Hội nghị COP28 đã kết thúc tuần họp đầu tiên với nhiều tín hiệu tích cực về hành động chống biến đổi khí hậu. Một số kết quả đạt được có thể kể tới như cam kết làm mát toàn cầu, khởi động nền tảng tài chính xanh, Quỹ Tổn thất và thiệt hại,...
Khởi động nền tảng tài chính xanh
Ngày 5/12, nền tảng "Liên minh nâng cao năng lực đầu tư bền vững" do Viện Tài chính và Bền vững (IFS) trụ sở ở Bắc Kinh (Trung Quốc) khởi xướng chính thức được ra mắt. Với 20 thành viên sáng lập, nền tảng hướng tới đào tạo và huấn luyện 100.000 chuyên gia cho các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển.
Hoạt động ý nghĩa này dự kiến bắt đầu hoạt động từ năm 2024. Và khởi đầu với các sự kiện trực tiếp sẽ diễn ra ở châu Á, châu Phi, Trung Đông và Mỹ Latinh.
Mục tiêu của cơ chế hợp tác này là đào tạo và huấn luyện 100.000 chuyên gia cho các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển (EMDE) vào năm 2030.
Cam kết làm mát bền vững
63 quốc gia đã tham gia vào cam kết nhằm cắt giảm mạnh lượng khí thải liên quan đến việc làm mát. Đây được coi là nỗ lực chung nhất của thế giới nhằm giảm khí thải từ việc làm mát của người khiến trái đất nóng lên như điều hòa, làm lạnh thực phẩm, thuốc men.
Cụ thể các quốc gia tuyên bố giảm ít nhất 68% lượng khí thải liên quan đến làm mát vào năm 2050 so với mức năm 2022. Ngoài ra còn có mục tiêu thiết lập các tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng tối thiểu vào năm 2030.
Nhu cầu làm mát bằng điều hòa với lượng khí thải làm mát dự kiến sẽ đạt tương đương từ 4,4 tỷ đến 6,1 tỷ tấn carbon vào năm 2050 đã làm cuộc khủng hoảng khí hậu ngày một trầm trọng.
Đáng chú chú, Ấn Độ quốc gia dự báo có nhu cầu làm mát tăng cao nhất trong các thập kỷ tới vẫn chưa tham gia tính tới ngày công bố.
Lý giải cho điều này, lãnh đạo Ấn Độ cho hay quốc gia mình vẫn chưa sẵn sàng để thực hiện các mục tiêu cao hơn Nghị định thư Montreal 1992 về việc hạn chế phát thải trong làm mát.
Đồng ý tăng gấp 3 sản lượng năng lượng tái tạo
Trong khuôn khổ của COP28, đã có hơn 110 quốc gia tán thành thông qua mục tiêu tăng gấp 3 sản lượng năng lượng tái tạo và tăng gấp đôi hiệu quả sử dụng năng lượng trên toàn thế giới vào năm 2030.
Liên minh châu Âu (EU) lần đầu tiên kêu gọi cộng đồng quốc tế và các nước thông qua mục tiêu này vào hồi đầu năm nay. Sau đó Liên minh Châu Mỹ, chủ nhà COP28 và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) và Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và đang nổi hàng đầu thế giới (G20) đều lên tiếng ủng hộ cao kết. Theo đó tăng sản lượng năng lượng tái tạo nhằm giảm lượng khí thải.
Việc đưa thỏa thuận này vào quyết định cuối cùng của COP28 đòi hỏi sự đồng thuận của gần 200 quốc gia có mặt.
Đặc biệt, lần này Trung Quốc và Ấn Độ đã phát tín hiệu ủng hộ việc tăng gấp 3 lần năng lượng tái tạo toàn cầu vào năm 2030, tuy nhiên cả hai đều chưa chính thức xác nhận.
Khởi động quỹ bồi thường tổn thất
Trong ngày đầu tiên COP28 đã chính thức thông qua quỹ bồi thường giúp các quốc gia nghèo đối phó với các thảm họa thiên tai. Quyết định này được cho là cơ chế mới giúp chính phủ các nước đóng góp cho nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Quỹ sẽ tạm thời được đặt tại Ngân hàng Thế giới (WB).
Nhiều quốc gia và tổ chức đã cam kết sẽ đóng góp vào quỹ. Chủ nhà COP28 là Các Tiểu vương quốc Ả Rập cam kết 100 triệu USD, Anh sẽ góp 40 triệu USD, Mỹ sẽ góp 17,5 triệu USD và Nhật Bản 10 triệu USD. Đặc biệt Liên minh châu Âu (EU) cam kết 245,39 triệu USD, trong đó có 100 triệu USD từ Đức.
Các quốc gia đang sẵn sàng tham gia vào các cuộc đàm phán kéo dài về việc có nên đồng ý loại bỏ dần việc sử dụng than, dầu và khí đốt phát thải CO2 - nguồn phát thải chính gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu hay không.
Nhật Hạ