Thứ sáu, 22/11/2024 18:26 (GMT+7)
Thứ bảy, 02/10/2021 09:45 (GMT+7)

Nhiều triển vọng cho cà phê Việt Nam ở thị trường Bắc Âu

Theo dõi KTMT trên

Theo phân tích của Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), mặt hàng cà phê nhân chưa rang, chưa khử caffein của Việt Nam vẫn còn dư địa để khai thác tại các nước Bắc Âu.

Xuất khẩu cà phê sang thị trường Bắc Âu đối mặt nhiều thách thức

Theo Bộ Công Thương, cà phê Robusta chiếm khoảng 95% cà phê xuất khẩu từ Việt Nam, sản xuất tập trung mạnh vào việc tạo ra khối lượng lớn cà phê chất lượng tiêu chuẩn, hầu hết hướng đến thị trường cà phê hòa tan.

Các công ty lớn về cà phê, chẳng hạn như Nestlé, sở hữu nhiều nhà máy tại Việt Nam - nơi sản xuất thương hiệu cà phê hòa tan Nescafé. Tuy nhiên, các nước Bắc Âu đều hướng tới cà phê chất lượng cao, nên nhập khẩu chủ yếu cà phê Arabica, trong khi đó nhập khẩu cà phê Robusta với số lượng thấp. Đây chính là nguyên nhân cà phê Việt Nam chưa hiện diện nhiều tại thị trường khu vực này.

Nhiều triển vọng cho cà phê Việt Nam ở thị trường Bắc Âu - Ảnh 1
Nhiều cơ hội mở ra đối với cà phê Việt Nam tại thị trường Bắc Âu. (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với ngành cà phê, trong khi các phương thức canh tác gây suy thoái môi trường cũng là vấn đề được quan tâm. Cà phê bền vững chỉ chiếm khoảng 9% xuất khẩu cà phê của Việt Nam, trong khi thị trường Bắc Âu rất quan tâm đến vấn đề sản xuất bền vững.

Ngoài ra, các doanh nghiệp Bắc Âu khi đã nhập khẩu quen và tin tưởng bạn hàng sẽ rất khó thay đổi. Đây chính là một trong những thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam.

Một thách thức nữa là thị trường Bắc Âu có đặc điểm địa lý xa xôi, dân số ít, đơn hàng nhỏ, nhưng đòi hỏi tiêu chuẩn khắt khe nhất trong các nước châu Âu cũng làm cho doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam không mấy mặn mà.

Cà phê Việt Nam vẫn còn dư địa để khai thác tại Bắc Âu 

Theo Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, các nước Bắc Âu là các nước có văn hóa cà phê và tiêu thụ cà phê tính trên đầu người cao nhất thế giới. Người tiêu dùng Bắc Âu có xu hướng khám phá các loại cà phê mới có chất lượng cao nên đây là cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê của Việt Nam.

Trong khi thị trường cà phê truyền thống đã tương đối bão hòa thì thị trường cà phê đặc sản và cà phê hữu cơ vẫn đang tiếp tục tăng trưởng và còn nhiều cơ hội.

Đặc biệt, Hiệp định Thương mại Tự do giữa EU và Việt Nam có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, trong đó thuế đối với cà phê nhân, mặt hàng chủ lực của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này bằng 0%, giúp cho cà phê Việt Nam có giá cạnh tranh hơn trước đây.

Nhiều triển vọng cho cà phê Việt Nam ở thị trường Bắc Âu - Ảnh 2
Cà phê nhân chưa rang, chưa khử caffein của Việt Nam vẫn còn dư địa để khai thác tại thị trường Bắc Âu. (Ảnh minh họa)

Theo EVFTA, 39 sản phẩm của Việt Nam được EU công nhận và bảo hộ chỉ dẫn địa lý, trong đó có cà phê Buôn Mê Thuột. Ngoài việc phát triển thị trường cà phê truyền thống, doanh nghiệp có thể cân nhắc phát triển thương hiệu cà phê đặc sản tại khu vực này.

Mặc dù các nước Bắc Âu nhập khẩu chủ yếu cà phê Arabica, nhưng theo phân tích của Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), mặt hàng cà phê nhân chưa rang, chưa khử caffein của Việt Nam vẫn còn dư địa để khai thác tại thị trường này.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tính chung 8 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 1,08 triệu tấn, trị giá trên 2 tỉ USD, giảm 4,4% về lượng, nhưng tăng 2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, tháng 8/2021, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt 2.012 USD/tấn – mức cao nhất kể từ tháng 11/2018, tăng 4,7% so với tháng 7/2021 và tăng 9,4% so với tháng 8/2020.

Nguyễn Luận

Bạn đang đọc bài viết Nhiều triển vọng cho cà phê Việt Nam ở thị trường Bắc Âu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới