Các nhà máy ở châu Á bị đình trệ hoạt động do ảnh hưởng nguồn cung
Hoạt động sản xuất của châu Á mờ nhạt trong tháng 9 do các dấu hiệu tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc và các nhà máy ngừng hoạt động do đại dịch Covid-19 gây ra, đã đè nặng lên các nền kinh tế của khu vực.
Theo Reuters, hoạt động của nhà máy trong tháng 9 đã giảm ở Malaysia và Việt Nam, đồng thời tăng trưởng ở Nhật Bản với tốc độ chậm nhất trong 7 tháng. Tình trạng thiếu chip và gián đoạn nguồn cung đã làm tăng thêm khủng hoảng của một khu vực vẫn đang phải vật lộn để thoát khỏi ảnh hưởng của đại dịch.
Động lực kinh tế suy yếu của Trung Quốc đã giáng một đòn mới, với Chỉ số quản lý mua hàng (PMI) chính thức vào thứ Năm cho thấy hoạt động nhà máy của nước này bất ngờ giảm trong tháng 9 do hạn chế sử dụng điện rộng hơn.
Cụ thể, chỉ số PMI chính thức của ngành sản xuất Trung Quốc ở mức 49,6 vào tháng 9, thấp hơn so với mức 50,1 vào tháng 8, dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia (NBS), cho thấy lần đầu tiên chỉ số này giảm xuống kể từ tháng 2/2020.
Trong khi PMI sản xuất Caixin/Markit tư nhân hoạt động tốt hơn dự kiến sau khi sụt giảm vào tháng 8, dấu hiệu suy yếu ngày càng tăng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang che phủ triển vọng cho các nước châu Á láng giềng.
Makoto Saito, một nhà kinh tế tại Viện Nghiên cứu NLI cho biết: “Mặc dù các biện pháp hạn chế Covid-19 đối với hoạt động kinh tế có thể được dỡ bỏ dần, nhưng tốc độ chậm lại xảy ra có nghĩa là các nền kinh tế Đông Nam Á sẽ trì trệ trong những tháng còn lại của năm nay”, Makoto Saito, một nhà kinh tế tại Viện Nghiên cứu NLI cho biết.
Chỉ số PMI sản xuất cuối cùng của Ngân hàng au Jibun Bank Nhật Bản đã giảm xuống 51,5 trong tháng 9 từ mức 52,7 của tháng trước, đánh dấu tốc độ mở rộng chậm nhất kể từ tháng 2.
Usamah Bhatti, nhà kinh tế tại IHS Markit, trong cuộc khảo sát PMI của Nhật Bản, cho biết: “Sự gián đoạn chuỗi cung ứng tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động và nhu cầu“.
Chỉ số PMI của Hàn Quốc trong tháng 9 đã tăng lên 52,4 từ 51,2 trong tháng 8, duy trì trên ngưỡng 50 cho thấy sự mở rộng hoạt động trong tháng thứ 12 liên tiếp.
Nhưng sự gián đoạn chuỗi cung ứng tiếp tục làm giảm đi sự lạc quan trong kinh doanh của các nhà sản xuất.
PMI của Đài Loan đã giảm xuống 54,7 trong tháng 9 từ mức 58,5 trong tháng 8, trong khi chỉ số của Việt Nam không thay đổi so với tháng 8 ở mức 40,2.
Từng được coi là động lực thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu, các nền kinh tế mới nổi của châu Á đang tụt hậu so với các nền kinh tế tiên tiến trong việc phục hồi sau cơn đại dịch do sự chậm trễ trong việc triển khai vaccine và sự gia tăng đột biến trong các trường hợp biến thể Delta làm ảnh hưởng đến tiêu dùng và sản xuất của nhà máy.
Nguyễn Luận