Thứ sáu, 22/11/2024 08:47 (GMT+7)
Thứ năm, 01/06/2023 13:15 (GMT+7)

Nhiều thông điệp ý nghĩa tại Tọa đàm "Đánh bại ô nhiễm nhựa – Thực trạng và giải pháp tại Việt Nam"

Theo dõi KTMT trên

Tọa đàm "Đánh bại ô nhiễm nhựa – Thực trạng và giải pháp tại Việt Nam" mang đến nhiều thông điệp môi trường quan trọng, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng.

Sáng 1/6, tại Hà Nội, Viện Chính sách Kinh tế Môi trường (EEPI) đồng hành cùng Tạp chí Kinh tế Môi trường và Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức Tọa đàm "Đánh bại ô nhiễm nhựa – Thực trạng và giải pháp tại Việt Nam". Sự kiện này nhằm hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới 5/6/2023 với chủ đề "Đánh bại ô nhiễm nhựa" (Beat plastic polution).

Tham dự tọa đàm, về phía Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam có PGS.TS Lưu Đức Hải - Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam; PGS.TS Trương Mạnh Tiến - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Môi trường; PGS.TS Nguyễn Thế Chinh - Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Viện trưởng Viện Chính sách Kinh tế Môi trường; Nhà báo Nguyễn Tường Quân - Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam; GS.TS Hoàng Xuân Cơ - Trưởng Ban khoa học, Tổng Thư ký Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam; Luật sư Hà Huy Phong - Trưởng Ban Pháp chế Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Phó Viện trưởng Viện Chính sách Kinh tế Môi trường...

Nhiều thông điệp ý nghĩa tại Tọa đàm "Đánh bại ô nhiễm nhựa – Thực trạng và giải pháp tại Việt Nam" - Ảnh 1
Toàn cảnh tọa đàm "Đánh bại ô nhiễm nhựa – Thực trạng và giải pháp tại Việt Nam".

Về phía chuyên gia, khách mời có bà Hoàng Thị Diệu Linh - Phụ trách vấn đề Chất thải & Kinh tế tuần hoàn (UNDP); TS. Michael Parsons - Cố vấn chính sách Bộ Tài nguyên và Môi trường, Hỗ trợ phát triển quan hệ hữu nghị Việt Nam và Australia; TS. Nguyễn Trung Thắng - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách và Tài nguyên Môi trường; GS.TS Đặng Thị Kim Chi - Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam; PGS.TS Nguyễn Công Thành - Trưởng bộ môn Kinh tế, Tài nguyên và Môi trường (Đại học Kinh tế Quốc dân); PGS.TS Lê Thu Hoa - nguyên trưởng bộ môn Kinh tế, Tài nguyên và Môi trường (Đại học Kinh tế Quốc dân); PGS.TS Nguyễn Thị Ánh Tuyết - Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường (Đại học Bách khoa Hà Nội); Ths. Bà Dương Thị Phương Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn, Đào tạo và Dịch vụ Tài nguyên Môi trường (Viện Chiến lược, Chính sách và Tài nguyên Môi trường); cùng nhiều đại biểu, các cơ quan báo chí trung ương và địa phương...

Nhiều thông điệp ý nghĩa tại Tọa đàm "Đánh bại ô nhiễm nhựa – Thực trạng và giải pháp tại Việt Nam" - Ảnh 2
PGS.TS Lưu Đức Hải - Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam phát biểu khai mạc Tọa đàm.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, PGS.TS Lưu Đức Hải - Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho biết, biến đổi khí hậu đã trở thành vấn đề cấp thiết của toàn cầu hiện nay. Sự phát triển của khoa học kỹ thuật, phát triển kinh tế thiếu bền vững đã kéo theo nhiều hệ lụy liên quan đến môi trường. Ngày Môi trường Thế giới (5/6) hàng năm đều chọn ra một vấn đề nóng để làm chủ đề, và chủ đề năm nay là  "Đánh bại ô nhiễm nhựa" (Beat plastic polution).

Ô nhiễm nhựa là vấn đề toàn cầu, rác thải nhựa đang làm thay đổi môi trường sống và các quá trình tự nhiên, làm giảm khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của hệ sinh thái, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế cũng như khả năng sản xuất và phúc lợi xã hội.

Nhiều thông điệp ý nghĩa tại Tọa đàm "Đánh bại ô nhiễm nhựa – Thực trạng và giải pháp tại Việt Nam" - Ảnh 3
PGS.TS Trương Mạnh Tiến - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Môi trường chia sẻ tại Tọa đàm.

"Nhựa được dùng để sản xuất nhiều mặt hàng, sản phẩm sử dụng trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, rác thải nhựa mất rất nhiều thời gian để phân hủy (hàng trăm đến hàng ngàn năm). Tính đến năm 2021, thế giới đã sản xuất ra 8,3 tỷ tấn nhựa, trong đó có đến 6,3 tỷ tấn là rác thải nhựa. Chỉ 9% trong số rác thải nhựa được tái chế, 12% rác thải nhựa bị đốt, còn lại là thải ra ngoài môi trường. Hàng năm có khoảng 12 triệu tấn rác thải nhựa thải ra đại dương.

Hiện nay ở Việt Nam, trung bình mỗi năm thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa, trong đó có khoảng hơn 30 tỷ túi ni lông, 80% số túi ni lông đó đều bị thải bỏ sau khi dùng một lần. Việt Nam đứng thứ 4 trên 20 quốc gia ở top đầu, với khoảng 0,28-0,73 triệu tấn/năm, tương đương 6% tổng lượng rác thải nhựa ra biển của thế giới. Rác thải nhựa gây ra cái chết cho nhiều sinh vật, các hóa chất phụ gia trong sản phẩm nhựa có thể tác động trực tiếp đến con người và động vật", PGS.TS Lưu Đức Hải cảnh báo.

Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam kỳ vọng, thông qua buổi Tọa đàm sẽ góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về thực trạng, chính sách chất thải nhựa hiện nay dựa trên cơ sở tiếp cận mô hình kinh tế tuần hoàn; đồng thời đưa ra các khuyến nghị phù hợp nhằm thực hiện giảm thiểu chất thải nhựa bằng cách áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

Hành lang pháp lý – Thuận lợi và khó khăn

Trình bày tham luận tại Tọa đàm, Ths. Dương Thị Phương Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn, Đào tạo và Dịch vụ Tài nguyên Môi trường (Viện Chiến lược, Chính sách và Tài nguyên Môi trường) cho biết, hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý chất thải (QLCT) tiếp tục được hoàn thiện, đặc biệt là sau khi Luật BVMT 2020 được thông qua. Trong đó, các quy định về phân loại rác tại nguồn và thu phí theo khối lượng/thể tích chất thải phát sinh; trách nhiệm thu hồi và tái chế sản phẩm, bao bì thải bỏ; lộ trình cấm sản xuất tiêu dùng sản phẩm nhựa sử dụng một lần và hạn chế chôn lấp trực tiếp... đã góp phần thúc đẩy giảm chất thải nhựa.

Bên cạnh đó, Nhà nước đã có các chính sách khuyến khích hoạt động tái chế chất thải (ưu đãi về đất đai, ưu đãi, hỗ trợ về vốn đầu tư, ưu đãi về thuế, phí và lệ phí và trợ giá sản phẩm, dịch vụ về bảo vệ môi trường). Các chính sách về nhập khẩu phế liệu đã có những quy định cụ thể; thực hiện ký quỹ bảo vệ môi trường nhằm giảm các tác động môi trường từ hoạt động nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài cho hoạt động tái chế.

Công cụ kinh tế cho các hoạt động bảo vệ môi trường đã được quy định trong Luật BVMT 2020 và NĐ 08/2022/NĐ-CP. Bộ TN&MT đang xây dựng Quy định về tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh, từ đó làm cơ sở để huy động nguồn lực cho các hoạt động bảo vệ môi trường, hoạt động tái chế chất thải nhựa...

Nhiều thông điệp ý nghĩa tại Tọa đàm "Đánh bại ô nhiễm nhựa – Thực trạng và giải pháp tại Việt Nam" - Ảnh 4
Ths. Dương Thị Phương Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn, Đào tạo và Dịch vụ Tài nguyên Môi trường (Viện Chiến lược, Chính sách và Tài nguyên Môi trường) trình bày tham luận tại Tọa đàm.

"Các quy định về QLCT nói chung, tái sử dụng và tái chế nói riêng đã có nhiều đột phá trong Luật BVMT 2020. Tuy nhiên, chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể, rõ ràng về các loại chất thải nhựa. Chúng ta đã có các chính sách hỗ trợ cho tái chế chất thải, nhưng còn thiếu các hướng dẫn cụ thể để có thể tiếp cận đến các ưu đãi theo quy định của Luật BVMT 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Ngoài ra, chúng ta cũng thiếu các hướng dẫn về lựa chọn công nghệ tái chế, xử lý chất thải rắn; thiếu tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với các sản phẩm tái chế. Các quy định liên quan đến trách nhiệm tái chế, trách nhiệm xử lý của nhà sản xuất, nhập khẩu tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu cần có hướng dẫn cụ thể hơn để có thể áp dụng trong thực tiễn. Cần ban hành các quy định tạo thị trường cho sản phẩm tái chế để có thể cạnh tranh với các sản phẩm được sản xuất từ nhựa nguyên sinh", Ths. Dương Thị Phương Anh phân tích.

Vai trò của khoa học, công nghệ

Về phần mình, GS.TS Đặng Thị Kim Chi - Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho rằng, để bảo vệ môi trường trước tác hại của chất thải nhựa cần có những biện pháp quản lý tổng hợp, từ chủ trương chính sách đến hướng dẫn và khuyến khích thay thế, giảm thiểu và sử dụng hợp lý vật liệu nhựa (đặc biệt là các loại túi nylon). Đẩy mạnh tái sử dụng , tái chế  sản phẩm nhựa hướng tới một xã hội tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái.

"Cần ban hành những chính sách giáo dục tuyên truyền tác hại của chất thải nhựa đối với môi trường, áp dụng các chính sách kinh tế, tăng thuế, đặc biệt đối với các bao bì nhựa, nylon khó phân hủy. Áp dụng các giải pháp công nghệ nhằm giảm thiểu phát sinh chất thải nhựa. Áp dụng công nghệ tái chế chất thải nhựa bằng nhiều phương pháp, vừa có thể xử lý chất thải nhựa khó phân hủy, vừa mang lại hiệu quả kinh tế và thân thiện với môi tường...", GS.TS Đặng Thị Kim Chi đề xuất.

Nhiều thông điệp ý nghĩa tại Tọa đàm "Đánh bại ô nhiễm nhựa – Thực trạng và giải pháp tại Việt Nam" - Ảnh 5
GS.TS Đặng Thị Kim Chi - Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam phát biểu tại Tọa đàm.

Theo GS.TS Đặng Thị Kim Chi, sản phẩm nhựa và chất thải nhựa ngày càng phát sinh nhiều, trong khi chưa có các biện pháp kiểm soát tích cực,  gây nhiều tác động xấu, ô nhiễm môi trường. Nhằm mục tiêu bảo vệ môi trường trước những tác động tiêu cực của chất thải nhựa, cần thiết phải có các giải pháp quản lý tổng hợp từ chính sách, quy hoạch phát triển sản phẩm nhựa; tăng cường giáo dục tuyên truyền, hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa, tăng cường tái sử dụng và tái chế chất thải nhựa. Các giải pháp công nghệ - kỹ thuật là rất cần thiết và cần được khuyến khích, đầu tư tạo điều kiện để có được các kết quả áp dụng vào thực tế, góp phần phát triển bền vững đất nước, vì sức khỏe cộng đồng.

Cũng tại Tọa đàm, ông Cao Quốc Hải - Phó Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo Thừa Thiên Huế đã trình bày các giải pháp thúc đẩy mô hình và sáng kiến giảm rác thải nhựa thực tiễn tại Thành phố Huế. Hi vọng rằng, những chia sẻ của ông Cao Quốc Hải sẽ khai mở nhiều vấn đề cho các nhà quản lý và doanh nghiệp trong việc giảm thiểu chất thải nhựa.

Nhiều thông điệp ý nghĩa tại Tọa đàm "Đánh bại ô nhiễm nhựa – Thực trạng và giải pháp tại Việt Nam" - Ảnh 6
Ông Cao Quốc Hải - Phó Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo Thừa Thiên Huế trình bày tham luận tại Tọa đàm.

Sau phần tham luận, các đại biểu, chuyên gia và khách mời đã có những cuộc thảo luận về nhiều nội dung liên quan đến các khó khăn trong công tác thu gom, tái chế, xử lý phế liệu nhựa và một số kiến nghị về chính sách, quy định cụ thể; những chính sách và quy định ở cấp địa phương về quản lý chất thải nhựa, phân loại tại nguồn, tái chế; những ưu đãi về tài chính đối với các nguyên liệu và sản phẩm tái chế, đặc biệt đối với nguyên liệu trong nước; một số giải pháp thúc đẩy các sáng kiến nhằm giảm thiểu chất thải nhựa một lần và tái chế chất thải nhựa; khả năng áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn đối với chất thải nhựa. Những cơ chế chính sách cần có và cần tháo gỡ để áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn đối với chất thải nhựa; những đề xuất để thúc đẩy thu gom phế liệu nhựa.

Nhiều thông điệp ý nghĩa tại Tọa đàm "Đánh bại ô nhiễm nhựa – Thực trạng và giải pháp tại Việt Nam" - Ảnh 7
Các đại biểu, chuyên gia, khách mời chụp ảnh lưu niệm tại Tọa đàm.

Tọa đàm "Đánh bại ô nhiễm nhựa – Thực trạng và giải pháp tại Việt Nam" mang đến nhiều thông điệp môi trường quan trọng, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng. Tọa đàm cũng mang lại góc nhìn đa chiều cho các doanh nghiệp, các nhà hoạch định chính sách về vấn đề giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa hiện nay dựa trên cách tiếp cận mô hình kinh tế tuần hoàn.

Dưới đây là một số hình ảnh tại Tọa đàm:

Nhiều thông điệp ý nghĩa tại Tọa đàm "Đánh bại ô nhiễm nhựa – Thực trạng và giải pháp tại Việt Nam" - Ảnh 8
Nhiều thông điệp ý nghĩa tại Tọa đàm "Đánh bại ô nhiễm nhựa – Thực trạng và giải pháp tại Việt Nam" - Ảnh 9
Nhiều thông điệp ý nghĩa tại Tọa đàm "Đánh bại ô nhiễm nhựa – Thực trạng và giải pháp tại Việt Nam" - Ảnh 10
Nhiều thông điệp ý nghĩa tại Tọa đàm "Đánh bại ô nhiễm nhựa – Thực trạng và giải pháp tại Việt Nam" - Ảnh 11
Nhiều thông điệp ý nghĩa tại Tọa đàm "Đánh bại ô nhiễm nhựa – Thực trạng và giải pháp tại Việt Nam" - Ảnh 12

Nhóm PV

Bạn đang đọc bài viết Nhiều thông điệp ý nghĩa tại Tọa đàm "Đánh bại ô nhiễm nhựa – Thực trạng và giải pháp tại Việt Nam". Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thanh Hóa: Đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản quy định tại Luật Đất đai, Luật Nhà ở
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành văn bản về việc đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản theo thẩm quyền quy định chi tiết việc thực hiện Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật.