Nhiều loài động vật hoang dã chết hàng loạt do hạn hán nghiêm trọng
Trận hạn hán tồi tệ nhất của Kenya trong 4 thập kỷ đã làm chết gần 2% số ngựa vằn quý hiếm nhất thế giới trong vòng 3 tháng, và làm chết số voi gấp 25 lần bình thường trong cùng thời kỳ.
Theo thống kê của Cơ quan Động vật Hoang dã Kenya, trong 10 tháng qua, đã có 205 con voi, 512 con linh dương đầu bò, 381 con ngựa vằn, 51 con trâu, 49 con ngựa vằn Grevy và 12 con hươu cao cổ có nguy cơ tuyệt chủng đã chết khi nước này nói riêng và khu vực Đông Phi nói chung đang trải qua đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong 40 năm.
Một số điểm du lịch nổi tiếng nhất của Kenya, bao gồm các khu bảo tồn Amboseli, Tsavo và Laikipia-Samburu cũng bị ảnh hưởng nặng nề, báo cáo nêu rõ.
Phát biểu ngày 4/11 với báo giới tại thủ đô Nairobi, Bộ trưởng Du lịch Kenya, bà Peninah Malonza cho biết: Hạn hán kéo dài đã đe dọa các động vật hoang dã, khiến chúng không thể tìm được nguồn thức ăn và nước uống để duy trì sự sống.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Malonza cho rằng: Số lượng các loài động vật hoang dã chết trên thực tế có thể còn cao hơn do nhiều loài động vật ăn thịt đã ăn xác các con vật chết.
Đáng chú ý trong danh sách này có 49 con ngựa vằn Grevy, loài đang nằm trong danh sách động vật có nguy cơ tuyệt chủng. Tháng 9 vừa qua, tổ chức bảo tồn ngựa vằn Grevy's Zebra Trust cho biết 40 con ngựa Grevy đã chết chỉ trong 3 tháng vì hạn hán, tương đương gần 2% tổng số ngựa vằn tại Kenya.
Các tác giả báo cáo đã kêu gọi một cuộc điều tra khẩn cấp bằng máy bay về động vật hoang dã ở Amboseli để xác định phạm vi ảnh hưởng của hạn hán đối với động vật sống ở đó.
Trong khi đó, các chuyên gia khác đang đề nghị cung cấp khẩn cấp nước và muối ở những vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi hạn hán.
Voi có thể tiêu thụ tới 240 lít (63,4 gallon) nước mỗi ngày, theo Jim Justus Nyamu, Giám đốc điều hành của trung tâm Elephant Neighbours Centre. Đối với ngựa vằn Grevy, các chuyên gia khuyến cáo nên tăng cường cung cấp cỏ khô.
Dù mưa đã bắt đầu xuất hiện trở lại, nhưng Cục Khí tượng Kenya dự báo lượng mưa thấp hơn bình thường tại nhiều nơi trên cả nước trong những tháng tới và nguy cơ đe dọa các loài động vật hoang dã tại nước này vẫn rình rập.
Thông tin trên về thực trạng các loài động vật hoang dã tại Kenya được đưa ra chỉ vài ngày trước Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27).
Nước chủ nhà hội nghị - Ai Cập, đã đưa vấn đề thiệt hại và bồi thường thiệt hại do thảm họa liên quan đến khí hậu là một trọng tâm chính của các cuộc thảo luận.
Trong nhiều năm qua, vấn đề trên chưa bao giờ là một phần trong lịch trình chính thức của các cuộc họp COP, vì các nước giàu phản đối ý tưởng thiết lập một cơ chế tài chính có thể bù đắp cho những thiệt hại liên quan đến biến đổi khí hậu.
Hải Anh