Các quần thể động vật hoang dã giảm đến 69% trong chưa đầy một thế kỷ
Ngày 13/10, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) công bố báo cáo Sức sống Hành tinh 2022. Theo báo cáo, quần thể các loài hoang dã thuộc các lớp thú, chim, lưỡng cư, bò sát và cá đã giảm trung bình 69% kể từ năm 1970.
Chỉ số Sức sống Hành tinh (LPI) chỉ ra rằng, các loài động vật hoang dã có xương sống (được giám sát trong LPI) đang giảm mạnh với tỷ lệ đáng báo động tại các khu vực nhiệt đới.
Cụ thể, từ năm 1970 đến 2018 những quần thể động vật hoang dã được giám sát tại châu Á - Thái Bình Dương giảm trung bình 55%, trong khi tại châu Phi, châu Mỹ Latinh và khu vực Caribbe là 94%. Nghiên cứu do Hiệp hội Động vật học London (ZSL) thực hiện, dựa trên bộ dữ liệu bao gồm gần 32.000 quần thể của 5.230 loài.
TS Andrew Terry, Giám đốc Bảo tồn và Chính sách tại ZSL, cho biết: Chỉ số Sức sống hành tinh cho thấy tình hình trở nên xấu đi như thế nào. "Việc ngăn chặn mất mát đa dạng sinh học và khôi phục các hệ sinh thái thiết yếu phải được đặt lên hàng đầu trong các chương trình nghị sự toàn cầu".
Suy thoái môi trường sống là nguyên nhân chính
Nguyên nhân chính gây ra mất mát động vật hoang dã là suy thoái môi trường sống do con người phát triển và nuôi trồng, khai thác không hợp lý, sự du nhập của các loài xâm lấn, ô nhiễm, biến đổi khí hậu và dịch bệnh.
Ở các khu vực giàu đa dạng sinh học như Châu Mỹ Latinh và Caribe, con số thiệt hại về quần thể động vật lên tới 94%. Tỷ lệ phá rừng ở đó đang tăng nhanh, tước đi hệ sinh thái độc đáo không chỉ của cây cối mà còn của động vật hoang dã phụ thuộc vào chúng. Khả năng của rừng Amazon trong việc hoạt động như một đồng minh lớn nhất của thế giới trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu cũng bị ảnh hưởng.
Châu Phi có mức giảm lớn thứ hai với 66%, tiếp theo là Châu Á và Thái Bình Dương giảm còn 55%, Bắc Mỹ giảm còn 20%, Châu Âu và Trung Á giảm 18%
Nhiều nhà khoa học tin rằng chúng ta đang sống qua cuộc đại tuyệt chủng hàng loạt lần thứ sáu, sự mất mát lớn nhất về sự sống trên Trái đất kể từ thời khủng long và nó đang được thúc đẩy bởi con người.
89 tác giả của báo cáo đang kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới đạt được một thỏa thuận đầy tham vọng tại hội nghị thượng đỉnh về đa dạng sinh học COP15 ở Canada vào tháng 12 năm nay và cắt giảm lượng khí thải carbon để hạn chế sự nóng lên toàn cầu xuống dưới 1,5 độ C trong thập kỷ này để ngăn chặn sự tàn phá tràn lan của thiên nhiên.
Thế giới cần phải suy nghĩ lại về các hoạt động nông nghiệp có hại và lãng phí của mình trước khi chuỗi lương thực toàn cầu sụp đổ
Cần chung tay hành động ngay bây giờ
Để khẩn trương giảm thiểu và thích ứng với những nguy cơ khí hậu trong tương lai, các nhà lãnh đạo thế giới cần đảm bảo sự tham gia đầy đủ và chủ động của phụ nữ, người bản địa, cộng đồng địa phương, giới trẻ và những nhóm thiểu số khác trong các chương trình nghị sự về khí hậu.
Đồng thời, trong bất kỳ chương trình nghị sự nào về mất đa dạng sinh học hoặc khủng hoảng khí hậu, vấn đề bất bình đẳng khí hậu và phân bổ tài chính công bằng trong khu vực phải là một trọng tâm cốt lõi. Chúng ta không thể tiếp tục trì hoãn hành động”.
Các nhà lãnh đạo thế giới sẽ có buổi gặp mặt tại Hội nghị lần thứ 15 giữa các bên tham gia về Công ước về Đa dạng Sinh học (CBD COP15) vào tháng 12 này để bàn thảo các hành động cần thiết nhằm đảm bảo lợi ích của con người và hành tinh.
WWF vận động các nhà lãnh đạo cam kết một thỏa thuận tương tự với “thỏa thuận Paris”: Có khả năng đảo ngược tình trạng mất đa dạng sinh học nhằm đảm bảo một thế giới trong đó thiên nhiên được bồi hoàn vào năm 2030.
Hội nghị lần thứ 15 giữa các bên về Công ước của Liên hợp quốc về Đa dạng Sinh học (COP15) dự kiến sẽ diễn ra tại Montreal, Canada, từ ngày 7 - 9/12/2022. Tại Hội nghị COP15, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam (TN&MT) với sự hỗ trợ của WWF Việt Nam sẽ tổ chức một sự kiện nhằm chia sẻ Chiến lược Đa dạng Sinh học quốc gia, được phê duyệt vào tháng 2/2022. Sự kiện cho thấy Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu trên thế giới trong việc bảo vệ đa dạng sinh học. Việt Nam cũng là quốc gia tiên phong tham gia các cam kết quốc tế trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Đặc biệt, tại sự kiện này, Bộ TN&MT và WWF sẽ cùng thảo luận về cách huy động sự hỗ trợ và tham gia của các khu vực công và tư nhằm bảo vệ di sản thiên nhiên của Việt Nam, thông qua phát triển kinh tế bền vững và các chương trình bảo vệ đa dạng sinh học xuyên biên giới.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Bill Possiel, Giám đốc Bảo tồn của WWF-Việt Nam phát biểu: “Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế phát triển mạnh mẽ nhất Đông Nam Á, nhờ vậy mà mức sống của người dân cũng đang được nâng cao. Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế nhanh chóng này lại tạo ra ngày càng nhiều áp lực cho các nguồn tài nguyên, gây suy giảm các hệ sinh thái và đe dọa đa dạng sự sống nơi đây. COP15 là cơ hội để WWF hợp tác với Bộ TN&MT, cũng như cộng đồng quốc tế nhằm nâng cao hơn nữa những tham vọng bảo tồn. Điều này là vô cùng cần thiết để đảm bảo kinh tế Việt Nam phát triển bền vững”.
Báo cáo Sức sống Hành tinh 2022 là ấn bản thứ 14, do WWF xuất bản 2 năm một lần. Báo cáo cho thấy tăng cường những nỗ lực bảo tồn và phục hồi, sản xuất và tiêu thụ thực phẩm một cách bền vững, nhanh chóng cắt giảm lượng các-bon trong các ngành sẽ giúp giảm thiểu tác động của khủng hoảng kép. Các tác giả kêu gọi các nhà hoạch định chính sách thực hiện chuyển đổi nền kinh tế để giá trị của các nguồn tài nguyên thiên nhiên được đánh giá đúng mức.
“Một nửa nền kinh tế toàn cầu và hàng tỷ người phụ thuộc trực tiếp vào thiên nhiên. Việc ngăn chặn mất mát đa dạng sinh học và khôi phục các hệ sinh thái thiết yếu phải được đặt lên hàng đầu trong các chương trình nghị sự toàn cầu. Có như vậy, chúng ta mới có thể giải quyết được các cuộc khủng hoảng ngày một gia tăng về khí hậu, môi trường và sức khỏe cộng đồng”, Tiến sĩ Andrew Terry, Giám đốc Bảo tồn và Chính sách tại ZSL, cho biết thêm.
Hải An