Thứ bảy, 27/04/2024 06:48 (GMT+7)
Thứ tư, 14/09/2022 12:05 (GMT+7)

Việt Nam đẩy mạnh quản lý cấp phép nuôi động vật hoang dã theo mục đích thương mại

Theo dõi KTMT trên

Việc ban hành danh mục các loài động vật gây nuôi động vật hoang dã được phép nuôi vì mục đích thương mại được kỳ vọng là giải pháp bước đầu để ngăn chặn những lỗ hổng về mặt pháp luật hiện nay.

Thông tin tại Tọa đàm “Giải pháp quản lý hoạt động gây nuôi thương mại động vật hoang dã tại Việt Nam” diễn ra mới đây, đại diện Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) cho biết, Việt Nam hiện có khoảng 9.000 cơ sở nuôi thương mại động vật hoang dã đã được cấp phép; chưa kể nhiều cơ sở đang hoạt động tự phát. Một con số không hề nhỏ và có thể gây những tác động tiêu cực tới đa dạng sinh thái nếu việc quản lý các cơ sở này không chặt chẽ.

Đáng lo ngại là có nhiều bằng chứng cho thấy cơ chế quản lý lỏng lẻo và thiếu sự giám sát hiệu quả đối với hoạt động nuôi thương mại động vật hoang dã đã tạo điều kiện cho các đối tượng lợi dụng nhằm thu lợi bất chính từ việc nhập lậu và hợp pháp hóa động vật hoang dã có nguồn gốc bất hợp pháp.

Theo đó, các cơ sở có thể dễ dàng mua bán "giấy phép vận chuyển" để chứng minh nguồn gốc hợp pháp của động vật hoang dã. Một số cơ sở đã và đang nuôi nhốt động vật hoang dã có nguồn gốc bất hợp pháp trong một thời gian dài trước khi đăng ký với cơ quan chức năng, hoặc nuôi các loài không phải là loài được cấp phép. Hoạt động gây nuôi thương mại động vật hoang dã đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đa dạng sinh học của đất nước.

Việt Nam đẩy mạnh quản lý cấp phép nuôi động vật hoang dã theo mục đích thương mại - Ảnh 1
Hoạt động gây nuôi thương mại động vật hoang dã đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đa dạng sinh học của đất nước.

Theo kết quả khảo sát của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên tại 26 cơ sở gây nuôi động vật hoang dã có quy mô lớn trong năm 2014-2015, toàn bộ các cơ sở này đều có dấu hiệu nhập lậu động vật hoang dã ở những mức độ khác nhau. Bên cạnh đó, nhiều vụ việc vi phạm pháp luật về động vật hoang dã cũng đã được lực lượng chức năng phát hiện và xử phạt tại các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã trong thời gian qua. Thực tế này đã cho thấy tình trạng vi phạm về động vật hoang dã tại các cơ sở gây nuôi thương mại đã diễn ra trong một thời gian dài mà chưa được kiểm soát chặt chẽ.

Trước thực trạng đó, để nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động gây nuôi thương mại động vật hoang dã và triệt tiêu được tình trạng gian lận trong công tác quản lý gây nuôi động vật kể trên, bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc ENV cho rằng giải pháp khả thi hiện nay là cần ban hành Danh mục các loài động vật hoang dã được phép gây nuôi thương mại và giới hạn hoạt động nuôi thương mại trong những loài thuộc danh mục này.

Theo đó, danh mục trên sẽ giúp giải quyết các lỗ hổng trong quản lý hoạt động gây nuôi thương mại động vật hoang dã tại Việt Nam như: Bảo đảm tất cả các loài động vật hoang dã không phù hợp cho nuôi thương mại không bị nuôi nhốt, buôn bán trái phép hay nhập lậu vào các cơ sở nuôi thương mại.

Cùng với đó, quy trình cấp phép cũng sẽ đơn giản, nhanh chóng hơn. Cán bộ quản lý chỉ cần đối chiếu loài được đăng ký với Danh mục loài động vật hoang dã được phép nuôi thương mại và cấp phép nếu cơ sở đáp ứng đầy đủ điều kiện theo quy định mà không cần thực hiện thêm các thủ tục xác nhận với cơ quan khoa học.

Ngoài ra, để phát triển bền vững nghề gây nuôi động vật hoang dã vì mục đích thương mại, ông Nguyễn Quảng Trường, chuyên gia của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật cho rằng, cần có quy hoạch hợp lý về vùng nuôi, đối tượng nuôi và quy mô nhân nuôi; có đánh giá và dự báo thị trường; có hướng dẫn kỹ thuật nuôi và đánh giá rủi ro; quản lý và giám sát hiệu quả những loài nên đưa vào nuôi thương mại là các loài sinh sản tốt trong điều kiện nuôi nhốt, có hiệu quả kinh tế và không bị đe dọa tuyệt chủng trong tự nhiên.

“Việc ban hành ban hành các danh mục động vật hoang dã được phép nuôi thương mại giúp định hướng cho người dân là nên phát triển theo hướng nào, đảm bảo được phát triển bền vững và đảm bảo tính hợp pháp", ông Nguyễn Quảng Trường, Viện phó Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật nhận định.

Việc ban hành một danh mục các loài động vật gây nuôi động vật hoang dã được phép nuôi vì mục đích thương mại được kỳ vọng là giải pháp bước đầu để ngăn chặn những lỗ hổng về mặt pháp luật hiện nay. Tuy nhiên, để có thể quản lý chặt chẽ hoạt động gây nuôi động vật hoang dã thì vẫn cần phải có những giải pháp mạnh mẽ, toàn diện hơn về mặt quy hoạch vùng nuôi, vật nuôi, về mặt quản lý, cũng như các chính sách pháp luật, để vừa đảm bảo tương lai an toàn cho các loài động vật hoang dã nhưng đồng thời vẫn đảm bảo lợi nhuận của người dân mà không gây ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường.

Theo một nghiên cứu tiến hành trong giai đoạn 2014 - 2015 của ENV, toàn bộ 26 cơ sở nuôi thương mại động vật hoang dã được khảo sát đa phần là các trại nuôi có quy mô lớn đều có dấu hiệu “nhập lậu” động vật hoang dã.

Gần đây, ENV cũng đã ghi nhận một khối lượng rất lớn động vật hoang dã, khoảng gần 30 tấn, được vận chuyển từ các cơ sở tại miền Nam đến cửa khẩu Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) chỉ trong thời gian hơn 10 ngày, nhiều khả năng phần lớn các cá thể động vật hoang dã của lô hàng này đã bị săn bắt từ tự nhiên, rồi được “phù phép” trở thành động vật hoang dã có nguồn gốc từ các cơ sở nuôi được cấp phép.

Trước đó, vào năm 2019, ENV đã nhận được thư tố cáo của một “nhóm cán bộ ngành lâm nghiệp” về các vấn đề tồn tại trong lĩnh vực quản lý hoạt động gây nuôi thương mại động vật hoang dã. Thư này tố cáo nhiều chủ cơ sở nuôi thương mại động vật hoang dã ở khu vực phía Nam đã cấu kết chặt chẽ với các cán bộ chủ chốt chịu trách nhiệm quản lý để hợp pháp hóa động vật hoang dã được nhập lậu vào các cơ sở nuôi “hợp pháp” này.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Việt Nam đẩy mạnh quản lý cấp phép nuôi động vật hoang dã theo mục đích thương mại. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới