Nhiều chuyên gia đầu ngành tham gia Hội thảo khoa học về Dự án mỏ sắt Thạch Khê Hà Tĩnh
Các nhà khoa học hàng đầu về địa chất - khoáng sản - kinh tế - môi trường - kinh tế môi trường sẽ trình bày tham luận, đồng thời đưa ra những ý kiến khách quan, chuyên sâu về Dự án mỏ sắt Thạch Khê.
Ngày 23/9, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam sẽ tổ chức Hội thảo khoa học "Dự án mỏ sắt Thạch Khê Hà Tĩnh - Tiếp tục hay dừng khai thác?".
Hội thảo có sự tham gia của đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực có liên quan.
Hội thảo khoa học "Dự án mỏ sắt Thạch Khê Hà Tĩnh - Tiếp tục hay dừng khai thác?" được giới khoa học đánh giá là một trong những sự kiện lớn nhằm mục đích đánh giá toàn diện Dự án mỏ sắt Thạch Khê.
Trong thời gian diễn ra Hội thảo, các nhà khoa học hàng đầu về địa chất - khoáng sản - kinh tế - môi trường - kinh tế môi trường sẽ trình bày tham luận, đồng thời đưa ra những ý kiến khách quan, chuyên sâu về Dự án mỏ sắt Thạch Khê.
Danh sách các chuyên gia khách mời có bài báo cáo tại Hội thảo gồm: GS.TS Mai Trọng Nhuận; GS.TSKH Đặng Trung Thuận; GS.TSKH Nguyễn Mại; GS.VS Nguyễn Huy Mỹ; GS.TS Trần Thanh Hải; PGS.TS Nguyễn Hồng Phương; PGS.TS Trần Bình Chư; PGS.TS Chu Văn Ngợi; PGS.TS Trần Văn Thụy; PGS.TS Cao Thế Hà.
Về phía Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam có sự tham gia của PGS.TS Lưu Đức Hải - Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam; PGS.TS Trương Mạnh Tiến - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Môi trường; PGS.TS Nguyễn Thế Chinh - Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam; GS.TS Hoàng Xuân Cơ - Tổng Thư ký Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam...
Trước đó, trong chuyến thị sát và làm việc tại Hà Tĩnh ngày 11/6/2022 về Dự án mỏ sắt Thạch Khê, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo:
"Việc quyết định dừng hay tiếp tục triển khai Dự án phải có đánh giá khoa học, khách quan; có đánh giá tác động tổng thể từ kinh tế đến tính chất xã hội, đời sống người dân, môi trường và các vấn đề liên quan; việc đánh giá cũng phải mang tính dự báo dài hơi".
Căn cứ vào chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, tổ chức thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, đã chủ động phối hợp với các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu tiến hành nghiên cứu, khảo sát thực địa và làm việc với các cơ quan, tổ chức hữu quan của Hà Tĩnh về Dự án mỏ sắt này.
Để có được ý kiến rộng rãi, toàn diện, khách quan của các chuyên gia, nhà khoa học và các cơ quan, tổ chức hữu quan về các vấn đề địa chất - khoáng sản - kinh tế - môi trường - xã hội, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học "Dự án mỏ sắt Thạch Khê Hà Tĩnh - Tiếp tục hay dừng khai thác?".
Hội thảo sẽ diễn ra vào lúc 08h00, ngày 23 tháng 9 năm 2022 tại Hội trường tầng 12, Cung Trí thức Thành phố, Số 1 Tôn Thất Thuyết, P. Dịch Vọng Hậu, Q. Cầu Giấy, TP.Hà Nội.
Kết quả nghiên cứu của Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam và những ý kiến đóng góp tại Hội thảo sẽ được báo cáo, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền.
Mỏ Thạch Khê (Thạch Hà, Hà Tĩnh) là mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á, được phát hiện từ năm 1960, với trữ lượng khoảng 544 triệu tấn.
Từ năm 2007, TKV đã chủ trì cùng với các nhà đầu tư trong nước thành lập Công ty Cổ phần sắt Thạch Khê (trong đó TKV nắm cổ phần chi phối) để triển khai Dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê, tỉnh Hà Tĩnh.
Dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê do Công ty Cổ phần sắt Thạch Khê (TIC) làm chủ đầu tư, được khởi công từ năm 2009. Theo đánh giá, tổng sản lượng quặng khai thác từ mỏ Thạch Khê có thể đạt mức 370 - 400 triệu tấn. Thời gian đầu có thể khai thác 10 - 15 triệu tấn mỗi năm.
Dự án tạm dừng triển khai 2 năm sau đó (2011) do gặp vướng mắc về vốn góp của các cổ đông, khó khăn trong huy động vốn. Từ tổng mức đầu tư ban đầu 14.500 tỷ, chủ đầu tư đã phải tính toán lại, giảm về còn 13.000 tỷ đồng, trong đó giai đoạn một là 6.700 tỷ.
Doanh thu cả đời Dự án được đánh giá vào khoảng 35 tỷ USD, nộp ngân sách khoảng 9 tỷ USD, góp phần tăng GDP hàng năm 0,3 - 1%.
Đến tháng 3/2017, Dự án tiếp tục giảm quy mô vốn đầu tư về mức 12.200 tỷ đồng. Qua 2 lần điều chỉnh, tổng vốn đầu tư Dự án này giảm khoảng 2.300 tỷ đồng.
Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê ảnh hưởng trực tiếp đến 6 xã ven biển của huyện Thạch Hà với 5.928 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp.
Đến nay, tổng diện tích Dự án đã giải phóng mặt bằng 830,1ha, trong đó 741,3ha thuộc khu vực mỏ và bãi thải, 88,8ha thuộc công trình hạ tầng tái định cư. Tổng kinh phí đầu tư cho Dự án đến nay đạt 1.798,29 tỷ đồng, trong đó giá trị đầu tư xây dựng cơ bản 1.287,9 tỷ đồng, giá trị thực hiện giải phóng mặt bằng và tái định cư 387,76 tỷ đồng.
Sau gần 10 năm triển khai Dự án, từ năm 2017 đến nay, Dự án đã phải dừng triển khai do tỉnh Hà Tĩnh và một số Bộ ngành đã kiến nghị với Chính phủ xem xét dừng Dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê.
Ngọc Khánh