Thứ tư, 24/04/2024 18:40 (GMT+7)
Thứ hai, 13/06/2022 08:46 (GMT+7)

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đánh giá tổng thể dự án mỏ sắt Thạch Khê (Bài 9)

Theo dõi KTMT trên

Thủ tướng yêu cầu phải đánh giá tổng thể dự án mỏ sắt Thạch Khê, gồm các vấn đề kinh tế, xã hội, đời sống nhân dân, bảo đảm môi trường… cả trước mắt và lâu dài.

Trước đó, Tạp chí Kinh tế Môi trường Việt Nam đã đăng tải 8 bài viết về việc Hệ lụy nào khi tái khởi động lại mỏ sắt Thạch Khê. Các bài viết nêu lên quan điểm, ý kiến của các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực địa chất, khoáng sản, môi trường.... và các cơ quan hữu quan về việc có nên tái khởi động lại mỏ sắt Thạch Kê. Đa số các chuyên gia đều nhấn mạnh, việc tái khởi động mỏ sắt Thạch Khê sẽ dẫn đến những hệ lụy lớn với môi trường. 

Cần đánh giá dự án một cách tổng thể

Sáng 11/6, trong chuyến công tác tại Hà Tĩnh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã tới khảo sát thực trạng mỏ sắt Thạch Khê tại huyện Thạch Hà sau hơn 10 năm tạm dừng dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng sắt tại đây, đồng thời khảo sát thực tế khả năng phát triển du lịch biển trong khu vực.

Tại hiện trường, Thủ tướng đã nghe đại diện các bên báo cáo về các vấn đề liên quan tới dự án. Hiện các bên liên quan vẫn có các ý kiến khác nhau về phương án xử lý trong thời gian tới. Theo UBND tỉnh Hà Tĩnh, việc dự án đã tạm dừng từ lâu nhưng chưa có phương án xử lý hiệu quả dẫn tới nhiều tồn đọng, phát sinh liên quan chưa được giải quyết.

Theo báo cáo của địa phương, khu vực này cũng có tiềm năng rất thuận lợi để phát triển du lịch, nhất là du lịch biển và du lịch tâm linh. Địa phương đang đứng trước lựa chọn phát triển du lịch hay khai thác quặng sắt.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đánh giá tổng thể dự án mỏ sắt Thạch Khê (Bài 9) - Ảnh 1
Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát thực trạng mỏ sắt Thạch Khê.

Dự án mỏ sắt Thạch Khê với 7.000 hộ dân trong vùng dự án sau 14 năm triển khai đã xuất hiện nhiều vướng mắc, bất cập, đang tạm dừng, nhà đầu tư không biết làm tiếp hay không, người dân không biết ở hay đi.

Gợi mở hướng xử lý, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, với các vấn đề càng khó khăn, phức tạp, càng phải đoàn kết, giữ đúng nguyên tắc, phát huy dân chủ, huy động trí tuệ tập thể, lắng nghe ý kiến của nhau, quyết định theo đa số.

Thủ tướng yêu cầu phải đánh giá tổng thể về các vấn đề kinh tế, xã hội, đời sống nhân dân, bảo đảm môi trường… cả trước mắt và lâu dài trên cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn, cơ sở lòng dân, lắng nghe ý kiến các chủ thể liên quan, các nhà khoa học và người dân, đưa ra các kết luận chính xác, lựa chọn phương án phù hợp, khả thi nhất, có lợi nhất, nhanh chóng có quyết sách, khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc, giải quyết dứt điểm các vấn đề liên quan.

TKV đề nghị khởi động lại dự án, tỉnh Hà Tĩnh muốn dừng

Mỏ sắt Thạch Khê có trữ lượng quặng trên 544 triệu tấn, được coi là mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á, chiếm 1/2 trữ lượng quặng sắt cả nước.

Dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê do Công ty cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC) thuộc Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) làm chủ đầu tư. Tháng 9/2009, TIC chính thức khởi động dự án bằng việc thực hiện thử nghiệm công nghệ và bóc đất tầng phủ.

Tuy nhiên, quá trình bóc đất tầng phủ đã xuất hiện những bất cập trong thiết kế kỹ thuật, công nghệ khai thác và đối mặt với những khó khăn tài chính. Đến tháng 11/2011, dự án phải tạm dừng để thẩm định lại thiết kế kỹ thuật và tái cơ cấu cổ đông.

Mới đây, TKV đã đề nghị Chính phủ cho phép được tái khởi động triển khai Dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê.

Theo TKV, số tiền tập đoàn này và các nhà đầu tư đã góp vào Dự án tới nay là 1.800 tỷ đồng. Chủ đầu tư đã điều chỉnh Dự án theo chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền, nhưng từ cuối năm 2011, Dự án mỏ sắt Thạch Khê phải dừng triển khai.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đánh giá tổng thể dự án mỏ sắt Thạch Khê (Bài 9) - Ảnh 2
Mỏ sắt Thạch Khê nhìn từ trên cao.

Trong văn bản gửi Chính phủ, TKV cho biết, tháng 2/2022, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 10 về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, Bộ Chính trị cho phép đánh giá hiệu quả đầu tư, hiệu quả kinh tế - xã hội bền vững để xem xét đầu tư các dự án khai thác, chế biến sắt Thạch Khê hoàn thành trước năm 2030.

Vì vậy, TKV đề nghị Chính phủ cho phép tái khởi động Dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê, đồng thời khẳng định đã có đủ giải pháp để xử lý môi trường và hiệu quả kinh tế đối với Dự án này.

Trong khi đó, sau khi tham vấn ý kiến của các nhà khoa học, đồng thời đánh giá một cách nghiêm túc Dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã nhiều lần đề nghị Chính phủ quyết định dừng khai thác mỏ sắt Thạch Khê.

Lần gần đây nhất, vào tháng 11/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải đã có văn bản đề nghị Thủ tướng sớm đồng ý chủ trương chấm dứt hoạt động Dự án khai thác, tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê tại huyện Thạch Hà.

Theo lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, khi có quyết định dừng khai thác mỏ sắt Thạch Khê từ Chính phủ, Hà Tĩnh cam kết sẽ thực hiện các nội dung Trung ương giao. Trong đó, sẽ thu hồi diện tích 980 ha để điều chỉnh quy hoạch phục vụ phát triển dịch vụ du lịch, đẩy mạnh thu hút đầu tư, góp phần phát triển kinh tế, xã hội bền vững.

Nhiều chuyên gia lo ngại

Trước việc Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đề nghị Chính phủ cho phép được tái khởi động triển khai Dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê, GS.TSKH Đặng Trung Thuận cho rằng, có 3 phương án để lựa chọn cho mỏ sắt Thạch Khê.

Thứ nhất, nối lại hoạt động khai thác, chấp nhận các rủi ro, nguy cơ tác động đến môi trường đất, nước, biển và an sinh xã hội… mà việc khắc phục chúng sẽ đẩy giá thành sản xuất quặng lên cao, kém sức cạnh tranh trên thị trường.

Thứ hai, chấm dứt hoạt động, chịu mất phần vốn đầu tư đã bỏ ra. Phương án này giúp tránh tất cả các rủi ro không mong muốn có thể xảy ra trong suốt đời dự án 52 năm. Cái mất là phải chấp nhận mất một khoản vốn đầu tư lớn ban đầu.

Thứ ba, tiếp tục tạm dừng hoạt động của dự án, cho đến khi những vấn đề về môi trường (tự nhiên và xã hội) có được phương án xử lý tốt; khi các khó khăn về kỹ thuật và công nghệ được khắc phục, giải quyết được vấn đề tái định cư, định canh của người dân trong khu vực. Khi nào chúng ta đảm bảo dự án thực sự có lãi và hội tụ đủ các điều kiện "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" thì có thể tiếp tục.

"Khi xảy ra sự cố môi trường Formosa, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu rằng, không đánh đổi môi trường vì lợi ích kinh tế trước mắt. Đây là phương án được chọn đối với mỏ Thạch Khê”, GS.TSKH Đặng Trung Thuận nhấn mạnh.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đánh giá tổng thể dự án mỏ sắt Thạch Khê (Bài 9) - Ảnh 3
PGS.TS Lưu Đức Hải - Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam.

Cùng đưa ra quan điểm về vấn đề này, PGS.TS Lưu Đức Hải - Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho biết, khi đánh giá tác động về môi trường, chính TKV đã đánh giá khi khai thác mỏ Thạch Khê nước ngầm sẽ thấm vào hố khai thác, hình thành nước thải.

Nếu hàng triệu mét khối nước được bơm ra sẽ dẫn tới cạn kiệt mạch nước ngầm, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân các xã xung quanh khu mỏ. Đây cũng là điều mà TKV chưa đưa ra được lời giải phù hợp.

Ngoài ra, khi nước ngầm thấm vào hố khai thác, kèm theo đó là vật liệu, dầu mỡ, kim loại... Vậy phải xử lý hàng triệu mét khối nước kèm chất thải như thế nào thì TKV cũng chưa đề cập đến.

Một trong những phương án mà TKV đưa ra là đổ đất đá thải ra biển để hình thành đê bao và làm nơi tập kết quặng, đất cát thải. Tuy nhiên, phương án này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến dòng chảy gần bờ của toàn khu vực, kéo theo đó là hàng loạt hệ lụy.

"Với tư cách nhà khoa học, tôi cho rằng tốt nhất là hãy để mỏ sắt Thạch Khê cho tương lai. Nếu thế hệ sau có công nghệ tốt hơn, khi ấy hãy tính đến chuyện khai thác", PGS.TS Lưu Đức Hải kết luận.

Hoàng Hải

Bạn đang đọc bài viết Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đánh giá tổng thể dự án mỏ sắt Thạch Khê (Bài 9). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới