Thứ bảy, 27/04/2024 08:47 (GMT+7)
Thứ sáu, 27/05/2022 06:55 (GMT+7)

Đóng cửa hay tạm dừng khai thác mỏ sắt Thạch Khê - Nhìn từ góc độ kinh tế môi trường (Bài 7)

Theo dõi KTMT trên

Có thể nhận ra hai luồng ý kiến chính trong các bài viết về Mỏ sắt Thạch Khê, đó là ủng hộ việc tái khởi động lại Dự án và luồng ý kiến thứ hai nghiêng về chấm dứt hoặc dừng Dự án.

  1. Bối cảnh

Đầu năm 2022 nhiều phương tiện thông tin đại chúng đã đăng tải, khơi lại một dự án rất lớn đã được cho phép hoạt động từ cách đây hơn 10 năm và có nhiều ý kiến trái chiều về hiệu quả kinh tế và khả năng tác động đến môi trường, đó là Dự án Đầu tư khai thác và tuyển quặng Mỏ sắt Thạch Khê (sau đây gọi là Mỏ sắt Thạch Khê).

Có thể nhận ra (tuy không thật sự rõ ràng) hai luồng ý kiến chính trong các bài viết về Mỏ sắt Thạch Khê, đó là ủng hộ việc tái khởi động lại Dự án [1,2] và luồng ý kiến thứ hai nghiêng về chấm dứt hoặc dừng Dự án [3,4].

Đóng cửa hay tạm dừng khai thác mỏ sắt Thạch Khê - Nhìn từ góc độ kinh tế môi trường (Bài 7) - Ảnh 1
Mỏ sắt Thạch Khê hiện nay đang trở thành bãi chăn trâu bò. 

Thông tin khá chi tiết về Dự án Mỏ sắt Thạch Khê cũng được đăng tải khá rõ ràng và có thể tóm tắt lại như sau:

  • “Dự án Đầu tư khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê do Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC) làm chủ đầu tư được triển khai từ năm 2008. Công ty này do Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) nắm cổ phần chi phối.
  • Chủ đầu tư đã triển khai, điều chỉnh Dự án theo chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền nhưng từ cuối năm 2011, Dự án mỏ sắt Thạch Khê đã phải dừng triển khai, bỏ hoang.
  • Mỏ sắt Thạch Khê (huyện Thạch Hà), trữ lượng khoảng 544 triệu tấn, khai thác năm 2008, ba năm sau thì dừng do vướng mắc về vốn. Mỏ sắt này nằm trên địa bàn 5 xã ven biển của huyện Thạch Hà gồm: Thạch Khê, Đỉnh Bàn, Thạch Hải, Thạch Trị và Thạch Lạc. Tổng diện tích đất sử dụng của Dự án là 4.821 ha.
  • Mỏ được phát hiện từ năm 1960, trữ lượng khoảng 544 triệu tấn, được đánh giá là mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á. Khu vực này nằm cách thành phố Hà Tĩnh 8 km về phía Đông, cách bờ Biển Đông 1,6 km.
  • Theo TKV, số tiền tập đoàn này và các nhà đầu tư đã góp vào Dự án khai thác, tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh) tới nay là 1.800 tỷ đồng.
  • Giai đoạn 2008 - 2011, công nhân đã bóc đất tầng phủ được khoảng 12,7 triệu m3, độ sâu -34 m so với mực nước biển, thu hồi 3.000 tấn quặng. Dự án sau đó gặp vướng mắc về huy động và góp vốn, dẫn đến hàng loạt hệ lụy, như chậm tiến độ giải phóng mặt bằng, thiếu tiền thanh toán cho nhà thầu tư vấn lập thiết kế kỹ thuật và xây dựng khu tái định cư. Tháng 11/2021, Chính phủ cho dừng Dự án để thẩm định lại thiết kế kỹ thuật, cơ cấu lại cổ đông...” [1].

TKV đã có văn bản chính thức gửi và đề nghị Chính phủ cho phép tái khởi động Dự án Khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê. Rất tiếc, hiện tại chúng tôi không có văn bản gốc nên rất khó phân tích chi tiết và nêu rõ lý do cũng như những lập luận đưa ra để xin tái khởi động Dự án. Tuy nhiên, có thể thấy phần nào những lý do này trong bài viết đăng trên baophapluat.vn ngày 22/4/2022 với tiêu đề Dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê “ngóng” ngày tái khởi động [2], có thể nêu một vài lý do như:

  • Sau thời gian dài nghiên cứu tỉ mỉ, được các hội đồng trong nước và quốc tế tiến hành thẩm định, được Chính phủ Việt Nam phê duyệt, nay Dự án Khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê đã sẵn sàng để triển khai.
  • Dự án đi vào hoạt động sẽ góp phần đảm bảo cung cấp nguyên liệu ổn định lâu dài cho cơ sở luyện kim trong nước theo Quy hoạch ngành đã được phê duyệt; giảm nhập khẩu quặng sắt từ nước ngoài; góp phần phát triển ngành thép Việt Nam.
  • Dự án kéo dài 52 năm với trữ lượng khai thác 370 triệu tấn. Hiệu quả kinh tế - xã hội sẽ được đảm bảo kéo dài, không chỉ mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp và nộp ngân sách Nhà nước, mà còn đem lại hiệu quả an sinh xã hội cho cả khu vực lớn với hàng vạn hộ gia đình.
  • Các biện pháp bảo vệ môi trường của Dự án đã được các nhà khoa học chuyên ngành trong và ngoài nước đánh giá là phù hợp, đảm bảo để có thể triển khai Dự án an toàn, hiệu quả. Sau khi Dự án dừng hoạt động sẽ để lại một hồ nước ngọt lớn cùng với nhiều cây xanh được trồng xung quanh, tạo ra cảnh quan phù hợp cho phát triển công viên, du lịch, bất động sản nghỉ dưỡng… Thêm vào đó, trong suốt quá trình hoạt động, Dự án sẽ tạo nên một khu vực đông đúc dân cư và các dịch vụ đi kèm xung quanh, thuận lợi cho phát triển hiệu quả các dự án sau này.
  • Trong thiết kế các công trình xây dựng của mỏ, tính ổn định bờ mỏ và tầng khai thác đã tính với khả năng chịu được động đất 7 độ richter; trong khi dự báo động đất tại Hà Tĩnh cao nhất chỉ 6 độ richter, tần suất xuất hiện trên 1.000 năm.Tuyến đê chắn sóng của Dự án được thiết kế đỉnh đê cao +6,5m (tuyến đê của Formosa cũng chỉ cao +6,2m), đổ cát thải đến độ cao +25 m sẽ tạo thành tường chắn khi có hiện tượng nước biển dâng do bão và sóng thần [2].

Một loạt bài viết khác đã nêu ý kiến nghiêng về hướng đề xuất dừng hoặc chấm dứt Dự án, đặc biệt là ý kiến của UBND tỉnh Hà Tĩnh. Lý do Hà Tĩnh đưa ra để kiến nghị được nêu khá rõ trong bài viết Hà Tĩnh kiến nghị dừng mỏ sắt Thạch Khê đăng trên VnExpress.net ngày 15/5/2018 [3] bao gồm tác động khó lường của Dự án đến môi trường; Tiềm ẩn nhiều rủi ro liên quan tới điều kiện địa lý, địa chất khu vực; Khả năng tiêu thụ sản phẩm không rõ ràng; Thời gian dừng Dự án lâu đã tác động nhiều mặt đến đời dống dân cư khu vực Dự án...

Trong bài viết mới nhất đăng trên laodong.vn ngày 5/5/2022 [4] đã nêu ý kiến của ông Võ Trọng Hải - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh khẳng định tỉnh Hà Tĩnh vẫn giữ nguyên quan điểm đề nghị dừng khai thác mỏ sắt Thạch Khê khi trao đổi với phóng viên “Mặc dù họ đề nghị khai thác nhưng Hà Tĩnh vẫn dứt khoát với quan điểm đề nghị dừng khai thác mỏ sắt Thạch Khê” và chia sẻ rằng, rất lo ngại về công nghệ khai thác mỏ sắt Thạch Khê chưa hiện đại, vẫn với kiểu khai thác truyền thống sẽ ảnh hưởng lớn đến nguồn nước, đến môi trường.

Đóng cửa hay tạm dừng khai thác mỏ sắt Thạch Khê - Nhìn từ góc độ kinh tế môi trường (Bài 7) - Ảnh 2
GS.TS Hoàng Xuân Cơ, Giám đốc Trung tâm Khoa học và Công nghệ, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã có ý kiến nghị chưa nên khai thác mỏ sắt Thạch Khê. Báo Tuổi trẻ điện tử ngày 09/01/2019 [5] đã đăng bài trả lời về quan điểm của Bộ Tài nguyên và Môi trường sau khi Tỉnh Hà Tĩnh đề nghị dừng hẳn Dự án Mỏ sắt Thạch Khê chứ không phải chỉ tạm dừng như hiện nay, ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường khẳng định: "Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng có quan điểm và đã thể hiện bằng kiến nghị với Chính phủ là chưa nên khai thác Dự án mỏ sắt Thạch Khê". Ông Thức cũng công nhận: đến năm 2008, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, sau đó phê duyệt tiếp báo cáo đánh giá tác động môi trường điều chỉnh theo kiến nghị của chủ đầu tư vào năm 2013. Sau khi Dự án bị yêu cầu tạm dừng từ năm 2011, đến cuối năm 2017, khi Chính phủ yêu cầu rà soát lại các dự án lớn có nhiều tiềm ẩn gây ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan để rà soát lại. Khi thực hiện rà soát, Bộ này đã phân tích, đánh giá tổng thể quá trình triển khai, các thủ tục về môi trường đối với Dự án mỏ sắt Thạch Khê và cho thấy: "Qua rà soát, đánh giá tổng thể tài liệu đã có mới thấy hiện nay các tài liệu đủ cơ sở khoa học để Bộ Công Thương đưa ra giải pháp thiết kế an toàn khai thác mỏ mới chỉ đến độ sâu âm 145m. Còn từ dưới âm 145m cho đến âm 550m thì chưa đủ tài liệu, thiếu số liệu để đánh giá".

Do dừng hoạt động khá lâu và do có nhiều ý kiến liên quan về Dự án nên Chính phủ đã có chỉ đạo giải quyết. Theo tuoitre.vn ngày 22/11/2019, [6] hai phương án dừng và tạm dừng khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê, Hà Tĩnh sẽ được Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị trong thời gian tới, đó là:

Phương án 1, dừng thực hiện Dự án, đóng cửa mỏ cần phân tích, đánh giá toàn diện các tác động về hậu quả pháp lý, những thiệt hại kinh tế, trong đó có thiệt hại của doanh nghiệp thực hiện Dự án và các cổ đông tham gia và ổn định đời sống, sản xuất người dân vùng ảnh hưởng do khai thác mỏ dở dang.

Phương án 2, tạm dừng thực hiện Dự án để tiếp tục hoàn thiện, bổ sung các điều kiện về khoa học kỹ thuật, năng lực chủ đầu tư, nguồn vốn, công nghệ, bảo đảm khi triển khai Dự án phải an toàn, hiệu quả về môi trường và được chính quyền địa phương ủng hộ [6].

Như vậy, Chính phủ vẫn để ngỏ hai khả năng, nếu đóng cửa mỏ phải chỉ rõ lý do và đánh giá hết hậu quả, thiệt hại, còn nếu tạm dừng để hoàn thiện hồ sơ và đánh giá lại khả năng tác động môi trường, khi đảm bảo an toàn, đảm bảo mức tác động môi trương thấp, hạn chế thiệt hại, có giải pháp dự báo, cảnh báo và khắc phục sự cố thì mới xét cho Dự án tiếp tục khởi động, hoạt động.

Vấn đề là tổ chức quá trình phân tích đánh giá như thế nào, tiêu chí nào để đánh giá cân nhắc, so sánh giữa hai phương án trên để lựa chọn đi đến quyết định đóng cửa mỏ hay tạm dừng khai thác Mỏ sắt Thạch Khê là vấn đề không dễ và phải tốn nhiều công sức.

  1. Vai trò các bên liên quan trong lựa chọn hai phương án

Các bên liên quan phải đóng vai trò quan trọng mang tính quyết định đến việc lựa chọn một trong hai phương án trên để thực hiện.

Vai trò của TIC và TKV

Đây là chủ thể thực hiện Dự án nên mục tiêu lớn nhất của họ là lợi nhuận có thể thu được từ thực hiện Dự án. Dự án đã được phê duyệt cho khởi công từ 2008 - 2009 nên đã qua được nhiều vòng thẩm định. Chủ dự án (TIC/TKV) phải nắm rõ các điều kiện phục vụ Dự án, trước hết là trữ lượng và chất lượng quặng, các điều kiện khai thác, đặc biệt là điều kiện địa lý, địa chất, khí tượng thủy văn, tiếp đến là công nghệ, nguồn máy móc, thiết bị phải mua sắm để khai thác quặng, vấn đề thị trường sản phẩm... Tất cả các điều kiện này phải được nghiên cứu làm rõ để xác định mức đóng góp vào giá thành sản phẩm. Về vấn đề môi trường, chủ Dự án là người rõ nhất những tác động có thể xảy ra đến môi trường tự nhiên và kinh tế - xã hội khu vực, chẳng hạn phải xem xét khả năng sụt lún khi khai thác ở độ sâu lớn, phải xem xét ảnh hưởng đến chế độ thủy văn ở khu vực một bên là núi, một bên là biển, xem xét chất lượng và khả năng tác động của nước thải mỏ, xem xét khả năng hoàn thổ sau khai thác hay phải xem xét khả năng ảnh hưởng đến Thành phố Hà Tĩnh... Đặc biệt, phải xem xét các khả năng xảy ra sự cố và mức thiệt hại có thể khi xảy ra sự cố để có giải pháp hạn chế giảm thiểu ngay từ đầu. Về tài chính, chủ Dự án phải nắm chắc khả năng huy động vốn, khả năng vay ngân hàng để sẵn sàng đáp ứng kinh phí hoạt động.

Để đánh giá hiệu quả kinh tế của Dự án, chắc chắn chủ Dự án phải tính đến các giá trị, chẳng hạn như giá trị hiện tại ròng (NPV), hệ số hoàn vốn nội bộ (IRR) hay tỷ số lợi ích/chi phí (B/C). Từ đó thấy rõ mức lợi nhuận khi thực hiện Dự án và quyết định trình xin thực hiện Dự án

Dự án đã được phê duyệt đồng nghĩa với việc công nhận Dự án có thể mang lại lợi ích kinh tế, xã hội và không có tác động đáng kể đến môi trường. Tuy nhiên, chỉ sau vài năm hoạt động Dự án đã phải dừng mà nguyên nhân chưa được làm rõ, chỉ nói là vấn đề kinh phí, gặp vướng mắc về huy động và góp vốn, dẫn đến hàng loạt hệ lụy, như chậm tiến độ giải phóng mặt bằng, thiếu tiền thanh toán cho nhà thầu tư vấn lập thiết kế kỹ thuật và xây dựng khu tái định cư [1]. Nếu với nguyên nhân này thì vấn đề dừng Dự án và những hệ lụy là từ chủ Dự án, TIC/TKV phải chịu trách nhiệm. Nếu Dự án chấm dứt thì mọi khoản chi cho Dự án phải được tính toán cụ thể, quy trách nhiệm cho các đối tượng cụ thể và nếu là tiền ngân sách Nhà nước (tiền thuế từ dân) thì phải công khai trước cộng đồng. Có thể, một số cán bộ chủ chốt xây dựng Dự án đã nghỉ hưu, chuyển công tác nhưng họ vẫn phải chịu trách nhiệm giải trình những công việc mình phụ trách, mình đã thực hiện liên quan tới Dự án.

Không biết, những ý kiến phản biện của địa phương, của các tổ chức, của các nhà khoa học có ảnh hưởng đến việc dừng hoạt động Dự án thời gian qua hay không. Nếu vì những ý kiến này mà cấp có thẩm quyền quyết định dừng Dự án thì trách nhiệm không chỉ ở chủ Dự án mà còn ở các cơ quan thẩm định Dự án, cơ quan ra quyết định nữa. Các cơ quan này đã không đánh giá đúng về Dự án, về những khó khăn, về nguyên nhân dẫn đến phải dừng Dự án giữa chừng.

Và, dù vì nguyên nhân gì đi nữa vẫn phải công khai để cộng đồng, xã hội và đặc biệt là cư dân vùng dự án được biết, tránh tâm trạng bức xúc như một số phương tiện đại chúng đã nêu.

Vai trò của các cơ quan chức năng có thẩm quyền quyết định cho Dự án hoạt động

Hiện tại, chúng tôi chưa tra được cấp ký cho phép Mỏ sắt Thạch Khê hoạt động nhưng với quy mô Dự án thì có thể thấy Chính phủ sẽ ký với sự vào cuộc cung cấp thông tin tư vấn của nhiều bộ, ngành như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, TKV, Tổng Công ty Thép Việt Nam... Những người có thẩm quyền quyết định liên quan đến Dự án có thể đã không còn tại vị nhưng họ vẫn phải chịu trách nhiệm nếu như có ý kiến không đúng, dẫn đến cho phép thực hiện Dự án còn nhiều vấn đề gây bức xúc và phải dừng giữa chừng. Vấn đề hiện nay là phải xem xét lại tất cả tài liệu đã được trình bày liên quan đến Dự án trên quan điểm lịch sử, nghĩa là xét đến điều kiện thực tế đúng thời điểm ra đời tài liệu. Việc xem xét lại các tài liệu nhằm mục đích chính là tìm được những hạn chế, thiếu sót, nguyên nhân đã gây ra những tác động không đáng có để tìm cách tháo gỡ, giảm thiểu tác hại. Bất cứ dự án nào cũng phải thực hiện quá trình này, đó là quá trình kiểm toán môi trường và hiệu chỉnh hoạt động.

Kinh nghiệm từ giải quyết Dự án Formosa cho thấy, do không thường xuyên xem xét, quá tin tưởng vào dự báo trong ĐTM đã để xảy ra sự cố không mong muốn và nhiều cán bộ có trách nhiệm đã chịu kỷ luật (cả ở cấp bộ, ngành và địa phương). Nếu tổ chức thẩm định không tốt sẽ có báo cáo ĐTM kém chất lượng, nếu không tổ chức xem xét kỹ thì có thể để một số công nghệ lạc hậu đưa vào hoạt động hoặc thiếu thông tin có thể dẫn đến chấp nhận phương án tài chính, ước tính giá thành, giá bán sản phẩm, biến động thị trường nguồn cung đầu vào và nguồn cầu đầu ra không sát thực tế thì sẽ dẫn đến hệ lụy không mong muốn, có thể dẫn đến dừng, gián đoạn Dự án như đã xảy ra với Mỏ sắt Thạch Khê.

Tình hình hiện nay đòi hỏi các cơ quan có thẩm quyền phải vào cuộc một cách mạnh mẽ, yêu cầu chủ Dự án làm rõ khả năng thay đổi nhiều hạng mục Dự án, xác định đúng mức hoàn vốn Dự án, khả năng thay đổi, sử dụng công nghệ mới, những thay đổi về thị trường (cả vốn, công nghệ, đầu vào, đầu ra) để xem xét. Các cơ quan có thẩm quyền phải huy động được các nhà khoa học, các chuyên gia có đủ năng lực vào các hội đồng thẩm định, phải tranh thủ thêm các ý kiến của cộng đồng để xem xét lại một cách toàn diện Dự án để tư vấn cho cơ quan ra quyết định lựa chọn phương án hợp lý nhất để thực hiện. Chắc chắn chọn phương án nào trong hai phương án nêu trên đối với Dự án Mỏ sắt Thạch Khê đều có thể phát sinh rất nhiều chi phí, chẳng hạn quyết định chấm dứt Dự án thì sẽ mất hàng nghìn tỷ đồng đầu tư trước đó hoặc cho Dự án khởi động lại, tiếp tục hoạt động thì cũng có thể đội vốn lên nhiều và hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường suy giảm. Vì vậy phải có giải pháp khắc phục khả thi, tính đến lợi ích tất cả các bên (Nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng...) một cách hợp lý, hài hòa, chấp nhận được.

UBND tỉnh Hà Tĩnh và lãnh đạo các huyện, xã liên quan

Chắc chắn Dự án Mỏ sắt Thạch Khê đã nhận được sự ủng hộ toàn diện của UBND tỉnh Hà Tĩnh, UBND các huyện, xã có liên quan trong suốt thời gian lập, trình Dự án để được phê duyệt và khởi công giai đoạn 2008 - 2009. Và quả thật, nếu Dự án không bị dừng thì Hà Tĩnh đã có hệ thống liên hoàn, từ khai thác chế biến quặng sắt, luyện thép, chế biến thép quy mô lớn, giúp một tỉnh nhỏ đổi đời. Việc UBND các cấp ủng hộ Dự án cũng dựa trên cơ sở xét duyệt hồ sơ Dự án, dựa trên ý kiến các bộ, ngành và của nhiều nhà khoa học. Việc dừng Dự án có lẽ nằm ngoài dự liệu của chính quyền các cấp.

Mãi về sau, UBND tỉnh và UBND, lãnh đạo của một số huyện, xã mới có ý kiến trái chiều, yêu cầu dừng hẳn Dự án Mỏ sắt Thạch Khê. Nguyên nhân dẫn đến đề nghị này là nhận thấy những tác động môi trường hiện hữu giai đoạn đầu, dựa vào ý kiến nhiều chuyên gia, tổ chức khoa học công nghệ về khả năng xảy ra sự cố.

Vậy, cái hiện nay cần là các nhóm ý kiến trái chiều của UBND các cấp ở địa phương phải được đặt lên bàn để cùng phân tích lại để có cái nhìn phù hợp, có ý kiến rõ ràng về lựa chọn phương án tiếp theo của Dự án Mỏ sắt Thạch Khê. UBND tỉnh nên có hoạt động dạng này và có thêm sự vào cuộc của các cá nhân, tổ chức ở Trung ương và các địa phương khác có liên quan.

Vai trò của cộng đồng dân cư khu vực Dự án

Dân cư khu vực Dự án trước đây cũng đã ủng hộ Dự án đi vào hoạt động nhưng có lẽ do Dự án dừng hoạt động lâu, nhiều vùng đất bỏ hoang nên lại tìm cách sử dụng lại. Tuy nhiên, về mặt pháp lý, nếu đất đai đã được giao cho Dự án thì khi chưa có quyết định chấm dứt Dự án của cấp có thẩm quyền thì đất đai vẫn thuộc quyền quản lý của Dự án. Đây là điều cư dân nên hiểu và tuân thủ. Riêng các tác động mà cư dân phát hiện thì có thể phản ánh để các cấp có thẩm quyền xử lý.

Vai trò của truyền thông

Truyền thông trước đây và những tháng đầu năm 2022 đã có nhiều bài viết về Dự án Mỏ sắt Thạch Khê và đã thể hiện được vai trò cung cấp thông tin của mình. Tuy nhiên, trước sự kiện có phần rất nóng này đã có ý kiến trái chiều nhau do đứng ở góc nhìn khác nhau. Điều này cũng bình thường đối với một dự án lớn, có nhiều vấn đề cần giải quyết. Tuy nhiên, qua đọc các thông tin, có một điều chúng tôi thấy còn thiếu đó là các tư liệu gốc về nhiều mặt của Dự án mà các phóng viên, nhà báo có quyền khai thác. Nếu có thể, một số tài liệu có được từ các cơ quan truyền thông nên tập hợp, sắp xếp lại để có cái nhìn bao quát hơn về Dự án, giúp bạn đọc hiểu hơn về Dự án, có cơ sở đưa ra ý kiến phản biện hoặc ủng hộ Dự án.

  1. Xem xét lựa chọn phương án dưới góc độ kinh tế môi trường

Kinh tế môi trường cung cấp cho chúng ta một cách thức có thể đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội - môi trường của một dự án hoặc của các phương án thực hiện dự án khác nhau. Đó là quan điểm về tài nguyên và mã hóa, ước tính tất cả chi phí, lợi ích ra giá trị đồng tiền, kể cả chi phí lợi ích môi trường. Quặng sắt Thạch Khê chỉ được coi là tài nguyên khi nó được khai thác, chế biến, tiêu thụ đem lại lợi ích cho cộng đồng dân cư, quốc gia. Vậy nên, chắc chắn mỏ quặng này phải được khai thác, lúc này có thể dừng nhưng lúc khác phải được khai thác, nếu không sẽ bỏ phí tài nguyên rất đáng tiếc.

Nếu vào trang mạng của TKV, đánh từ khóa Thạch Khê sẽ có một loạt bài chứng minh TIC/TKV có đủ khả năng khởi động lại Dự án và Dự án sẽ mang lại nhiều lợi ích cho phát triển của Hà Tĩnh nói riêng và Việt Nam nói chung. Vì vậy chủ Dự án nên trình bày giá trị tính được của giá trị hiện tại ròng NPV, hệ số hoàn vốn nội bộ IRR, tỷ số lợi ích/chi phí B/C theo công thức có trong phương pháp phân tích chi phí lợi ích (CBA) đã tính trước đây và mới tính gần đây để làm rõ hiệu quả kinh tế của Dự án, làm rõ khả năng đóng góp của Dự án vào phát triển của cả nước nói chung và Hà Tĩnh nói riêng. Nếu làm rõ, chứng minh được NPV dương, IRR lớn hơn so với tỷ lệ trả lãi vay vốn và B/C lớn hơn 1 thì Dự án sẽ hoàn vốn và có hiệu quả kinh tế.

Chắc chắn trong tính toán các chi phí, lợi ích do chủ Dự án thực hiện đã tính tới các chi phí cho công trình xử lý ô nhiễm, công trình ngăn xói lở và nhiều công trình giảm thiểu tác hại môi trường khác. Tuy nhiên trong thực tế vẫn có thể phát sinh thêm những tác động môi trường xã hội chưa được tính đến như về chi phí tái định cư cho dân có cuộc sống ồn định hơn, chi phí do chất thải mỏ gây nên, chi phí hoàn thổ,... thì các cấp có thẩm quyền nên áp dụng phương pháp phân tích chi phí, lợi ích mở rộng để tính giá trị NPVmr, IRRmr, B/Cmr khi có thêm chi phí, lợi ích này. Khi đó, nếu NPVmr vẫn lớn hơn không, IRRmr vẫn lớn hơn lãi suất vay vốn, B/Cmr vẫn lớn hơn 1 thì dự án sẽ có hiệu quả kinh tế - xã hội - môi trường. Ở một số nước, phương pháp phân tích chi phí lợi ích mở rộng được áp dụng ngay trong quá trình đánh giá tác động môi trường (ĐTM) nhưng ở Việt Nam chưa áp dụng. Tuy nhiên, phương pháp này cũng đã được sử dụng đánh giá hiệu quả một số dự án (như Dự án khai thác boxite, chế biến alumina Tây Nguyên chẳng hạn) nên có thể áp dụng.

Sử dụng các phương pháp này cho các phương án khác nhau sẽ có giá trị NPV, IRR, B/C khác nhau cho phép so sánh để lựa chọn phương án có lợi ích cao để thực hiện. Nếu cơ quan có thẩm quyền quyết định áp dụng phương pháp này thì phải tổ chức thu hút được nhóm cán bộ có kiến thức về dự án, kiến thức về môi trường, về kinh tế, về xã hội cùng làm việc thì mới cho kết quả tốt.

Xã hội, cộng đồng mong chờ một quyết định sáng suốt của cơ quan có thẩm quyền về Dự án Mỏ sắt Thạch Khê và với bài viết này chỉ đóng góp một góc nhìn để tham khảo.

Tài liệu tham khảo

[1]. TKV muốn khởi động lại mỏ sắt Thạch Khê. VnExpress.net, 14/4/2022
https://vnexpress.net/tkv-muon-khoi-dong-lai-mo-sat-thach-khe-4451361.html
[2]. Dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê “ngóng” ngày tái khởi động, baophapluat.vn ngày 22/4/2022.
https://baophapluat.vn/du-an-khai-thac-va-tuyen-quang-mo-sat-thach-khe-ngong-ngay-tai-khoi-dong-post443635.html[3]. Hà Tĩnh kiến nghị dừng mỏ sắt Thạch Khê, VnExpress.net ngày 15/5/2018
https://vnexpress.net/ha-tinh-kien-nghi-dung-mo-sat-thach-khe-3743537.html
[4]. Mỏ sắt Thạch Khê: Chủ tịch UBND Hà Tĩnh dứt khoát đề nghị dừng khai thác, laodong.vn ngày 5/5/2022.
https://laodong.vn/kinh-te/mo-sat-thach-khe-chu-tich-ubnd-ha-tinh-dut-khoat-de-nghi-dung-khai-thac-1041231.ldo
[5]. Bộ Tài nguyên kiến nghị chưa nên khai thác mỏ sắt Thạch Khê, tuoitre.vn ngày 19/01/2019.
https://tuoitre.vn/bo-tai-nguyen-kien-nghi-chua-nen-khai-thac-mo-sat-thach-khe-20190109104813643.htm

[6]. Báo cáo Bộ Chính trị việc dừng khai thác mỏ sắt Thạch Khê, tuoitre.vn ngày 22/11/2019
https://tuoitre.vn/bao-cao-bo-chinh-tri-viec-dung-khai-thac-mo-sat-thach-khe-20191122095714183.htm

GS.TS Hoàng Xuân Cơ (Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam)

Bạn đang đọc bài viết Đóng cửa hay tạm dừng khai thác mỏ sắt Thạch Khê - Nhìn từ góc độ kinh tế môi trường (Bài 7). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới