Đề xuất tái khởi động mỏ sắt Thạch Khê: Nỗi niềm của người dân vùng mỏ (Bài 8)
Theo người dân sinh sống trong khu vực mỏ sắt Thạch Khê, cuộc sống của họ sẽ tốt hơn rất nhiều nếu như dự án này chưa từng tồn tại.
Tiếp tục tuyến bài phản biện "Dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê dưới góc nhìn Kinh tế môi trường", Phóng viên Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường đã tới khu vực mỏ Thạch Khê để lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của người dân và chính quyền địa phương.
"Đừng làm chúng tôi bất an thêm nữa"
Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường, ông Phan Xuân Mậu – Chủ tịch UBND xã Thạch Khê, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) cho biết: "Dự án mỏ sắt Thạch Khê khởi công được một thời gian thì tạm dừng (từ năm 2008-2011). Trong quá trình khai thác, dự án để lại một số hệ lụy cho địa phương như hiện tượng cây chết, mưa lũ tràn về khi mùa mưa tới gây ngập úng. Tư tưởng người dân thì bất an khi họ chưa biết ở hay đi do chưa được xác định rõ ràng về việc đền bù và tái định cư".
Theo lãnh đạo xã Thạch Khê, 1/4 xã này bị cắt bản đồ địa chính do nằm trong quy hoạch của dự án khiến người dân không được xây dựng, cơi nới, tu sửa nhà. Các công ty, xí nghiệp muốn đầu tư dự án cũng không được vì đất đai còn thuộc sự quản lý của mỏ sắt. Trụ sở của UBND xã thiếu 10/11 phòng làm việc và phải tận dụng nhà của bộ phận một cửa để có nơi làm việc. Quy hoạch khai thác mỏ sắt đã ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của bà con nhân dân thuộc 4 thôn (Đan Khê, Tân Phúc, Vĩnh Tiến, Thanh Lan).
Bày tỏ quan điểm trước thông tin TKV đề nghị Chính phủ cho phép được tái khởi động triển khai Dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê, ông Phan Xuân Mậu thẳng thắn: "Nên dừng hẳn, không khai thác mỏ nữa để ổn định đời sống người dân".
Về phía người dân, sau khi dự án mỏ sắt tạm dừng triển khai trong một thời gian dài, cuộc sống của họ dần đi vào ổn định. Mặc dù vẫn còn một số khó khăn do hệ lụy của việc triển khai dự án giai đoạn I (2008 - 2011), song đối với người dân nơi đây, cuộc sống của họ sẽ tốt hơn rất nhiều nếu như dự án này chưa từng tồn tại.
Ông Phan Hồng Quảng (75 tuổi) trú tại thôn Vĩnh Tiến, xã Thạch Khê, chia sẻ: "Cách đây khoảng 10 năm, khi doanh nghiệp bắt đầu hoạt động khai thác mỏ sắt thì có hiện tượng các vùng đất trồng lúa, hoa màu, bị khô hạn. Đến khi mỏ sắt ngừng hoạt động thì người dân cũng gặp khó khăn trong sản xuất nông nghiệp vì không được đầu tư mương máng do nằm trong khu vực mỏ. Tôi và mọi người dân ở đây đều mong muốn mỏ sắt dừng hoạt động để đời sống nhân dân được ổn định".
Đồng quan điểm, ông Dương Văn Thục (75 tuổi), cán bộ về hưu thôn Vĩnh Tiến, xã Thạch Khê, bày tỏ lo lắng khi nguồn nước ngầm của địa phương bị rút cạn khiến cây cối chết khô, hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
"Nếu như khai thác mỏ là điều cần thiết thì nên tiếp tục nhưng phải có phương án đền bù và xây dựng một khu tái định cư cho người dân. Tuy nhiên, điều người dân chúng tôi mong muốn hơn cả là các cơ quan chức năng nên dừng hẳn và trả lại mặt bằng cho nhân dân vùng bị ảnh hưởng bởi mỏ sắt Thạch Khê trở lại phát triển sản xuất để ổn định cuộc sống", ông Thục bày tỏ.
Nhìn về hướng mỏ Thạch Khê với ánh mắt đượm buồn, bà Nguyễn Thị Lành (50 tuổi, xã Thạch Lạc) đau đáu một nỗi lo cho thế hệ sau. Thông qua báo đài, bà biết được những nguy cơ về môi trường có thể xảy ra khi khi thác mỏ sắt.
"Tôi già rồi, chẳng còn sống được mấy đỗi, nhưng khi nghĩ đến thế hệ con cháu sau này phải sống trong cảnh ô nhiễm tôi không chịu được. Trước đây, khi dự án mới làm được có vài năm mà tác động của nó đã thấy rõ, thiếu nước sản xuất, rồi cát bay. Cũng may mà dừng sớm, mà tốt nhất là dừng hẳn lại, hãy để chúng tôi có cuộc sống yên ổn, đừng làm chúng tôi bất an thêm nữa. Giá như dự án chưa từng tồn tại thì tốt biết bao", bà Lành nói.
Cách mỏ Thạch Khê không xa, nhiều hộ dân hoạt động kinh doanh dịch vụ tại bãi tắm xã Thạch Hải, huyện Thạch Hà cũng rất trăn trở khi nắm được thông tin TKV đề nghị khởi động lại dự án mỏ sắt Thạch Khê. Bởi lẽ, họ đã và đang đầu tư có hiệu quả vào cơ sở vật chất phục vụ cho các hoạt động du lịch.
Chị Trần Thị Ngọc, chủ nhà hàng Hồng Ngọc cho biết: "Sau thời gian dài mỏ sắt Thạch Khê ngừng hoạt động, gia đình tôi đã mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất để phục vụ du khách đến bãi biển Thạch Hải và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế. Khi nghe tin đề xuất khởi động lại mỏ sắt, chúng tôi rất lo lắng. Bao năm nay người dân nơi đây đi cũng dở mà ở cũng không xong. 3-4 thế hệ cùng phải ở trong 1 ngôi nhà rất bất tiện. Chúng tôi mong muốn Chính phủ, các bộ ngành tạo điều kiện để người dân an cư lạc nghiệp, phát triển ngành du lịch với nhiều lợi thế mà thiên nhiên đã ban tặng".
Mong muốn của lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh
Sau khi tham vấn ý kiến của các nhà khoa học, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân địa phương, đồng thời đánh giá một cách nghiêm túc Dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã nhiều lần đề nghị Chính phủ quyết định dừng khai thác mỏ sắt Thạch Khê.
Lần gần đây nhất, vào tháng 11/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải đã có văn bản đề nghị Thủ tướng sớm đồng ý chủ trương chấm dứt hoạt động Dự án khai thác, tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê tại huyện Thạch Hà.
Cụ thể, văn bản của UBND tỉnh Hà Tĩnh nêu rõ, Dự án khai thác, tuyển mỏ sắt Thạch Khê (tỉnh Hà Tĩnh) đã dừng bóc đất tầng phủ và tạm dừng khai thác từ mười năm nay. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã làm việc với Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, đồng thời mời Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tư vấn, phản biện về Dự án.
Trên cơ sở đó, tỉnh Hà Tĩnh đã có nhiều văn bản kiến nghị cơ quan Trung ương, Thủ tướng xem xét cho dừng Dự án, đồng thời chỉ đạo giải quyết tồn đọng, hoàn trả nguyên trạng, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân. Việc Dự án đã tạm dừng từ lâu nhưng chưa có phương án xử lý hiệu quả dẫn tới nhiều tồn đọng, nhiều phát sinh liên quan chưa được giải quyết.
Vì vậy, để giải quyết các vướng mắc, tạo điều kiện cho công ty tham gia chuyển đổi các hoạt động sản xuất kinh doanh khác, đồng thời để ổn định việc sản xuất, đời sống cho nhân dân trên địa bàn liên quan hoạt động khai thác mỏ, UBND tỉnh Hà Tĩnh kính đề nghị Thủ tướng sớm đồng ý chủ trương chấm dứt hoạt động Dự án khai thác, tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê và Nhà máy luyện thép công suất 2 triệu tấn/năm của Công ty Cổ phần sắt Thạch Khê.
Tỉnh Hà Tĩnh cũng đề nghị Chính phủ xem xét kiến nghị của Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam và của Công ty Cổ phần sắt Thạch Khê về việc tạm dừng thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với Công ty Cổ phần sắt Thạch Khê để công ty duy trì hoạt động trong thời gian dừng khai thác.
Theo lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, khi có quyết định dừng khai thác mỏ sắt Thạch Khê từ Chính phủ, Hà Tĩnh cam kết sẽ thực hiện các nội dung Trung ương giao. Trong đó, sẽ thu hồi diện tích 980 ha để điều chỉnh quy hoạch phục vụ phát triển dịch vụ du lịch, đẩy mạnh thu hút đầu tư, góp phần phát triển kinh tế, xã hội bền vững.
Trước việc Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đề nghị Chính phủ cho phép được tái khởi động triển khai Dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê, GS.TSKH Đặng Trung Thuận cho rằng, có 3 phương án để lựa chọn cho mỏ sắt Thạch Khê.
Thứ nhất, nối lại hoạt động khai thác, chấp nhận các rủi ro, nguy cơ tác động đến môi trường đất, nước, biển và an sinh xã hội… mà việc khắc phục chúng sẽ đẩy giá thành sản xuất quặng lên cao, kém sức cạnh tranh trên thị trường.
Thứ hai, chấm dứt hoạt động, chịu mất phần vốn đầu tư đã bỏ ra. Phương án này giúp tránh tất cả các rủi ro không mong muốn có thể xảy ra trong suốt đời dự án 52 năm. Cái mất là phải chấp nhận mất một khoản vốn đầu tư lớn ban đầu.
Thứ ba, tiếp tục tạm dừng hoạt động của dự án, cho đến khi những vấn đề về môi trường (tự nhiên và xã hội) có được phương án xử lý tốt; khi các khó khăn về kỹ thuật và công nghệ được khắc phục, giải quyết được vấn đề tái định cư, định canh của người dân trong khu vực. Khi nào chúng ta đảm bảo dự án thực sự có lãi và hội tụ đủ các điều kiện "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" thì có thể tiếp tục.
"Khi xảy ra sự cố môi trường Formosa, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu rằng, không đánh đổi môi trường vì lợi ích kinh tế trước mắt. Đây là phương án được chọn đối với mỏ Thạch Khê”, GS.TSKH Đặng Trung Thuận nhấn mạnh.
Nhóm PV