Thứ hai, 14/10/2024 02:32 (GMT+7)
Thứ hai, 22/08/2022 07:00 (GMT+7)

[Dự án mỏ sắt Thạch Khê - tiếp tục hay dừng lại?] Bài cuối: Kỳ vọng quyết sách hợp lòng dân

Theo dõi KTMT trên

Tái khởi động dự án hay dừng lại đang là câu hỏi mà chính quyền, người dân, chủ đầu tư rất mong chờ… Hơn lúc nào hết, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh và các xã vùng mỏ đang kỳ vọng vào những quyết sách đúng đắn, kịp thời và hợp lòng dân của Chính phủ.

Kiên quyết đề nghị dừng khai thác

Dừng khai thác mỏ sắt Thạch Khê hiện là tâm nguyện chung của lãnh đạo tỉnh, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và đại đa số Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh. Tâm nguyện đó đã và đang nhận được sự đồng tình của một số bộ, ngành, và nhiều chuyên gia, các nhà khoa học trên cả nước.

[Dự án mỏ sắt Thạch Khê - tiếp tục hay dừng lại?] Bài cuối: Kỳ vọng quyết sách hợp lòng dân - Ảnh 1
Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát thực trạng mỏ sắt Thạch Khê (huyện Thạch Hà). (Ảnh: H. Phong)

Tại kỳ họp thường lệ giữa năm 2022 của HĐND tỉnh Hà Tĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Trung Dũng chia sẻ: Tỉnh Hà Tĩnh đã có nhiều văn bản gửi Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, đề xuất dừng khai thác mỏ sắt Thạch Khê. Tại cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh ngày 11/6/2022, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và tỉnh Hà Tĩnh rà soát, đánh giá khách quan, toàn diện dự án để báo cáo Chính phủ. Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh sẽ tiếp tục kiến nghị, đề xuất Trung ương sớm có quyết định đối với dự án này.

Tại buổi khảo sát thực trạng mỏ sắt Thạch Khê của Thủ tướng Chính phủ và đoàn công tác đầu tháng 6.2022, đại diện lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục nhấn mạnh: Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê đang tồn tại nhiều vấn đề. Trong đó, chưa đủ điều kiện tin cậy để khai thác, nhất là từ độ sâu -145m đến -550m, nguy cơ xảy ra thảm họa bất ngờ gây tụt bờ moong mỏ khi khai thác xuống sâu từ -145m. Chính vì vậy, Hà Tĩnh kiên quyết đề nghị dừng khai thác mỏ sắt này.

Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định, dự án chưa có giải pháp xử lý khi gặp hang động ngầm thông biển, hang caster, dẫn đến không thể khai thác giai đoạn 1 và bổ sung nghiên cứu, cập nhật điều kiện khai thác… Thêm vào đó, dự án cũng có nhiều nguy cơ như: Tụt nước ngầm, sa mạc hóa; đổ nước thải ra biển gây ô nhiễm; tác động biến đổi khí hậu, bão, nước dâng... Quá trình vận chuyển sản phẩm dự án bằng đường bộ khó khả thi, gây ô nhiễm trong khi khu vực mỏ là biển ngang, chưa có chi phí xây dựng cảng. Dự án cũng ảnh hưởng đến phát triển du lịch - đô thị biển hiện hữu, ảnh hưởng đến môi trường, thủy hải sản, việc làm, đời sống người dân trên địa bàn...

Còn theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phương án chấm dứt hoạt động dự án là tối ưu, có cơ sở pháp lý theo quy định của Luật Đầu tư, cụ thể: Dự án không bảo đảm điều kiện để tiếp tục triển khai thực hiện theo Kết luận của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Việc đề xuất chấm dứt dự án phù hợp với quy định của pháp luật về đầu tư qua các thời kỳ… Bộ kiến nghị Thủ tướng đồng ý về chủ trương tiến hành các thủ tục chấm dứt hoạt động dự án; giao Ban Cán sự Đảng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa ủy quyền của Ban Cán sự Đảng Chính phủ phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện báo cáo về dự án, trình Bộ Chính trị xem xét, quyết định.

Còn nhớ, trong chuyến thăm và làm việc tại Hà Tĩnh (hồi tháng 1/2018), nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân từng khẳng định: Chúng ta đang có nguồn tài nguyên rất lớn nằm trong lòng đất chưa khai thác được, chúng ta cũng có nguồn tài nguyên nổi rất đẹp, rất hoang sơ nhưng chưa được khai thác, đó là du lịch biển Thạch Hải. Để Thạch Hải nói riêng và Thạch Hà nói chung phát triển, có lẽ chúng ta phải tạm thời dừng khai thác tài nguyên trong lòng đất để khai thác tiềm năng lợi thế từ biển đang sôi động.

Sớm có quyết sách đúng đắn để ổn định đời sống dân cư

Trong chuyến thị sát thực tế thực trạng mỏ sắt Thạch Khê và bãi biển Thạch Hải (huyện Thạch Hà) mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Dự án với 7.000 hộ dân trong vùng dự án sau 14 năm triển khai hiện đang xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều giữa lợi ích kinh tế từ dự án và quy hoạch phát triển du lịch, đời sống người dân địa phương. Do đó, cần phải có tính toán theo nguyên tắc tập trung, phát huy dân chủ, huy động trí tuệ tập thể, lắng nghe ý kiến để lựa chọn hướng đi phù hợp trong thời gian tới.

Theo Thủ tướng Chính phủ, việc quyết định dừng hay tiếp tục triển khai dự án phải có đánh giá khoa học, khách quan; có đánh giá tác động tổng thể từ các vấn đề kinh tế - xã hội, đời sống người dân, bảo đảm môi trường và các vấn đề liên quan; việc đánh giá cũng phải mang tính dự báo dài hơi. Sau đánh giá, trường hợp có lợi thì tổ chức triển khai, nếu chưa có lợi thì dừng lại và tiếp tục nghiên cứu… “Việc này phải sớm có quyết sách đúng đắn để ổn định đời sống dân cư địa phương. Quyết sách này phải bảo đảm cơ sở khoa học và hợp lòng dân”, Thủ tướng lưu ý.

Không đánh đổi môi trường để lấy kinh tế là quan điểm xuyên suốt của Đảng, Chính phủ, Nhà nước ta trong suốt thời gian qua. Với Dự án mỏ sắt Thạch Khê, tái khởi động hay chấm dứt chính là lựa chọn giữa môi trường và kinh tế, giữa cái lợi trước mắt với sự phát triển bền vững… Còn với người dân 5 xã ven biển huyện Thạch Hà, sau chuyến khảo sát của Thủ tướng và đoàn công tác, hơn lúc nào hết, họ đang kỳ vọng, trông chờ vào những quyết sách đúng đắn, kịp thời của Chính phủ!

Theo Báo Đại biểu Nhân Dân

Bạn đang đọc bài viết [Dự án mỏ sắt Thạch Khê - tiếp tục hay dừng lại?] Bài cuối: Kỳ vọng quyết sách hợp lòng dân. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Phát triển bền vững ngành điện: Đâu là giải pháp?
Những năm qua, giá điện trở thành chủ đề nóng thu hút nhiều sự quan tâm của xẫ hội. Việc giá bán lẻ điện không theo kịp giá thành sản xuất đã tạo ra những thách thức lớn cho ngành điện trong việc duy trì đầu tư, phát triển, và đảm bảo an ninh năng lượng.

Tin mới