Thứ bảy, 27/04/2024 16:19 (GMT+7)
Chủ nhật, 31/12/2023 11:00 (GMT+7)

Nhạc sỹ Văn Cao tác giả Quốc ca Việt Nam

Theo dõi KTMT trên

Ngày 16/8/1945 khai mạc Đại hội Đại biểu Quốc dân tại Tân Trào, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thông qua 3 Quyết định lớn trong đó Đại hội quy định Quốc kỳ là lá cờ đỏ sao vàng năm cánh ở giữa, Quốc ca là Tiến Quân ca của Văn Cao.

Nhạc sỹ Văn Cao sinh ngày 15/11/1923 tại Hải Phòng, quê gốc tại làng An Lễ, nay là làng Nhất Giáp xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Ông là con thứ năm trong gia đình có 10 người con. Lúc còn nhỏ Văn Cao học ở Trường tiểu học Bonnal, sau đó là Trường trung học Sainsosef, tại đây ông được học nhạc lý tân nhạc cơ bản, được 2 năm cha mất ông phải bỏ học đi làm kiếm sống.

Nhạc sỹ Văn Cao tác giả Quốc ca Việt Nam - Ảnh 1
Nhạc sỹ Văn Cao (ảnh tư liệu).

Văn Cao có năng khiếu nghệ thuật từ bé, năm chín tuổi đã say mê hội họa, năm mười ba, mười bốn tuổi Văn Cao bắt đầu làm thơ, viết văn, 3 truyện ngắn của ông: Siêu nước nóng, Dọn nhà, Người vợ cả mù và những bài thơ: Quê lòng, Đêm ngàn, Ai về Kinh Bắc, Một đêm lạnh trên sông Huế lần lượt ra đời, được đăng trên báo Tiểu thuyết Thứ Bẩy vào những năm 1940,1941.

Cuối năm 1930, Tân nhạc Việt Nam ra đời, ở Hải Phòng tập trung nhiều nhạc sỹ tiên phong như Đình Nhu, Lê Thương, Tô Vũ, Hoàng Quý... Văn Cao tham gia nhóm Đồng Vọng của Hoàng Quý, Buồn tàn thu là ca khúc đầu tay sáng tác năm 1939, lúc đó Văn Cao mới 16 tuổi. Sau đó hàng loạt các tác phẩm lãng mạn khác: Hò kéo gỗ Bạch Đằng giang, Thiên Thai (1941) Trương Chi, Suối mơ, Thu cô liêu, Gò Đống Đa, Cung đàn xưa, Thăng Long hành khúc ca (1943)... nối tiếp nhau ra đời làm nên diện mạo Văn Cao nổi tiếng trong các nhạc sỹ sáng tác âm nhạc.

Năm 1942, Văn Cao gia nhập Hướng đạo sinh, được Vũ Quý, một cán bộ của Đảng giác ngộ, đưa vào hoạt động trong tổ chức Thanh niên yêu nước ở Hải Phòng. Văn Cao hai lần có tranh trong triển lãm Salon unigne, tổ chức tại nhà Khai Trí Tiến Đức (Hà Nội), với các bức tranh sơn dầu: Cô gái dậy thì, Sám hối, Nửa đêm, đặc biệt là bức tranh Cuộc khiêu vũ của những người tử tù được đánh giá cao và gây chấn động dư luận.

Tháng 11/1944, Văn Cao được giao nhiệm vụ thành lập đội trừ gian mang tên Đội danh dự Việt Minh do ông làm Đội trưởng. Sau cách mạng tháng Tám, Văn Cao làm phóng viên và trình bày báo Lao động. Đầu năm 1946 Văn Cao phụ trách một đoàn tàu chở vũ khí, tiền bạc tiếp viện cho mặt trận Nam Bộ. Sau đó, Văn Cao được chính thức mời tham gia Hội Văn hóa cứu quốc được bầu là Ủy viên chấp hành Tổ điều tra Công an Liên khu.

Tháng 3/1948 Văn Cao được kết nạp vào Đảng Cộng Sản Đông Dương. Cuối năm 1949, Văn Cao phụ trách Đoàn nhạc sỹ Việt Nam, thời gian này Văn Cao sáng tác các ca khúc nổi tiếng: Làng tôi (1947), Ngày mùa (1948), Tiến về Hà Nội, đặc biệt là Trường ca Sông Lô.

Tháng 9/1954 Văn Cao trong Đoàn đại biểu cứu quốc thăm Liên Xô, Trung Quốc, ông không có mặt trong Đoàn quân Tiến về giải phóng Thủ đô để minh chứng dự báo của ông từ 1948 đã thành sự thật.

Năm 1957 Văn Cao được bầu là Phó Tổng thư ký Hội Nhạc sỹ và Quyền Tổng thư ký Hội liên hiệp Văn học – Nghệ thuật Việt Nam. Ca khúc Mùa xuân đầu tiên Văn Cao sáng tác cuối năm 1975 chào mừng Mùa xuân đầu tiên của đất nước được thống nhất, đây là sáng tác cuối cùng của ông. Ông mất ngày 10/7/1995 thọ 72 tuổi.

Nhạc sỹ Văn Cao tác giả Quốc ca Việt Nam - Ảnh 2
Làng An Lễ, xã Liên Minh, Vụ Bản, Nam Định quê hương của nhạc sỹ Văn Cao.

Âm nhạc của Văn Cao thể hiện một tài năng thiên bẩm. Ông là tác giả của nhiều bài hát rung động lòng người, những bài hát đã trở thành một phần tài sản trong tinh thần của biết bao thế hệ người Việt Nam bởi vì “Trong âm nhạc Văn Cao sang trọng như một ông hoàng.... Âm nhạc của Anh Văn (Văn Cao) là âm nhạc của thần tiên bay bổng” (Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn).

Trường ca Sông Lô được nhạc sỹ Phạm Duy đánh giá là “Một tác phẩm vĩ đại”, “Văn Cao là cha đẻ của Trường ca”, “về hình thức chẳng thua gì bất cứ một tuyệt phẩm nào của loại nhạc cổ điển Tây Phương. Nét nhạc của Văn Cao rất mạnh khỏe, rất tươi sáng, nhịp điệu vô cùng phong phú với chuyển đoạn rất tài tình...Trường ca sông Lô phải là đỉnh cao nhất của nhạc kháng chiến nói riêng, của Tân nhạc nói chung”.

Nói đến Văn Cao là nói đến Tiến Quân ca, Tiến Quân ca là một trong những bài hát tiêu biểu của Ca khúc Cách mạng Việt Nam, với âm hưởng hào hùng thôi thúc, Tiến quân ca đã cổ vũ tinh thần, nhiệt huyết và lòng yêu nước của bộ đội, nhân dân Việt Nam cùng đứng lên giành độc lập.

 Ngày 16/8/1945 tại Đình Tân Trào, chủ tịch Hồ Chí Minh đã khai mạc Đại hội Đại biểu Quốc dân. Đại hội đã thông qua 3 Quyết định lớn trong đó Đại hội quy định Quốc kỳ là lá cờ đỏ sao vàng năm cánh ở giữa, Quốc ca là Tiến Quân ca của Văn Cao. Đầu năm 1946 Quốc hội khóa I lại chính thức khẳng định chọn bài Tiến Quân ca là Quốc ca của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Để ghi nhận những đóng góp to lớn của Văn Cao cho Đất nước, cho sự nghiệp Văn học và Nghệ thuật, Đảng và Nhà nước ta đã trao tặng cho ông nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương kháng chiến Hạng nhất; Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Độc lập Hạng nhất; Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Hồ Chí Minh…

Với “Chữ tâm - Chữ tài”, “nguyện hiến dâng hết thảy cho Quê hương, Đất nước, Nhạc sỹ Văn Cao xứng đáng là tác gia lớn của nền Âm nhạc nước nhà. Tên tuổi ông mãi mãi là niềm tự hào vô bờ của Quê hương, Dân tộc, nó trường tồn, bất tử như những khúc khải hoàn ca ngân mãi, vang mãi”(Nguyễn Thanh).

Trên mảnh đất Liên Minh, nói đến nhà Cách mạng tiền bối là nói đến Nguyễn Phúc, nói đến vị tướng tài ba là nói đến Thượng tướng Song Hào, nói đến nhà ngoại giao lỗi lạc là nói đến Nguyễn Cơ Thạch. Trên lĩnh vực văn hoá, văn học, nghệ thuật, nói đến bài thơ Núi Đôi là nói đến Vũ Cao, nói đến tiểu thuyết Bên đường 12 là nói đến Nhà văn Vũ Tú Nam, nói đến Bài ca hy vọng là nói đến Nhạc sỹ Văn Ký… và đặc biệt, nói đến Tiến Quân Ca là nói đến Văn Cao, một thiên tài âm nhạc.

Phạm Văn Cường

Bạn đang đọc bài viết Nhạc sỹ Văn Cao tác giả Quốc ca Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới