Thứ bảy, 23/11/2024 04:18 (GMT+7)
Thứ bảy, 14/05/2022 07:50 (GMT+7)

Nhà chống lũ - Giải pháp thiết thực ứng phó thiên tai cho người dân

Theo dõi KTMT trên

Đây là kết quả hữu hình của cam kết không bỏ lại ai phía sau, UNDP tin tưởng và cam kết tiếp tục hỗ trợ các hoạt động nhà ở an toàn chống chịu bão, lụt cho những người dân dễ bị tổn thương tại các tỉnh ven biển miền Trung.

Đây là khẳng định của bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại hội thảo “Nhà an toàn chống chịu bão, lụt: Mô hình thành công và hướng đi trong thời gian tới”. Hội thảo diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị quốc tế về kinh tế đại dương bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. Sự kiện được tổ chức dưới sự đồng chủ trì của: đại diện UNDP Việt Nam; đại diện Bộ NN&PTNT; đại diện Bộ Xây dựng.

Được biết, Việt Nam là nước chịu ảnh hưởng lớn bởi biến đổi khí hậu và thiên tai, từ năm 2021 đến hết tháng 2/2022 đã xảy ra 9 cơn bão, 3 áp thấp nhiệt đới trên biển Đông, 144 trận động đất nhẹ, 326 trận mưa đá, dông lốc, sét; 177 trận mưa lớn, lũ cục bộ, trong đó 9 trận lũ ống, lũ quét, 163 vụ sạt lở bờ sông…

Đặc biệt, tại khu vực miền Trung, tốc độ lũ lên nhanh, thời gian lũ kéo dài, giao thông chia cắt; lương thực, nhu yếu phẩm khó khăn, do đó việc xây dựng nhà an toàn ở vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của bão, lũ được xem là giải pháp thiết thực giúp người dân ứng phó với thiên tai.

Nhà chống lũ - Giải pháp thiết thực ứng phó thiên tai cho người dân - Ảnh 1
Toàn cảnh Hội thảo “Nhà an toàn chống chịu bão, lụt: Mô hình thành công và hướng đi trong thời gian tới”. (Ảnh: UNDP)

Tính từ năm 2018 đến nay, thông qua Dự án "Tăng cường khả năng chống chịu của các cộng đồng ven biển dễ bị tổn thương bởi những tác động liên quan đến biến đổi khí hậu tại Việt Nam", 4.100 ngôi nhà an toàn chống chịu bão, lụt đã được UNDP và Chính phủ Việt Nam hỗ trợ xây dựng cho những hộ dân nghèo ở các tỉnh ven biển miền Trung.

Đây là một sáng kiến chung giúp cộng đồng chống chọi với các rủi ro thiên tai và các tác động liên quan đến khí hậu đã được khởi xướng dưới sự lãnh đạo của Chính phủ Việt Nam, đặc biệt là Bộ NN&PTNT và Bộ Xây dựng, với sự hợp tác chặt chẽ của UNDP và Quỹ Khí hậu Xanh. Sáng kiến này kết hợp hỗ trợ viện trợ không hoàn lại và chương trình nhà ở quy mô lớn của Chính phủ để xây dựng các ngôi nhà chống bão, lũ ở một số địa phương dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai nhất của Việt Nam.

“Tất cả những ngôi nhà này đã chống chọi rất tốt với những cơn bão liên tiếp và lũ lụt quy mô lớn đổ bộ vào Việt Nam vào năm 2020. Những căn nhà này đã bảo vệ an toàn cuộc sống và sinh kế của người dân và tại nhiều cộng đồng, những căn nhà này cũng bảo vệ những người hàng xóm sống gần đó. Chúng tôi cam kết xây dựng thêm 1.450 căn nhà, mở rộng đến tỉnh Bình Định và Cà Mau”, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh.

Các nghiên cứu gần đây cũng cho thấy, hơn 110.000 gia đình vẫn sống trong tình trạng không có nhà ở an toàn trên 28 tỉnh ven biển, trong đó có hơn 25.000 ở các huyện ven biển.

Theo bà Caitilin Wiesen "Tổng chi phí khoảng 330 triệu đô la Mỹ để cung cấp nhà ở cho những người dễ bị tổn thương do khí hậu ở Việt Nam. Điều này có thể được thực hiện trong một nỗ lực hợp tác được lên kế hoạch tốt, kết hợp cả tài chính công và tư nhân. Đây là một khoản đầu tư cần thiết để đảm bảo một quá trình Chuyển đổi Khí hậu Công bằng mang lại lợi ích cho những người dễ bị tổn thương nhất và không ai bị bỏ lại phía sau".

Đây là kết quả hữu hình của cam kết không bỏ lại ai phía sau, UNDP tin tưởng và cam kết tiếp tục hỗ trợ các hoạt động nhà ở an toàn chống chịu bão, lụt cho những người dân dễ bị tổn thương tại các tỉnh ven biển. Trong thời gian tới, UNDP sẽ tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam xây dựng thêm 1.450 căn nhà, mở rộng đến các tỉnh từ Bình Định đến Cà Mau.

Khẳng định tính hiệu quả của việc xây dựng mô hình nhà an toàn phòng, chống lụt bão. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế Phan Quý Phương cho biết, trong đợt mưa lũ lịch sử năm 2020, nhiều khu vực thấp trũng ở tỉnh Thừa Thiên-Huế đã bị nhấn chìm, hàng trăm nghìn người dân đã phải đi sơ tán, cùng với đó là hàng nghìn ngôi nhà và tài sản khác cũng hư hại nghiêm trọng.

Tuy nhiên, cũng trong thời điểm này, hàng nghìn ngôi nhà phòng, chống lụt bão được Chính phủ Việt Nam phối hợp với UNDP hỗ trợ xây dựng cho các hộ nghèo, hộ khó khăn ở những vùng hay có lũ lụt đã phát huy hiệu quả. Đây là một việc làm thiết thực hỗ trợ những người dân có hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống tại các khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai nói chung và tại tỉnh Thừa Thiên-Huế nói riêng.

Tại hội thảo, đại diện các cơ quan quản lý 28 tỉnh ven biển, các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế, các hộ dân được hỗ trợ... đã cùng chia sẻ kinh nghiệm thực tế trong việc xây dựng nhà an toàn phòng, chống bão lụt tại các tỉnh ven biển miền Trung của Việt Nam, những kỹ năng cần thiết để vượt qua thiên tai, lũ lụt cũng như đưa ra những phương hướng, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của mô hình nhà an toàn phòng, chống bão lụt trong thời gian tới.

Thống kê của Tổng cục Phòng, chống thiên tai, Bộ NN&PTNT (NN&PTNT) cho thấy, hiện có tới 223.008 nhà không an toàn trước bão và 152.820 nhà không an toàn trước lũ. Ðây là một con số rất đáng lưu tâm, liên quan tính mạng và tài sản của người dân.

Thứ trưởng NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp bày tỏ quan điểm, hiện có rất nhiều cơ chế để hỗ trợ người dân. Với Quyết định 48, từ năm 2014, mỗi hộ gia đình ở 14 tỉnh miền trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận được hỗ trợ từ 12 - 16 triệu đồng/hộ để xây nhà chống bão, lũ, đồng thời được vay tối đa 15 triệu đồng/hộ trong 10 năm.

"Trong thống kê của chúng tôi, hiện nay một nhà để bảo đảm chống bão lũ thì tối thiểu là 2 triệu đồng/m2. Như vậy, với gia đình có bốn người thì chúng ta phải xây nhà từ 30 - 35 m2, tính ra tối thiểu là từ 60 - 70 triệu đồng. Ðây là vấn đề mà Nhà nước, nhân dân, cộng đồng và xã hội cùng phải tham gia", ông Hiệp nhấn mạnh.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Nhà chống lũ - Giải pháp thiết thực ứng phó thiên tai cho người dân. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thanh niên 9x khởi nghiệp với hoa cẩm cù
Đỗ Văn Phúc (SN 1991) bất ngờ khám phá niềm yêu thích đặc biệt với hoa cẩm cù. Từ đó, anh đã biến đam mê này thành sự nghiệp, gặt hái thành công và tạo ra nguồn thu nhập ổn định tại Bình Phước.

Tin mới